Nguồn gốc trong tiếng Hy Lạp
Từ barbarian bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ (βάρβάρος), vào khoảng 3200 năm trước – thời kỳ thống trị của nền văn minh Mycenae trên phần lớn lục địa Hy Lạp, được dùng để chỉ người ngoài (tức những ai không biết nói tiếng Hy Lạp).
Các nhà nghiên cứu cho biết đã phát hiện thấy từ này được khắc trên các tấm bia đất sét ở di tích Pylos - một thành phố lớn thời Mycenae. Juan Luis Garcia Alonso, giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ Hy-La tại Đại học Salamanca cho biết: “từ này, đơn giản để chỉ những cư dân bên ngoài thành phố.”
Một số học giả cũng tranh luận về âm kép “bar-bar” trong từ “barbarian”, đặt giả thuyết là nhại lại phát âm của người không nói tiếng Hy Lạp - vào thời đó thường bị xem là thù, song cũng có thể là bạn. Chẳng hạn, những người Ba Tư xâm lược Hy Lạp bị coi là “người man di” - theo miêu tả của Herodotus về trận chiến với đội quân tiên phong của Spartan ở Thermopylae.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng người Hy Lạp cổ thường sử dụng từ “man di” một cách khá khó hiểu và đôi khi mâu thuẫn. Vấn đề ở đây là họ đã không đạt được sự thống nhất trong cộng đồng về khái niệm “người nói” và “không nói” tiếng Hy Lạp, chí ít là cho đến thời Alexander Đại đế. Khi ấy, sự tồn tại của quá nhiều giọng địa phương khiến tỷ lệ người nói tiếng Hy Lạp “chuẩn” chỉ ở mức rất thấp.
Người La Mã thường sử dụng từ” man di” để nói đến những bộ tộc bên ngoài lăm le cướp bóc của họ. Ảnh: Pinterest
Người man di và La Mã
Đối với người La Mã (Roma) – phần lớn không nói tiếng Hy Lạp, nghĩa của từ barbarian đã biến đổi ít nhiều khi họ thường dùng từ này để nói về những người ngoại quốc, đặc biệt các nước khác có ý đồ xâm chiếm Roma. Và cộng đồng những “người man di” này lại càng không bao giờ hòa thuận với nhau. Trong khi một số nước lăm le cướp bóc thì số khác lại tìm cách liên minh với Roma trong những mối quan hệ không chỉ rất nhiều mà còn thay đổi theo thời gian.
Trong số những đồng minh đặc biệt thân cận của Roma khi ấy, có thể kể đến: người Goth, Vandal, Herule, Sueve, Saxon, Gepid, Sarmatian, Alan, Hun, Avar, Pict, Carpi và Isaurian… Chẳng hạn tộc Baiuvarii, những người hay tự nắn chỉnh hộp sọ của mình để có hình dạng đầu giống như quả trứng “hoàn hảo”. Một “người man di” nổi tiếng nhất thời kỳ này chính là Attila hay Hung Nô (Hun) – nắm giữ trong tay cả một đế chế khổng lồ, kiểm soát và chi phối cộng đồng người man di. Thời kỳ đầu tại vị, ông ta kết thân với Roma để chống lại người Burgundy; nhưng sau này ông ta lại quay lưng với người La Mã và đánh úp họ tại lãnh thổ thuộc Pháp bây giờ, khiến Roma phải liên minh với người Visigoth để đánh bại Attila.
“Người Hung Nô trong trận Chalons”, do A. De Neuville (1836-1885) minh họa.
Ảnh: Live Science
Tuy nhiên, khái niệm “người man di” không hẳn đều mang nghĩa tiêu cực đối với toàn bộ thần dân của Đế quốc Roma. Vào khoảng những năm 440 sau CN, linh mục Công giáo Salvian đã viết trong các tác phẩm của mình, rằng: “Hầu hết người man di, những kẻ có chung chủng tộc và huyết thống, đã yêu thương nhau, trong khi chúng ta (tức người La Mã) lại đối xử với nhau cực kỳ tệ bạc.” Salvian còn nêu chi tiết rằng rất nhiều dân nghèo ở Roma đã từng tìm đến người man di để cầu mong sự giúp đỡ: “Họ tìm kiếm sự nhân đạo với người La Mã ngay giữa những người man di, bởi vì họ đã không thể chịu đựng được sự tàn nhẫn và man rợ của chúng ta ở Roma” – Đoạn dịch trên website của Đại học Công giáo Fordham (Hoa Kỳ).
Các thuyết khác về người man di
Tác giả Nicola Di Cosmo, trong cuốn “Trung Hoa cổ đại và kẻ thù: Sự trỗi dậy của những người di cư trong lịch sử Đông Á” đã viết: “Đặc điểm chung duy nhất giữa các nền văn minh giao thoa là nhu cầu tự bảo vệ, không phải chỉ khỏi kẻ thù riêng, mà còn khỏi kẻ thù chung là người man di … Xung đột giữa các nền văn minh vẫn được xem như một chủ đề mà chúng ta hay phải đối mặt xuyên suốt trong lịch sử thế giới.”
Hiện nay, đối với nhiều học giả và phần lớn công chúng, việc định nghĩa thế nào là “người man di” lại càng trở nên rắc rối.
Người Trung Quốc cũng thường sử dụng các khái niệm tương tự như “man di” để mô tả người Di – hay người Lô Lô. Một số quan điểm khác lại cho rằng chính tộc Viking mới là người man di, mặc dù họ đã phát minh ra những cải tiến trong kỹ thuật sử dụng thuyền buồm để đến định cư tại Băng đảo (Iceland) và cập bến Tân Thế giới (châu Mỹ).
Ngày nay, rất nhiều phương pháp chữa bệnh có từ thời cổ đại cũng thường bị xem là “man di”, mặc dù không ít người trong chúng ta vẫn đang sử dụng chúng.
Từ đó có thể thấy, ý nghĩa của từ “man di” đã bị thay đổi rất nhiều, theo từng thời đại, vùng miền, và cả do ý chí của con người.