Trong nhiều vụ án mạng tại Mỹ, kẻ sát nhân đã tránh được án tử hình khi các luật sư đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh hành vi của họ là do gene chứ không phải do chủ tâm giết người. Liệu loại gene sát nhân này có thực sự tồn tại?

Có tồn tại loại gene sát nhân?

Năm 2006, tại Tennessee (Mỹ) xảy ra vụ giết người kỳ lạ. Bradley Waldroup mang súng đến nhà vợ cũ trong tình trạng không tỉnh táo. Trong khi cãi cọ với cô bạn của vợ, ông ta đã nổ 8 phát súng giết chết cô này và dùng dao cắt đầu nạn nhân. Sau đó, Waldroup cầm dao đuổi và bắt được vợ cũ, may là bà đã vùng thoát và chạy trốn. Ba năm sau tại tòa, Waldroup thừa nhận hành vi giết người nhưng thoát án tử ngoạn mục.

Kẻ giết người Bradley Waldroup thoát án tử hình nhờ sở hữu gene MAOA. Ảnh: Moviepilot
Kẻ giết người Bradley Waldroup thoát án tử hình nhờ sở hữu gene MAOA. Ảnh: Moviepilot

Để cứu Waldroup, nhóm luật sư gửi mẫu máu thân chủ tới phòng thí nghiệm để phân tích xem liệu có một gene quy định việc giết người hay không. Phòng thí nghiệm đã tìm thấy trong gene của Waldroup các biến thể di truyền trên nhiễm sắc thể X - một trong số đó mã hóa enzym monoamine oxidase-A (MAOA).

Theo các nhà khoa học, MAOA có thể phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin. Nếu không được kiểm soát, các hóa chất này có thể tích tụ trong não, gây mất kiểm soát xung động, gia tăng bạo lực. Các luật sư lập luận rằng gene này khiến Waldroup nổi điên, có hành vi bạo lực. Kết quả, tòa hủy án tử hình.

Tranh cãi chưa kết thúc

Một thập kỷ trôi qua kể từ khi truyền thông gọi nó là “gene chiến binh”. Sự tồn tại của nó gây ra cuộc tranh cãi lớn về việc có hay không sự liên quan của một số gene đến bạo lực và hành vi tâm thần.

Nhà di truyền học Hans Brunner thuộc Đại học Nijmegen ở Hà Lan - người đầu tiên tìm ra mối liên hệ giữa MAOA và hành vi bạo lực - cho rằng gene này không quy định tính cách bạo lực của con người mà chỉ gây ra sự mất kiểm soát xung động, gia tăng bạo lực và sự giận dữ khi kết hợp với những gene hiếm khác như MAOB và COMT.

Nghiên cứu công bố năm 2002 của Avshalom Terrie và Moffitt Caspi thuộc Đại học Duke (Mỹ) chỉ ra rằng gene không phải yếu tố quyết định dẫn tới hành vi tàn nhẫn của con người và “MAOA chỉ ảnh hưởng tới sự nhạy cảm của trẻ em và khiến chúng tổn thương tâm lý”.

Tuy nhiên gần đây, một số nghiên cứu khẳng định điều ngược lại. Theo nghiên cứu của nhà khoa học Kevin Beaver của Đại học Florida (Mỹ), những cậu bé mang gene MAOA có nhiều khả năng gia nhập các băng nhóm tội phạm và có nguy cơ sử dụng vũ khí gây bạo lực cao gấp 4 lần người bình thường, và gene này có khả năng di truyền.

Những kết quả nghiên cứu trái chiều khiến cuộc tranh cãi về MAOA vẫn chưa đi đến hồi kết. Mặc dù vậy, giới luật sư Mỹ đã tận dụng tối đa các nghiên cứu khẳng định MAOA là yếu tố quyết định hành vi bạo lực để bào chữa nhằm giảm án cho các bị cáo. Cụ thể từ năm 1994-2011, các luật sư sử dụng “chiêu” này trong gần 80 phiên tòa hình sự để bào chữa cho các thân chủ.

“Các luật sư đang ngày càng tinh vi hơn trong việc viện dẫn yếu tố di truyền nhằm bào chữa cho hành vi phạm tội” - Deborah Denno - Giám đốc Đại học Luật Fordham (Mỹ) - cho biết. Ông này cho biết thêm, vai trò của các biến thể gene và mối liên hệ của chúng đến việc gia tăng nguy cơ bạo lực đã bị hiểu lầm bởi tòa án và các phương tiện truyền thông.

“Gene ảnh hưởng đến hành vi, nhưng nó không điều chỉnh cũng như quyết định hành vi đó” - ông Denno khẳng định.

Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm này. Yếu tố môi trường đóng vai trò lớn trong việc các gene của con người biểu hiện ra sao. Nhiều chuyên gia cho rằng hành vi bạo lực, sát nhân phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố hoàn cảnh như giáo dục kém, môi trường xã hội, kinh tế.