Trong suốt 30 năm hoạt động trong lĩnh vực toán học, PGS. Jenifer Ruef, nhà nghiên cứu về giáo dục ở Đại học Oregon, đã gặp nhiều trường hợp bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau do “tổn thương toán học” (math trauma) – một dạng suy nhược tinh thần khi thực hiện những gì liên quan đến toán học.
“Họ đều nói về cùng một vấn đề khi chia sẻ câu chuyện với tôi”, bà Ruef cho biết. Những người này đều từng bị chê là “học kém môn toán”, bị hoảng loạn trước các bài kiểm tra toán có giới hạn thời gian, gặp khó khăn trong một số vấn đề toán học như phân số, hoặc về cả Đại số hoặc Hình học.
Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà giáo dục Hoa Kỳ phải đối mặt hiện nay là hỗ trợ các giáo viên tiểu học giải quyết vấn đề tổn thương toán học. Thử tưởng tượng công việc của bạn là dạy toán cho trẻ em, nhưng đó lại là một trong những nỗi sợ cá nhân lớn nhất của bạn.
Biểu hiện của tổn thương toán học là hồi hộp và lắng – nỗi sợ hãi rằng mình sẽ làm sai. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn trường lớp, thậm chí là ngành nghề, công việc của rất nhiều người. Tổn thương toán học bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong số đó là ảnh hưởng từ phụ huynh và giáo viên: những suy nghĩ sai lầm của thế hệ trước về việc giỏi toán. Chẳng hạn như phải tính toán nhanh và chính xác – tiêu chí quan trọng trong nhiều thập kỷ trước, khi chủ yếu tính toán bằng tay.
Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy rằng: Việc bắt buộc phải tính toán với tốc độ nhanh làm học sinh bị suy nhược. Những học sinh gặp khó khăn khi hoàn thành bài kiểm tra toán có giới hạn về mặt thời gian, thường cảm thấy sợ hãi – điều này dẫn đến suy giảm trí nhớ, đồng thời củng cố suy nghĩ rằng người đó học kém môn toán.
Ngoài ra, điều này cũng có thể khiến những học sinh đạt điểm cao trong những bài kiểm tra toán có giới hạn về thời gian nghĩ rằng giỏi toán chỉ đơn giản là làm toán nhanh và chính xác. Niềm tin này có thể tác động xấu tới việc học toán. Học sinh sẽ ngại thể hiện những vấn đề chưa hiểu rõ hoặc những bài toán chưa làm được nhanh, dẫn tới việc tránh né những vấn đề toán học phức tạp.
Khả năng nhớ lại nhanh chóng các kiến thức toán học cơ bản sẽ giúp học tốt môn toán - đây là một suy nghĩ sai lầm. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng nhớ và tính toán nhanh chóng, chẳng hạn như 3 x 5 = 15 sẽ tốt nhất nếu hiểu bản chất phép toán. Có nghĩa là, bước đầu tiên để xây dựng trí nhớ về toán học là phải hiểu về bài toán đó.
Việc chỉ nhớ mà không hiểu rõ các kiến thức toán học sẽ khiến học sinh nhanh quên. Ngược lại, nếu hiểu rõ các kiến thức toán học sẽ giúp nhớ lại những kiến thức liên quan dễ dàng hơn. Đồng thời sẽ thúc đẩy học sinh tìm hiểu sâu hơn, áp dụng linh hoạt các kiến thức trong giải quyết những vấn đề mới.
Vậy phụ huynh và giáo viên có thể làm gì để học sinh nhanh hiểu các kiến thức toán học hơn?
Thứ nhất, cần tạo động lực và niềm vui cho trẻ. Các trò chơi và câu đố sẽ gây hứng thú nhiều hơn, chẳng hạn như trò Sudoku, KenKen và những trò chơi thẻ bài,… hoặc đặt ra những vấn đề cần sử dụng toán học. Đồng thời có thể yêu cầu trẻ giải thích suy nghĩ của mình – sử dụng từ ngữ, hình ảnh hoặc đồ vật – nhằm đánh giá những ý tưởng của trẻ. Hãy coi lỗi sai như một sự khám phá. Việc trẻ không đưa ra đáp án đúng không có nghĩa là mọi suy nghĩ của chúng đều sai lầm. Hãy yêu cầu trẻ giải thích suy nghĩ của mình, về cách chúng tìm ra đáp án – điều này sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về những gì mình đã làm sai, và phải hiểu đúng như thế nào.
Thứ hai, cần tránh thể hiện những thông điệp rằng trẻ không giỏi toán. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến niềm tin của trẻ về khả năng học hỏi của bản thân. Đồng thời, không nên khiến trẻ cảm thấy học toán là một “cực hình”. Hiện nay, việc dạy toán ở Mỹ đã có sự thay đổi, các trường học không còn chú trọng vào tốc độ và độ chính xác. Thay vào đó, họ tập trung vào việc thảo luận và tìm hiểu về toán học. Các nhà giáo dục về toán học cũng tán thành với quan điểm này.
Nếu bạn đã từng bị “tổn thương toán học”, hãy nhớ rằng có nhiều cách để chữa lành. Hãy bắt đầu với suy nghĩ rằng toán học là điều gì đó thú vị và rộng mở - phần lớn mọi người đều giỏi toán hơn những gì họ từng nghĩ.
Nguồn: