Trong công trình của Nguyễn Doãn Minh, các tư liệu thành văn trong vòng bảy thế kỷ - từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX - về cụm di tích Tứ trấn Thăng Long được tổng hợp và hệ thống một cách đầy đủ nhất cho tới nay.

PGS. TS Lịch sử Mỹ thuật Trần Lâm Biền nhận xét, chủ đề của quyển sách Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội của TS Văn hóa học Nguyễn Doãn Minh (Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) “là một đề tài tưởng như đơn giản, nhưng thực chất khá khó, nhất là ở vấn đề văn hóa phi vật thể”. Thật thế, hệ thống di tích Tứ trấn Thăng Long Hà Nội quá nổi tiếng nhưng chưa từng được nghiên cứu hết kiệt. Sau 1954, nhiều học giả nổi tiếng như Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Kiều Thu Hoạch, Đỗ Quang Hưng đã nghiên cứu, tuy vậy không nêu lên tính hệ thống và tính lịch sử của cụm di tích ấy. Công trình của Nguyễn Doãn Minh xử lý thiếu sót đó bằng cách trình bày khách quan tất cả tài liệu thành văn hiện có trong vòng bảy thế kỷ, từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX.

Cuốn sách do Tri thức trẻ books và NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2020. Ảnh: INT

Các tài liệu của Nguyễn Doãn Minh được chia làm hai loại: trước và sau 1945. Ta quan tâm chủ yếu loại tài liệu thứ nhất. Nguyễn Doãn Minh phân loại tiếp tài liệu trước 1945 thành tài liệu của người Việt và của người châu Âu. Các tài liệu của người châu Âu trình bày cách quản lý di tích thời Pháp thuộc thông qua các văn bản quy định và quan điểm của người dân trực tiếp quản lý di tích. Loại tài liệu này bổ ích, nhưng quyển sách Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội tập trung xử lý tài liệu của người Việt Nam trước 1945. Nó gồm các tập sách, bản đồ, văn bia, sắc phong, thần tích, v.v… Nội dung chính của các tài liệu đó là trình bày lai lịch các vị thần, vị trí của di tích và lý do lập đền thờ.

Tương truyền các vị thần được thờ ở bốn ngôi đền là Tứ trấn ngày hôm nay xuất hiện từ sớm. Huyền Thiên Đại đế được thờ ở đền Trấn Vũ là một trong ba hồn của Thượng Đế, đã đầu thai nhiều lần. Thần Cao Sơn được thờ ở đền Kim Liên hoặc là một trong năm mươi người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau trở thành sơn thần của ngọn núi nằm trái núi Tản Viên; hoặc là một viên tướng đời Lê. Thần Long Đỗ được thờ ở đền Bạch Mã hiển linh giúp An Dương Vương xây thành. Thần Linh Lang được thờ ở đền Voi Phục là con trai Long Vương, xuất thế làm con vua Lý Thánh Tông. Tuy vậy các tài liệu viết bàn về lai lịch của bốn vị thần trên xuất hiện khá muộn. Lai lịch các ngài lần đầu được trình bày trong hai tập truyện dân gian đời Trần, vào thế kỷ XIV, là Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và Lĩnh nam chích quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Hai tập sách chỉ thuật lai lịch duy nhất một trong bốn vị thần, là vị ngày nay được thờ ở đền Bạch Mã, đồng thời chưa xác định vị trí của cả bốn ngôi đền thiêng. Thật thế, vị trí của ba trên bốn ngôi đền thuộc cụm di tích Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội là Bạch Mã, Voi Phục, Trấn Vũ lần đầu xuất hiện ở tập bản đồ kinh thành thời Hồng Đức, hoàn thành năm 1490. Cả ba lần lượt nằm ở phương Đông, Tây, Bắc của thành. Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn – trấn Nam của hệ thống Tứ trấn theo quan điểm ngày nay – tuy vậy chưa xuất hiện trong bản đồ năm 1490.

Hệ thống tứ trấn Hà Nội hay Thăng Long tứ trấn bao gồm 4 ngôi đền cổ. Ảnh: INT

Thuật ngữ “Tứ trấn”, hiểu như bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn phương để bảo vệ trung tâm kinh thành là điện Kính Thiên, chỉ xuất hiện trong một tập sách thế kỷ XIX, sau năm 1831 lúc hoàng đế triều Nguyễn, Minh Mạng đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, Hà thành linh tích cổ lục (Ghi chép về những di tích linh thiêng ở Hà Nội). Thông tin này nằm ở một trong ba mục thuộc phụ lục của tập sách, “Tứ trấn từ”: “Tứ trần từ; Đông trấn Hàng Buồm phố Bạch Mã đại vương từ; Tây trấn Thủ Lệ trại Linh Lang đại vương từ; Nam trấn Kim Liên phường Cao Sơn đại vương từ; Bắc trấn Tây Hồ Chân Vũ quá”. Tuy vậy thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn” vẫn chưa xuất hiện trong tập sách năm 1831.

Thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn”, theo tác giả Nguyễn Doãn Minh, xuất hiện sớm nhất trong một bản thảo chữ Hán Thăng Long cổ tích khảo tịch hội đồ của Đặng Xuân Khanh, viết năm 1956. Sách có hai dòng chữ Hán như sau: “Thăng Long Tứ trấn. Đông trấn Hàng Buồm Bạch Mã đại vương từ. Tây trấn Thủ Lệ Linh Lang đại vương từ. Nam trấn Kim Liên Cao Sơn đại vương từ. Bắc trấn Tây Hồ Trấn Vũ đại đế từ”. Như vậy nội dung của thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn” của văn bản viết năm 1956 khẳng định lại nội dung của thuật ngữ “Tứ trấn” trong tập sách được in trong thế kỷ XIX đã trình bày ở trên.

Từ sự trình bày khách quan các tư liệu thành văn hiện được biết trong vòng bảy thế kỷ, từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX, Nguyễn Doãn Minh đưa ra một kết luận: tục thờ Tứ trấn Thăng Long không phải một tục thờ cúng tự nhiên của cư dân bản địa, cũng không phải có lịch sử 1.000 năm từ đầu thời Lý, mà được hình thành dưới thời nhà Nguyễn khi Thăng Long không còn là kinh đô của quốc gia Việt Nam. Chỉ riêng sự trình bày tất cả tài liệu viết thành văn liên quan đến tục thờ Tứ trấn Thăng Long và xác định thời điểm hình thành tục thờ, trước Nguyễn Doãn Minh chưa ai làm được. Đây là thành tựu khách quan của Nguyễn Doãn Minh.

Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, Nguyễn Doãn Minh tiếp tục diễn giải chúng bằng lý thuyết “tạo dựng truyền thống” (invention of tradition). Theo lý thuyết đó, nguồn gốc của các truyền thống có vẻ cổ xưa thường là khá gần đây, hoặc có thể đã được tạo dựng có chủ đích. Nguyễn Doãn Minh đặt giả thuyết những người tạo ra tục thờ Tứ trấn Thăng Long là tầng lớp nho sĩ Bắc Kỳ đầu thế kỷ XIX. Mục đích chính của họ là do nỗi hoài nhớ tính trung tâm trong đời sống chính trị của Thăng Long. Để tạo nên lòng tin có thật trong lòng người thời bấy giờ, tầng lớp nho sĩ đã dựa trên bốn cơ sở vững chắc. Thứ nhất, lòng tin của người bấy giờ vào phong thủy rất mạnh, mà tứ trấn là một mô hình phong thủy phổ biến. Thứ hai, họ đã tái khẳng định huyền thoại rồng vàng hiển linh tại vùng đất sau này là Thăng Long vào đầu thời Lý. Thứ ba, lai lịch của bốn vị thần được thờ tại bốn ngôi đền thiêng đều có công chống ngoại xâm và củng cố quyền lực nhà nước, từ đó tạo nên sự tín nhiệm đối với người dân thường lẫn triều đình nhà Nguyễn. Thứ tư, họ đã nghiên cứu kỹ các tài liệu thành văn trong quá khứ để tạo ra một hiểu biết được hợp thức hóa.

Quyển sách Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội của Nguyễn Doãn Minh do đó có thể thỏa mãn người đọc ở hai phương diện. Một là, công trình này trình bày khách quan tất cả tài liệu thành văn hiện được biết trong bảy thế kỷ liên quan đến cụm di tích Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội. Hai là, tác giả đã thử đặt ra một giả thuyết làm việc để giải thích lý do để tục thờ Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội trở nên hiện thực vào nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là giả thuyết có giá trị xác thực cao để các nhà nghiên cứu sau này có thể dựa vào để đi tiếp, hoặc có thể được tiếp tục phê bình và đánh giá từ đó góp phần ra đời một giả thuyết khả tín hơn.