1. Liệu nghề phiên dịch có biến mất khi máy dịch ngày càng tốt?
GS. Hồ Tú Bảo: Máy đã thay thế được con người trong việc phiên dịch thông thường. Chẳng hạn, khi ra nước ngoài mua vé tàu hoặc đặt đồ ăn, chúng ta có thể nói vào phần mềm dịch cài trên điện thoại và đưa cho người phục vụ đọc hiểu. Tuy nhiên, hiện nay máy móc chưa làm tốt việc phiên dịch chuyên môn sâu.
Trong tương lai sẽ có nghề bị mất đi và nghề mới xuất hiện. Chúng ta cần xem xét bản chất nghề nào có thể bị mất đi để tránh. Trong cuốn sách “Hỏi đáp về chuyển đổi số”, tôi có đề cập đến những đặc tính đó. Phiên dịch là một nghề như vậy.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Về cơ bản, máy có thể tạo ra hàng vạn lựa chọn nhưng bản thân chúng chưa biết được phương án nào hay nhất. Với những thứ cần tạo ra một lựa chọn duy nhất, máy có thể làm rất tốt. Tuy nhiên, khi cần lựa chọn phức tạp – như lựa chọn từ có ngữ nghĩa phù hợp trong bài thơ – máy thường làm kém hơn.
2. Như vậy, có lẽ con người sẽ không lo sẽ bị thay thế bởi AI, nhưng cần phải làm những công việc sáng tạo và nâng cao hơn thay vì các công việc lặp đi lặp lại như máy móc?
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Không hẳn là chúng ta phải làm thông minh hơn máy. Thực tế, tư duy của tôi là hãy chuẩn bị cho một tương lai làm việc cùng với máy. Con người cần hiểu rõ máy làm được gì và không làm được gì.
Chẳng hạn máy móc có thể tạo ra nhiều phương án, việc của con người là chọn một phương án tốt nhất. Tôi tin rằng máy móc sẽ giải phóng sức lao động của con người. Chúng ta không nên làm những việc máy thực hiện tốt hơn mà hãy sử dụng thời gian đó cho những hoạt động khác, chẳng hạn dành thời gian cho người thân, bạn bè.
3. Con người cần học kỹ năng gì để có thể “hợp tác” với AI một cách hiệu quả?
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Tôi làm việc với nhiều người không liên quan đến lập trình, và thấy rằng kỹ năng quan trọng cần có là làm việc với dữ liệu – tức các kỹ năng tư duy về số, làm việc với các con số, xử lý dữ liệu…
GS. Hồ Tú Bảo: Theo dự báo, số lượng nhân lực để hiểu thuật toán và tạo ra các công cụ AI chỉ chiếm 2-3%, trong khi phần lớn 70-80% là những người dùng công cụ đó để áp dụng trong các lĩnh vực chuyên môn (tài chính, bảo hiểm, y tế, thông tin, sản xuất, chế tạo, bán lẻ, dịch vụ…).
Do vậy, kỹ năng cần thiết với số đông người lao động là các kỹ năng để hiểu và sử dụng dữ liệu. Hiện nay, một số trường đại học và cơ sở đào tạo đã bắt đầu cung cấp những chương trình học đầu tiên về AI trong phân tích kinh doanh.
4. Trí tuệ nhân tạo có giúp được gì trong việc đầu tư chứng khoán?
GS. Hồ Tú Bảo:Tôi không biết nhiều về lĩnh vực chứng khoán, nhưng một số đồng nghiệp của tôi cho biết họ đã thử xây dựng các thuật toán và thấy rằng dữ liệu tính được chiếm phần rất nhỏ trong không gian rộng lớn. Có thể nói, hiện chưa tồn tại một công cụ nào để thắng được sự đa dạng, phức tạp của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, có một lĩnh vực khác quan trọng hơn là toán trong tài chính. Các kỹ thuật gắn với tài chính - gọi là Fintech - đang được phát triển nhiều và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, công nghệ sổ cái phân tán (Distributed ledger technology - DLT) nếu được áp dụng thành công sẽ tạo ra những thay đổi khủng khiếp trong ngành tài chính toàn thế giới.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh:Cũng như chiêm tinh học về chơi chứng khoán, các lý thuyết cơ bản đều thất bại. AI đang sử dụng dữ liệu quá khứ để hồi quy nên thường không đánh giá được những biến cố như bệnh dịch, thiên tai... Con người chúng ta thường đầu hàng trước số mệnh. Do vậy tôi cho rằng, trong AI cũng như bất kì ngành nào khác, biết điểm dừng là điều quan trọng.
5. Hiện có công cụ chatbot AI nào có thể nói chuyện và đưa ra tư vấn cho người dùng, dạng như một trợ lý ảo?
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Chúng ta biết đến nhiều trợ lý ảo như Apple Siri, Amazon Alexa hay Microsoft Cortana có thể đưa ra tư vấn cho người dùng. Cơ bản, chatbot [hiện nay] là các nút lệnh. Tôi tin rằng năm 2021 sẽ bùng bổ AI chatbot về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Đây là lĩnh vực Việt Nam làm khá tốt. Chúng tôi đang làm chatbot cho nhiều ngành hẹp như du lịch, bất động sản, ...
GS. Hồ Tú Bảo: Chatbot là kỹ thuật khó của AI. Nó là một hệ thống máy - khi người nói vào sẽ nhận dạng tiếng nói, chuyển thành văn bản, hiểu được câu hỏi, tìm kiếm trong kho dữ liệu những kiến thức thích hợp để sinh ra câu trả lời có lý.
Hiện nay, chatbot đang ở mức độ cơ bản, ví dụ trả lời những câu hỏi mà câu trả lời đã có trước. Để chatbot thực sự hiểu được hết những gì con người nói ra sẽ là một chặng đường dài như phát triển AI tổng quát, có thể mất tới nhiều thập kỷ nữa.
6. Trí tuệ nhân tạo có thể bị hack và gây hại cho con người không?
GS. Hồ Tú Bảo: AI bao gồm cả phần mềm và phần cứng, nên chúng có thể bị hack. Do vậy, công việc phát triển AI và chuyển đổi số gắn chặt với vấn đề an toàn, an ninh.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Dữ liệu có thể bị hack, còn thuật toán - mặc dù không hẳn là bị “hack” - nhưng có thể được sử dụng để tạo ra những kết quả không mong muốn, ví dụ tạo ra các kết quả bị thiên kiến về giới tính.
Điều này đã trở thành vấn nạn trên thế giới, thậm chí gây tranh cãi liệu nên để các nhà khoa học dữ liệu đi học xã hội học hay để các nhà xã hội học tìm hiểu về AI để cải thiện tình hình. Một số công ty công nghệ đã có những nỗ lực quan trọng trong việc hướng đến khoa học xã hội, chẳng hạn mới đây Google Cloud đã bỏ tính năng nhận diện nam nữ trong các bức ảnh của mình.
7. Liệu trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra trí tuệ nhân tạo không? Nếu có, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý cho AI đời thứ n?
GS. Hồ Tú Bảo: Đây là câu hỏi rất khó và hiện nay vẫn còn tranh cãi, chưa có câu trả lời rõ ràng. Nhiều người nghiên cứu giỏi mà tôi có dịp trao đổi không tin rằng AI có thể làm hại con người.
Còn việc liệu một chương trình máy tính có thể tạo ra chương trình máy tính khác không thì có lẽ còn rất xa, có thể nhiều thập kỉ tới cũng chưa có khả năng.
Thậm chí nếu trường hợp đó xảy ra, tôi tin con người cũng sẽ có cách khống chế. Bởi mặc dù trong lúc phát triển AI, có thể có người làm điều tệ hại nhưng cũng sẽ luôn có những người khác tìm cách chống lại điều đó.
8. Việt Nam có những ưu thế và hạn chế nào khi tham gia “cuộc đua” về trí tuệ nhân tạo so với các nước khác trên thế giới?
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Chúng ta cần đứng trên vai người khổng lồ, nếu có thể bay thì tại sao phải đi bộ? Chẳng hạn, chúng ta có cần xây dựng lại công nghệ lõi về tiếng nói trong khi công nghệ AI của nước ngoài với Tiếng Việt đã chín muồi và chi phí thấp hơn?
GS. Hồ Tú Bảo: Việt Nam có nhiều lợi thế. AI và các công nghệ mới hiện nay đều dựa vào dữ liệu, do vậy nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là chuyển đổi số để tạo ra dữ liệu.
Ba lần cách mạng công nghiệp trước đều dựa trên công nghiệp và Việt Nam đã đứng ngoài. Lần thứ 4 này là sự thay đổi công cụ dùng công nghệ số. Đây có thể là ưu thế với những nước không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam.
Nếu thực hiện được chuyển đổi số thì cơ bản chúng ta có cơ hội thành công trong CMCN lần thứ 4. Thông qua những kỹ thuật khai thác và phân tích dữ liệu, chúng ta có khả năng trở nên mạnh một cách tương đối. Và đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam. Nếu lần này Việt Nam không vượt lên được thì khoảng cách của chúng ta với thế giới sẽ càng ngày càng xa.
Chuỗi sự kiện về chủ đề Con người với Máy móc do Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace tổ chức trong suốt một năm tới với hàng loạt tọa đàm có sự tham gia của chuyên gia hai nước Pháp - Việt và một số buổi giới thiệu sách của các tác giả Pháp. Đây là chuỗi sự kiện được báo Khoa học và Phát triển bảo trợ thông tin. |