Mục tiêu mà Serge Moscovici theo đuổi trong cuốn sách này không phải là thực hiện một nghiên cứu lịch sử về môn khoa học có tên gọi "tâm lý học đám đông", mà là xây dựng một lý thuyết có hệ thống từ sự kế thừa hợp lý các lý thuyết nối tiếp nhau của Le Bon, Tarde và Freud.

Theo Moscovici, những gì chúng ta đang chứng kiến - sự trỗi dậy của đám đông để nắm trọn quyền lực xã hội trong hầu hết các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…) - đều cho thấy các luận điểm của Le Bon, Tarde và Freud chưa bao giờ là lỗi thời.

Người đọc sẽ rất thích thú khi đọc những phân tích của S. Moscovici về tác phẩm Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon1 - cách Le Bon mô tả các đặc điểm của nó, cũng như việc Le Bon nhấn mạnh ý tưởng về ám thị (thôi miên) để giải thích cơ chế đám đông tuân theo các nhà lãnh đạo như thế nào. Khả năng thống trị mà các nhà lãnh đạo có được đến từ đâu? Ở đây, Moscovici đặc biệt nhấn mạnh vào khái niệm "uy tín" mà Le Bon đã đưa ra, nó cấu thành "một sức mạnh bí ẩn, một loại mê hoặc chứa đầy sự ngưỡng mộ và kính trọng, làm tê liệt các khả năng phê bình". Moscovici cũng chỉ rõ mục đích "thực chứng" mà Le Bon theo đuổi khi nghiên cứu hành vi của đám đông, đó là "cung cấp một giải pháp và một phương pháp cho vấn đề chính quyền của các xã hội đại chúng". Đối với Le Bon, vấn đề là hiểu quần chúng để lãnh đạo họ sẽ tốt hơn tìm cách lừa dối họ - quan điểm này, theo Moscovici đã khiến Le Bon trở thành một "Machiavelli 2 của các xã hội đại chúng."

Tiếp đó, tác giả dành trọn phần "Nguyên tắc của thủ lĩnh" để phân tích các công trình của Gabriel Tarde3, người mà Moscovici nhận định đi theo con đường Le Bon đã khai phá, nhưng nhanh chóng chuyển hướng quan tâm từ “những đám đông tụ lại một cách tự phát vô chính phủ và tự nhiên”, tới "các đám đông nhân tạo, có tổ chức và kỷ luật, […] ví dụ như các đảng chính trị, doanh nghiệp hoặc cơ cấu nhà nước. Quân đội hay nhà thờ cũng là những nguyên mẫu của chúng". Như vậy ở Tarde đã có "một bước nhảy vọt thực sự định tính", một "sự đảo ngược triệt để", mở rộng lĩnh vực nghiên cứu bằng một chuyển đổi từ "một khối vô định hình sang một khối được xây dựng nghiêm ngặt".

Một câu hỏi mang tính nghịch lý được Tarde đặt ra: "Rõ ràng là các cá nhân khi tụ tập lại thành một đám đông thì năng lực tư duy bị giảm xuống và ít khả năng sáng tạo hơn so với khi họ thực hiện công việc một mình, vậy tại sao khi quan sát các thiết chế xã hội, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, các phương tiện sản xuất trong xã hội, chúng ta luôn nhận thấy có những phát triển vượt bậc làm thay đổi bộ mặt xã hội?" Theo Tarde, đó là vì: "Trong mọi đám đông luôn có một tầng lớp những cá nhân tách ra để tập hợp những người còn lại, lôi kéo họ theo mình và điều khiển họ. Đó là những thủ lĩnh, các lãnh đạo tôn giáo, các chính trị gia, nhà khoa học". Cũng theo Tarde, hành vi "bắt chước" là một dạng thức ám thị, nó đã trở thành một cơ chế/hình thức nền tảng của đời sống xã hội, là lời giải thích cho ảnh hưởng của thủ lĩnh đối với nhóm người bắt chước này, giải thích cho sự đồng nhất về tư tưởng và hành vi, sự lan truyền tình cảm và niềm tin, sự thích ứng của các cá nhân với mô hình chung của xã hội.

Cuốn
Tác phẩm của Serge Moscovici do Ngân Xuyên dịch sang tiếng Việt; Sao Bắc và NXB Hồng Đức ấn hành. Ảnh: DT

Moscovici cũng dành không gian đáng kể cho việc phân tích các luận điểm của Sigmund Freud4 trong tác phẩm Tâm lý học đại chúng và sự phân tích cái Tôi. Nếu Freud đồng ý với Le Bon về sự phân biệt chặt chẽ giữa đám đông và các nhà lãnh đạo, thì cách giải thích của Le Bon rằng các nhà lãnh đạo được tôn vinh bởi các ý tưởng của họ (bắt nguồn từ năng lượng và sự cuồng tín của họ) bị Freud coi là yếu kém. Nhanh chóng từ bỏ việc phân tích đám đông, Freud chuyển mối quan tâm sang những người cầm đầu hay các nhà lãnh đạo và đi đến kết luận rằng bản chất của mối quan hệ giữa đám đông và người lãnh đạo là nguyên tắc đồng nhất: Tình yêu dành cho nhà lãnh đạo đã được tái tạo lại trong hình ảnh một người cha, nguyên tắc đồng nhất này giống như một sự đền bù cho cái đám đông đã bị bật gốc và thay thế cho giả thuyết về hiện tượng bị thôi miên của đám đông được Le Bon và những người khác sử dụng. S. Moscovici tin rằng cách giải thích của Freud thỏa đáng hơn; theo ông, cái giả định rằng một đám đông có thể bị thôi miên giống như một cá nhân không mấy thuyết phục.

Nhìn chung, những luận điểm được tán đồng đến từ Freud nhiều hơn là đến từ Le Bon, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Freud đã sàng lọc một cách có hệ thống các luận điểm của Le Bon và trao cho chúng ta những kết luận đáng tin cậy hơn nhiều về tâm lý đám đông. Vậy những kết quả nghiên cứu tâm lý học đám đông của Freud có đánh dấu một sự đứt gãy trong tư tưởng của ông, đến từ hai lý thuyết riêng biệt - một lấy cá nhân làm trung tâm, một lấy đại chúng làm trung tâm? Theo S. Moscovici, câu trả lời là "không", bởi vì việc Freud quan tâm đến tâm lý học đám đông cũng giống như việc Einstein đã xuất phát từ thuyết tương đối hẹp để phát triển thành thuyết tương đối rộng. Nếu lý thuyết phân tâm học "hẹp" của Freud chỉ chú ý đến cá nhân, con người và gia đình, thần kinh và giấc mơ, vô thức, libido ở các cá nhân thì lý thuyết phân tâm học "rộng" mà Freud áp dụng khi nghiên cứu tâm lý học đám đông đã phải tìm cách trả lời cho những câu hỏi rộng lớn và sâu sắc hơn rất nhiều: làm thế nào để trở thành một người cha; làm thế nào để có thể tạo nhóm, điều hành dân tộc; đâu là cội nguồn của văn hóa, của loài người? Freud đã đi từ thế giới của cá nhân sang thế giới của đại chúng, mở ra cả một đại dương đầy biến động dữ dội chưa từng biết đến của tâm lý con người.

Vô thức bộc lộ ở đám đông khiến Freud sợ hãi và thái độ này cũng gần giống như của Le Bon khi cho rằng: "đám đông nằm cùng cấp độ với tầng thấp của tâm lý, giữa chúng và vô thức của con người có những quan hệ thông đồng, gần như là "tòng phạm" gây hại cho những giá trị cao nhất và những thành tựu cá nhân" và dù cho những nguyên nhân của nỗi sợ hãi này nằm ở đâu, theo S. Moscovici, cả Le Bon, Tarde và Freud đều đem đến những đóng góp to lớn để biến ngành tâm lý học đám đông trở thành một khoa học. Nếu như Le Bon chỉ dừng lại ở việc mô tả chúng, Tarde tìm cách phân tích cơ chế vận hành của chúng thì Freud đi tìm các nguyên nhân của chúng. Và các lý thuyết của Freud, hoàn toàn đối lập với Le Bon nhưng lại có một sự tương đồng đáng kinh ngạc với Tarde: Cái mà Tarde gọi là sự "bắt chước" thì Freud gọi đó là sự đồng nhất hóa. Trên nhiều phương diện, có thể xem tư tưởng của Freud cũng là những tư tưởng của Tarde được diễn đạt bằng ngôn ngữ phân tâm học.

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra: đâu là tính hữu ích thực sự của việc xây dựng một "khoa học về đám đông"? Trước hết, cần lưu ý rằng trong quá khứ, tâm lý học đám đông luôn bị chia cắt hay giành giật bởi xã hội học và tâm lý học. Nếu như Durkheim muốn biến tâm lý đám đông thành một vấn đề bị "hòa tan" trong xã hội học thì Freud lại muốn hấp thụ nó vào trong ngành phân tâm học của mình. Vì những lý do đó, tâm lý học đám đông trên thực tế vẫn còn là một thứ khoa học tản mạn, không có ranh giới và đối tượng nghiên cứu chính xác.

Bằng cách tổng hợp và hệ thống lại những công trình của những người đi trước dựa trên một cách nhìn hoàn toàn mới, Thời đám đông của Moscovici đã chuyển hóa các giả thiết của họ thành những diễn dịch khác nhau của một hệ thống toàn vẹn, vững chắc và độc lập với tâm lý học và xã hội học. Đây chính là đóng góp to lớn nhất của Moscovici, cho thấy ông là người kế tục xứng đáng của Le Bon, Tarde và Freud, những người đã đặt nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu tâm lý học đám đông.




(1) Gustave Le Bon (1841 - 1931), nhà tâm lý học xã hội người Pháp.
(2) Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469 - 1527) - nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà văn người Ý. Ông thường được gọi là cha đẻ của triết học chính trị hiện đại hay khoa học chính trị.
(3) Gabriel Tarde (1843-1904), nhà xã hội học và tâm lý học người Pháp.
(4) Sigmund Freud (1856 –1939) - bác sĩ về thần kinh và nhà tâm lý học người Áo, người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học.