Năm 2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế [OECD] báo cáo rằng trong một thập kỷ trở lại đây, kết quả học tập các môn Ngôn ngữ, Toán, và Khoa học của học sinh tuổi 15 trên toàn cầu đã sa sút đáng kể. Một phần ba các nghiên cứu giải thích việc này đều coi sự xao nhãng do công nghệ số là nguyên nhân chính. Số ca nghiên cứu lâm sàng về các vấn đề liên quan đến sự chú ý – tập trung tăng đột biến. (Gần đây, Công ty Phần mềm Y khoa Epic công bố dữ liệu cho thấy từ năm 2010 đến năm 2022 số ca chẩn đoán mắc ADHD - hội chứng tăng động giảm chú ý - đã tăng gấp ba lần, tăng cao nhất ở lứa tuổi trẻ tiểu học). Sinh viên đại học thì, theo lời của các giảng viên, ngày càng gặp nhiều khó khăn khi đọc giáo trình. Thậm chí, chính giảng viên cũng thật thà thừa nhận khó khăn tương tự.
“Tụi trẻ không coi trọng tập trung lắm đâu,” Jac Mullen, một nhà văn và giáo viên trung học ở thành phố New Haven [bang Connecticut, Mỹ], nói. “Cần nhiều điều để chứng tỏ sự chú tâm ảnh hưởng đến kết quả nhưng tôi đành nhắc học sinh thế này: nếu em tập trung vào một việc thay vì xao nhãng vào thứ khác, việc em nghĩ là khó sẽ dễ dàng hơn nhiều.” Jac không nghĩ đây là lỗi của học sinh, vì sự đa nhiệm và cụm từ “quản lý thời gian” giờ đã thành một mục tiêu giáo dục. Đầu năm nay, kỳ thi SAT đã được thiết kế lại để rút ngắn hơn 45 phút, với nhiều đoạn văn đọc-hiểu được rút gọn còn hai hoặc ba câu. Nhiều giáo sư các trường Ivy League đã được khuyến nghị thay đổi hoạt động trên lớp sau mỗi mười phút, tránh để người học lạc trôi. Vậy thì biết đâu, điều ta coi là cuộc khủng hoảng về sự chú tâm lại do chính góc nhìn hạn hẹp của chúng ta: khủng hoảng ở lĩnh vực nào và với mục tiêu nào?
Năm 1997, chuyên gia công nghệ Michael Goldhaber đã tiên đoán về một thế giới mà sự chú tâm chiếm chỗ tiền pháp định để trở thành đồng tiền chính. (“Nếu bạn có đủ sự chú tâm, bạn có thể có được bất cứ thứ gì bạn muốn”, Goldhaber tuyên bố.)
Từ lâu, một niềm tin phổ biến là sự chú tâm mang giá trị nội tại. Trong tiếng Anh, sự chú tâm là những gì chúng ta phải “trả” [pay attention]. Trong một nghiên cứu về thời đại kỹ thuật số có tên “Hệ sinh thái của sự chú tâm”, nhà nghiên cứu văn học Thụy Sĩ Yves Citton không ủng hộ việc đánh đồng khái niệm “sự chú tâm” với các thuật ngữ kinh tế. Từ xưa, một thứ được cho là có giá trị vì nó có khả năng mang lại giá trị. Ông nói, “Bằng cách chú ý đến một điều như thể nó thú vị lắm, bạn sẽ khiến nó trở nên thú vị. Bằng cách đánh giá nó, bạn đang định giá nó rồi.” Ông nghĩ rằng nếu coi sự tập trung như một loại tiền tệ đơn thuần thì ta đang định giá thấp hơn những gì nó có thể làm được.
Tuyển tập tiểu luận “Tình cảnh của sự chú tâm” do D. Graham Burnett và Justin Smith-Ruiu biên tập, thách thức quan điểm “khoảng thời gian tập trung suy giảm do phát triển công nghệ”. Đúng là công cụ nhanh và cuộc sống náo nhiệt hơn, nhưng khẳng định sự đổi mới là nguyên nhân thì lạc hậu quá: “Chính con người tạo ra công nghệ, trong bối cảnh người khác đang cần mà”. Chẳng phải sau hàng thiên niên kỷ vò đầu bứt tai, con người đột nhiên “phát hiện ra” động cơ hơi nước, máy quay sợi, máy điện báo ư? Hiện đại hóa cứ thế tiếp diễn thôi. Mà đúng hơn, ưu tiên của con người đã thay đổi khi thời hiện đại bắt đầu đề cao tính hiệu quả, đo lường khách quan và các mục tiêu khác khiến những phát minh trên trở nên đáng giá. Theo nghĩa đó, nhịp sống tăng lên không phải là điều tất yếu mà là một kết quả mang tính ý thức hệ.
Bất chấp những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện đại, hàng thế kỷ qua, sự chú tâm vẫn là con đường trao đổi văn minh nhân loại. Các triết gia khắc kỷ viết về prosochē – sự tỉnh giác, như một điều kiện tiên quyết của ý thức đạo đức.
Nhiều người coi William James là người đầu tiên đưa ra mô hình chú tâm toàn diện ở Mỹ. Trong một chương của cuốn “Các nguyên tắc tâm lý học” (1890), James miêu tả sự chú tâm như một tiến trình không ngừng. Khi ta đinh ninh mình đang nắm giữ nó, tâm trí đã kịp lao đi đến tận đâu rồi quay về. Sự chú tâm bền vững được tạo bởi một dòng chảy từng khoảnh khắc ta để tâm. Vì vậy, bất chấp sự phức tạp và đa dạng của thế giới, “chưa bao giờ nhiều ý tưởng đồng thời tồn tại trong tâm trí cả.” (Góc nhìn sâu sắc này đã định hình nền tảng triết học của James.) Khi ta nhìn một bức tượng, khối đá ấy có thay đổi đâu, nhưng tác phẩm nghệ thuật ta đang thấy thì có vì ta liên tục nhận ra những điều mới mẻ. Mô hình của James phản đối quan điểm cho rằng sự chú tâm chỉ đơn thuần là thứ bạn chi ra, độc lập khỏi những suy nghĩ lan man và mộng tưởng riêng mình.
Ý tưởng theo dõi sự chú tâm trực quan qua chuyển động của đôi mắt xuất phát từ hơn một thế kỷ trước. Từ những năm 1870, Louis émile Javal, một bác sĩ nhãn khoa người Pháp mắc bệnh tăng nhãn áp, bắt đầu nghiên cứu các chuyển động vi tế của mắt để hiểu về cách người ta đọc chữ. Louis gọi chuyển động giật cục của mắt là “saccades”, từ mô tả chuyển động khựng lại của con ngựa khi bị ghì cương. Giữa thế kỷ XX, nhà tâm lý học Liên Xô Alfred Yarbus né Kraćkowski dùng những cặp kính áp tròng đặc biệt ghi lại chuyển động của mắt người tham gia và dõi theo cách đôi mắt họ ngắm một bức tranh. Bí ẩn đằng sau cách người ta chú tâm đến tác phẩm nghệ thuật là điều khoa học chưa từng để mắt đến trước đó. Trong thí nghiệm nổi tiếng nhất của mình, Yarbus sử dụng bức tranh “Họ không nghĩ anh sẽ về” của danh họa Ilya Repin, một bức tranh hiện thực mô tả một nhà cách mạng Nga đoàn tụ với gia đình. Người xem được yêu cầu ngắm bức tranh theo hai cách: ngắm tự do và theo gợi ý. Theo đó, quá trình chú tâm của họ liên tục thay đổi. [Những gợi ý khác nhau -> chú tâm vào nơi khác nhau -> mắt di chuyển khác nhau]. Ở Liên Xô, kết quả thí nghiệm này có thể được dùng để nói lên sức mạnh của giáo dục xã hội. Còn ở phương Tây bấy giờ, quan niệm về sự chú tâm của mắt bắt đầu gây chú ý trong thương mại. Những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu và công ty quảng cáo đã cải tiến kỹ thuật Yarbus, thay vì dùng kính áp tròng, họ chuyển sang theo dõi mắt bằng công nghệ tia hồng ngoại, thứ cũng có trong kính Apple Vision Pro.
Nhưng người ta sẽ nhìn thấy những gì họ đang tìm kiếm. Một giả thuyết về cuộc khủng hoảng chú tâm cho rằng đây thực ra là cuộc khủng hoảng về mặt đo lường. Vì ta tập trung vào những manh mối liên quan tới mắt thì phạm vi hiểu biết về sự chú tâm chỉ xác định tới đó. Nếu “sự chú tâm” khơi mào một cuộc chiến giành lấy ánh nhìn tức thời của chúng ta, thì ánh nhìn ấy trở thành một mặt hàng có giá trị, hơn hẳn một tâm trí lăn tăn chầm chậm.
“Khi coi sự chú tâm như một đối tượng trao đổi giữa người với người thì nền tảng khoa học ta dùng nhắm tới đo lường đối tượng này,” Mike Follett, Giám đốc Điều hành của Lumen Research, công ty tuyên bố nắm giữ bộ dữ liệu theo dõi mắt lớn nhất thế giới, nói. Trong thập kỷ qua, hơn nửa triệu người đã tham gia vào các nghiên cứu của Lumen. Ban đầu, Lumen gửi bộ dụng cụ hồng ngoại theo dõi chuyển động mắt tới người tham gia, nhưng quá trình này rất phiền phức. Vì vậy, họ tạo ra một ứng dụng dùng camera trên điện thoại thông minh để đo ánh sáng phản chiếu lóe lên từ mắt. Follett nói: “Giờ thì chúng tôi có thể huy động hàng nghìn người thực hiện một dự án nghiên cứu chỉ trong một buổi chiều. Chúng tôi quan sát được có bao nhiêu người đã xem quảng cáo trong bao lâu, ai nhấp vào quảng cáo, và nếu nhấp vào thì họ có mua hàng không.”
Tuy nhiên, Follett nói, tâm trí không đơn thuần chỉ có đôi mắt. “Theo dõi mắt không phải là theo dõi sự chú tâm. Anh có thể nhìn mà không thấy và thấy mà không cần nhìn đấy thôi.”
Các ngôn ngữ cơ thể khác thể hiện sự chú tâm theo nhiều cách khác nhau. Người ta xem TV với tư thế khác với khi dùng điện thoại hoặc máy tính xách tay, đọc một bài báo dài kỳ khác với khi tìm kiếm chuyến bay đến Paris. Càng nhiều loại dữ liệu được đưa vào khoa học thì bức tranh về sự chú tâm càng bí ẩn và ngạc nhiên. Theo nhiều phép đo, Follett cho biết, một trong những môi trường quảng cáo kém hiệu quả nhất là mạng xã hội: “Người ta cuộn trang quá nhanh, y như máy đánh bạc ở Vegas - chẳng lạ gì khi không ai xem quảng cáo trên đấy.” Theo dữ liệu Follett có, một trong những không gian quảng cáo giá trị nhất lại nằm trong những bài báo dài và hấp dẫn, do các nhà xuất bản đáng tin cậy đăng tải.
Anh giải thích: “Hóa ra sự chú tâm đến quảng cáo phụ thuộc vào sự chú tâm đến nội dung.” Tập hợp những nội dung dở có thể gây ra ảo giác sự chú tâm bị co rút. “Có thể người ta không có thời gian xem một quảng cáo dài 36 giây - hoặc họ chỉ không xem nó trên Facebook,” anh nói tiếp. “Nên Facebook phản ứng bằng cách phát triển các sản phẩm quảng cáo cố gây chú ý, dài chừng năm tới sáu giây.” Theo cách này, các nền tảng tự tạo ra cho mình một hệ sinh thái càng khan hiếm sự chú tâm. “Tôi không biết đây là con gà hay quả trứng nữa,” Follett nói.
Đối với hầu hết mọi người, chú tâm không hẳn là tập trung vào một điểm nhìn. Nó giống làn gió thoảng qua cửa sổ và phảng phất hương thơm hơn. Ta cảm nhận được sức mạnh của sự chú tâm khi đọc một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, hay khi lần đầu viếng thăm một nơi chốn lạ, tò mò quan sát mọi vật thể bên trong. Đối với Maurice Merleau-Ponty, nhà hiện tượng học ở những năm 1950, sự chú tâm là thứ khó hiểu đối với thời hiện đại. Nó là cội nguồn để giải thích tại sao khoa học thực chứng và lý lẽ đơn thuần lại thất bại trong việc ghi nhận thế giới ở mức bản chất. Thời hiện đại coi trọng đo lường khách quan và truyền bá kiến thức hơn là trải nghiệm, nhưng mà hàng thiên niên kỷ qua, chính trải nghiệm lại gắn chặt với kiến thức: đã có thời kỳ người cao tuổi từng trải được coi là thánh nhân của các tộc người.
“‘Dòng thác’ hình ảnh [ý chỉ các ứng dụng mạng xã hội hình ảnh – người dịch] ập tới hằng ngày hằng giờ đang phá hủy tính chủ quan của chúng ta,” Kristin Lawler, giáo sư xã hội học tại Mount St. Vincent, nói. Nó khiến mỗi cá nhân, nhất là những người trẻ, càng có ít không gian để tự khám phá điều thu hút mình. Theo lẽ đó thì việc đoạt lại sự chú tâm chắc chắn là một động thái cách mạng.
Trong cuốn sách “Một thế hệ âu lo”, nhà xã hội học Jonathan Haidt liên kết công nghệ điện thoại thông minh với tình trạng trầm cảm ngày càng tăng và các ảnh hưởng xấu khác ở thanh thiếu niên. “Gen Z là . . . đối tượng thử nghiệm cho một cách trưởng thành hoàn toàn mới, khác xa với tương tác trong thế giới thực của các cộng đồng nhỏ trước đây,” ông viết. “Họ cứ như là thế hệ đầu tiên lớn lên trên sao Hỏa vậy.”
Nguồn: