Trong cả đời thực và các thiên sử thi, người mẹ Hy Lạp cổ đại hiện lên với tấm lòng hi sinh và tình thương con vô bờ bến.

Người Hy Lạp cổ đại không có những ngày lễ như Ngày của Mẹ - được kỷ niệm ở Mỹ và Vương quốc Anh ngày nay, nhưng họ vẫn có những lễ hội để tôn vinh người mẹ, chủ yếu tập trung vào nữ thần Hera (nữ thần của hôn nhân, thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình) hoặc nữ thần Cybele (vị thần bảo hộ cho các bà mẹ). Dù vậy, vào những ngày này, phụ nữ vẫn vất vả đảm nhận vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị các hoạt động của lễ hội.

“Những câu chuyện còn sót lại về những người mẹ có thật và trong thần thoại hé lộ cho chúng ta biết vai trò của họ”, GS Cổ điển học Joel Christensen, Đại học Brandeis, nhận định.

Những người mẹ có thật

Nhìn chung, phụ nữ Hy Lạp cổ đại có cuộc sống không mấy dễ dàng. Theo nhà thơ Hesiod, sống vào khoảng năm 700 trước Công nguyên, người ta thường cho rằng, sau bốn hoặc năm năm kể từ lúc bắt đầu dậy thì, phụ nữ nên kết hôn với đàn ông lớn tuổi hơn. Quan niệm thời đó coi vị thế của phụ nữ thấp kém hơn đàn ông, và phụ nữ thường được đánh giá dựa trên khả năng sinh con.

Một số tài liệu ước tính trung bình mỗi phụ nữ sinh con khoảng sáu lần,và có tới 40% trẻ sơ sinh không thể sống đến độ tuổi kết hôn. Mặc dù các ước tính về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh có phần khác nhau, hầu hết các nhà sử học đều nhất trí rằng việc chết trẻ khá phổ biến trong thời cổ đại.

Thông tin về tỷ lệ tử vong khi sinh ở người mẹ khá ít ỏi. Dữ liệu nhân khẩu học cho thấy có thời điểm hơn 30% bà mẹ tử vong do các biến chứng liên quan đến sinh nở. Có một số thông tin từ những tấm bia mộ được thu thập từ khắp các khu vực nói tiếng Hy Lạp thời cổ đại: Prakso, 21 tuổi, vợ của Theocritus, qua đời khi chuyển dạ và để lại đứa con 3 tuổi. Kainis mất ở tuổi 20 vì chuyển dạ kéo dài, nàng chỉ "vừa mới nếm trải hương vị cuộc đời". Plauta cũng ra đi ở tuổi 20, trong lần sinh nở thứ hai - nhưng danh tiếng của nàng "vẫn vang mãi, sâu lắng như nỗi đau vô tận của người chồng thân yêu", theo những dòng trên bia mộ.

Do sự bất ổn của trẻ trong giai đoạn đầu đời, người xưa chỉ tổ chức lễ đặt tên vào ngày thứ 10 sau khi sinh hoặc chính thức đăng ký đứa trẻ trở thành thành viên của gia đình trong hồ sơ thành phố khi trẻ được một tuổi.

Tuy nhiên, GS Joel Christensen không tin rằng rủi ro tử vong cao khiến cha mẹ trở nên xa cách với đứa trẻ. “Với tư cách là một người đã làm cha, tôi ngờ rằng cảm giác mong manh càng khiến trẻ trở thành một phần quý giá đối với tất cả các thành viên trong gia đình, và những năm tháng đầu đời đó càng thắt chặt thêm tình mẫu tử.”

Người mẹ trong sử thi

“Khi nghe đến lĩnh vực tôi nghiên cứu - sử thi, người ta thường nghĩ về những nam anh hùng bạo lực và nhân vật nữ tronghình ảnh nạn nhân. Mặc dù cách nghĩ này chưa chắc đã sai, nhưng nó đã bỏ qua những khía cạnh khác, chẳng hạn như vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ, đối với thế giới thi ca và thần thoại Hy Lạp”, GS Christensen phân tích.

Hy Lạp cổ đại có cả một thể loại thơ ca riêng, kể chuyện về gia đình của người anh hùng dựa trên hình ảnh người vợ và người mẹ, giúp đời thường hóa hình tượng người anh hùng đối với độc giả.

g
Hiện vật từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên mô tả cảnh Odysseus trở về bên Penelope, nàng lúc bấy giờ đang bị những người cầu hôn đến quấy nhiễu. Ảnh: Sepia Times/Universal Images Group via Getty Images

Ví dụ, trong thiên sử thi Odyssey, sau chuyến đi xuống Địa ngục, Odysseus đã kể về tất cả những bà mẹ của các vị anh hùng mà chàng gặp trong số những người đã khuất – và chàng đã nhắc đến mẹ của mình. Trong chuyến thăm ngắn ngủi, chàng biết rằng mẹ mình, Anticleia, đã qua đời với trái tim tan nát vì sự vắng mặt dài đằng đẵng của chàng. Và xuyên suốt sử thi, Odysseus dành phần lớn thời gian để tìm cách về nhà với người vợ Penelope - và cũng là mẹ của con trai chàng, Telemachus.

Trong sử thiIliad, mẹ của chiến binh mạnh mẽ Achilles, Thetis, đã cầu xin thần Zeus trừng phạt Hy Lạp vì Agamemnon, thủ lĩnh của quân Hy Lạp, đã làm nhục con trai bà. Lúc khác, khi Achilles đối mặt với Hector, Thetis than thở rằng cuộc đời ngắn ngủi của con trai bà sắp kết thúc.

Xuyên suốt những câu chuyện về chiến tranh và danh dự trong sử thi Iliad, những người mẹ nhắc nhở người đọc, người nghe về hậu quả thực sự của chiến tranh. Trong một khoảnh khắc khi Hector, hoàng tử của thành Troy, chờ đợi để đối mặt với Achilles và có thể là với cái chết, Hecuba, mẹ của chàng, đứng trên bờ thành cao và nước mắt lã chã tuôn rơi, cầu xin chàng nhớ đến những ngày tháng được bà chăm sóc, và hãy trở lại thành để tiếp tục bảo vệ bà.

j
Andromache khuyên can Hector trước khi chàng ra trận, tranh của Fernando Castelli. Ảnh: A. De Luca/De Agostini via Getty Images

Nhưng có một cảnh đặc biệt khiến GS Christensen cảm động, đó là những lời của Andromache, vợ của Hector, sau khi nàng nhận được tin về cái chết của chồng mình. Nàng xót xa cho tương lai đau khổ của con trai khi cậu bé giờ đây trở thành trẻ mồ côi cha. Mọi thứ càng đau lòng hơn khi chúng ta biết về số phận của con trai họ, Astyanax: Sau khi thành Troy thất thủ trước quân Hy Lạp, cậu bé đã bị ném ra khỏi các bức tường thành.

Những người mẹ Hy Lạp đầy lòng trắc ẩn và luôn hết lòng vì con cái. Nhìn chung, dù thế giới hiện đại rất khác so với quá khứ nhưng tấm lòng hy sinh vì con của người mẹ dường như là thứ vẫn không thay đổi.

Các nhà viết kịch đã khẳng định điều này thông qua những trang viết của mình. Nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Sophocles từng nhắn nhủ rằng “con cái là điểm neo đậu của cuộc đời người mẹ”. Còn nhà viết kịch Euripides thì gửi gắm: “Hỡi các con, hãy yêu mẹ của mình, không có tình yêu nào có thể ngọt ngào hơn tình yêu này.”

Nguồn: