Mỹ vừa bắn hạ 4 vật thể bay vì lo ngại đó là những khí cầu do thám, nhưng trên thực tế khí cầu tầm cao còn được dùng cho các mục đích khoa học.
Sau khi bắn hạ một khí cầu tầm cao bị nghi là của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 4/2, Mỹ tiếp tục thắt chặt việc tìm kiếm các vật thể bay tầm cao không xác định khác bằng radar, và bắn hạ thêm 3 vật thể nữa. Đến nay có vẻ như các vật thể đều không phải là khí cầu do thám.
Khí cầu bị bắn hạ đầu tiên cao 60 mét, mang theo trọng tải khoảng một tấn, gồm các thiết bị để chặn các thông tin nhạy cảm. Trung Quốc thì nói rằng đó là một khí cầu nghiên cứu dân sự đi lạc.
3 khí cầu còn lại nhỏ hơn và không được Mỹ mô tả rõ ràng. Khí cầu ở Alaska có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ; khí cầu ở Yukon, Canada, có hình trụ nhỏ; và khí cầu ở Michigan có cấu trúc hình bát giác. Cả 3 đều bay trong không phận thương mại ở độ cao khoảng 6–12 km. Chính phủ Mỹ hiện cho biết "lời giải thích khả dĩ nhất" là "những khí cầu này gắn liền với mục đích thương mại hoặc ôn hòa nào đó”.
Có bao nhiêu khí cầu tầm cao trên bầu trời? Chúng được sử dụng để làm gì và những sự cố gần đây có ý nghĩa gì đối với những người sử dụng khí cầu?
Khí cầu tầm cao được sử dụng cho mục đích khoa học, chẳng hạn như để nhìn rõ không gian hoặc để kiểm tra dụng cụ.
Khí cầu tầm cao là một công cụ có giá trị để có được tầm nhìn cao hơn tầm nhìn mà máy bay không người lái hoặc máy bay có người lái có thể đạt tới, với chi phí thấp hơn so với vệ tinh. Hầu hết là khí cầu thời tiết, được phóng đồng thời từ gần 900 địa điểm trên toàn thế giới, 2 lần mỗi ngày. Các khí cầu này truyền dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất và vị trí, và chỉ dùng một lần. Chúng thường được làm bằng mủ cao su phân hủy sinh học, đường kính có thể đến 6 mét khi mở rộng, bay lên độ cao khoảng 30 km và chỉ tồn tại trong vài giờ.
Một số nhà khoa học sử dụng những khí cầu lớn hơn, bền hơn để quan sát không gian hoặc thử nghiệm các dụng cụ được thiết kế để sử dụng trên cao. Cơ sở bay Wallops của NASA ở Virginia quản lý việc phóng khoảng 10–15 khinh khí cầu khoa học mỗi năm trên toàn thế giới. Chúng có thể mang khoảng 3.000 kg lên độ cao 37 km, nhờ kích thước khi mở ra lớn hơn một sân vận động bóng đá.
Những người sử dụng khí cầu khác gồm sinh viên khoa học, công ty và những người đam mê nghiệp dư. Jason Krueger cho biết, từ năm 2006, công ty StratoStar của anh ở Fishers, Indiana, đã giúp sinh viên và các công ty thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ khí cầu tầm cao. Các dự án này đa dạng, từ thử nghiệm xem giấy giao việc (post-it-note) còn dính khi lên đến độ cao gần không gian hay không, đến thử nghiệm tác động của bức xạ độ cao đối với các mẫu máu.
Một số công ty thì sử dụng khí cầu để cung cấp Wi-Fi cho các vùng sâu vùng xa. Những người đam mê nghiệp dư thì dùng những khí cầu có đường kính dưới 1 mét, mang theo những chiếc radio nghiệp dư hoặc những tải trọng chỉ nặng vài gam.
Nhiều khí cầu trong số này không bị đưa vào danh sách nghi ngờ và bị bắn hạ. “Mỗi ngày đều có nhiều chuyến bay khí cầu của giới nghiên cứu, doanh nghiệp và người dùng giải trí, tôi cho rằng những gì bị bắn hạ không nằm trong những hạng mục đó", Robert Rohde, nhà khoa học tại tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Berkeley Earth, sống ở Zurich, Thụy Sĩ, cho biết.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ không yêu cầu khai báo hay gắn định vị với các thiết bị bay tải trọng dưới 5,4 kg. Nếu giờ đây những vật thể bay như vậy bắt đầu thu hút sự chú ý của quân đội, thì chúng nên được định vị và khai báo, Rohde nói. "Tôi không cảm thấy điều này là cần thiết từ quan điểm an toàn, nhưng nếu có lo ngại về các khí cầu di chuyển giữa các quốc gia, thì nên tìm cách xác định chúng là gì."
Gần đây, Mỹ bắt đầu xem xét các "hiện tượng dị thường không xác định" (UAP), bao gồm cả vật thể bay, một cách nghiêm túc hơn. Năm ngoái, NASA thành lập một nhóm gồm các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, chuyên gia chuyến bay và vũ trụ để điều tra UAP, với lý do an ninh quốc gia và an toàn hàng không.
Và vào tháng 1/2023, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) đã tiết lộ số lần phát hiện UAP tăng đáng kể. Trong 17 năm tính đến tháng 3/2021, ODNI đã lập danh mục 263 báo cáo UAP. Nhưng chỉ từ tháng 3/2021 đến nay, đã có 247 báo cáo. Trong số 366 báo cáo được phân tích kỹ, ODNI xác định 163 khí cầu, 26 máy bay không người lái và 6 sự kiện thời tiết không rõ ràng.
Nguồn: