Có thể vũ khí này đã giúp Homo sapiens có lợi thế trước Neanderthal trong cuộc chiến lãnh thổ.


Các nhà nghiên cứu "sao chép" các đầu mũi tên bằng đá tìm thấy trong hang, sau đó gắn lên thân mũi tên để thử nghiệm.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu khai quật Grotte Mandrin - một hang động 54.000 năm tuổi ở Thung lũng Rhône, miền nam nước Pháp - tuyên bố rằng địa điểm này có bằng chứng sớm nhất được biết đến về Homo sapiens ở châu Âu.

Ở một trong các tầng khảo cổ của hang, tầng E, nhóm của nhà nhân chủng học văn hóa Ludovic Slimak tại Đại học Toulouse-Jean Jaurès, đã xác định được răng của một đứa trẻ và hàng nghìn công cụ bằng đá. Họ kết luận đứa trẻ là một Homo sapiens.

Trong số các công cụ có hàng trăm mẩu đá nhỏ, có hình dạng và kích thước gần như giống hệt nhau - chỉ dài 1 cm và nặng vài gram. Các mẩu đá nhỏ nhất trông tương tự các đầu mũi tên khác do những người cổ đại và người hiện đại từng tạo ra.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra hàng chục bản sao của các mẩu đá từ đá lửa trong khu vực. Họ cũng chế tạo các bộ cung tên và thân mũi tên bằng gỗ, hoặc những cây giáo và lao, để thử nghiệm "đầu đạn" bằng đá.

Kết quả, chỉ những mẩu đá nhỏ được gắn vào mũi tên và bắn đi bằng cung mới tạo ra lực cần thiết để làm bị thương hoặc giết chết một con vật, Laure Metz, nhà khảo cổ học tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp, người đồng dẫn đầu nghiên cứu với Slimak, cho biết. “Không thể sử dụng những mẩu đá nhỏ này với thứ gì khác ngoài cung và tên.” Trong khi đó, một số mẩu đá lớn hơn có thể đã được sử dụng làm mũi giáo hoặc lao.

Grotte Mandrin chứa nhiều xương ngựa, và Metz nghi ngờ rằng những người trú ẩn trong hang đã săn bắt những chúng cũng như bò rừng di cư qua Thung lũng Rhône. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một chiếc xương đùi ngựa có vết thương tương thích với một "đầu đạn" bằng đá, và Metz kỳ vọng tìm thấy một mũi tên cắm trong xương động vật.

Một số nhà khảo cổ học cho rằng hang động Grotte Mandrin chứa bằng những chứng sớm nhất được biết đến về Homo sapiens ở châu Âu.

Trong các di tích, các tầng khảo cổ thể hiện các giai đoạn lịch sử tiếp nối nhau, tầng càng ở sâu càng xuất hiện sớm. Trên và dưới tầng E ở Grotte Mandrin, các nhà nghiên cứu đều tìm thấy răng và DNA của người Neanderthal, cùng với các công cụ bằng đá đặc trưng của loài người đã tuyệt chủng này. Vì thế, nhóm của Slimak cho rằng tầng E đại diện cho một nhóm Homo sapiens xâm nhập sớm vào lãnh thổ của người Neanderthal, hơn 10.000 năm trước khi Homo sapiens định cư ở châu Âu, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Nếu Homo sapiens đã tạo ra các "đầu đạn" đá ở giai đoạn tương đương với tầng E, thì không rõ tại sao người Neanderthal trong khu vực ở các giai đoạn sau đó, thể hiện qua các mẫu vật nằm trên tầng E, không tiếp thu công nghệ cung tên và để lại các dấu vết tương tự. Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng người Neanderthal thiếu khả năng nhận thức để sử dụng "đầu đạn" bằng đá, một sự khác biệt có thể giúp Homo sapiens cạnh tranh với Neanderthal.

Một số nhà khoa học nghi ngờ lý do này, và băn khoăn hỏi liệu các truyền thống văn hóa có giải thích được tại sao người Neanderthal dường như chưa bao giờ sử dụng cung tên hay không. Họ đồng ý rằng người Neanderthal sống ở Grotte Mandrin không để lại mũi tên nhưng đặt câu hỏi liệu bằng chứng về việc sử dụng cung tên có thể được tìm thấy ở nơi khác hay không. Họ không tin rằng gười Neanderthal bảo thủ đến mức không sao chép vũ khí lợi hại được sử dụng bởi những nhóm người khác.

Nghiên cứu của nhóm Slimak và Metz được công bố vào ngày 22/2 trên tạp chíScience Advances

Nguồn: