Theo TS Adhikari tại Đại học London cả môi trường và gene đều có vai trò trong việc xác định các biến thể và hình dạng mũi người.

Mũi người châu Âu thường mỏng hơn người ở các khu vực khác. Ảnh: Healthfunclub
Mũi người châu Âu thường mỏng hơn người ở các khu vực khác. Ảnh: Healthfunclub

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học London (Anh), sự khác nhau về hình dạng và kích cỡ mũi ở từng cá nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do môi trường. Ví dụ, mũi người châu Âu có xu hướng mỏng hơn để thích ứng với môi trường khô và lạnh.

Theo TS Adhikari tại Đại học London, một vài nghiên cứu đã xem xét cách các đặc điểm khuôn mặt bình thường phát triển trên người dân châu Âu. Cả môi trường và gene đều có vai trò trong việc xác định các biến thể và hình dạng mũi người. Độ cao và hình dạng mũi đóng vai trò đáng kể trong việc điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ của không khí.

GS Ruiz-Linares - thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết, việc xác định cách thức hoạt động của mũi người giúp tìm hiểu các rối loạn di truyền liên quan đến bất thường trên khuôn mặt: “Việc xác định các gene ảnh hưởng đến hình dạng mũi giúp chúng tôi có công cụ mới nghiên cứu các rối loạn di truyền liên quan đến bất thường trên khuôn mặt cũng như sự phát triển của khuôn mặt ở các loài khác”.

Các nhà khoa học của Đại học London cũng đã tạo ra chiếc mũi điện sinh học có thể bắt chước mũi người, phát hiện vi khuẩn trong nước và lượng nhỏ hương vị ngay cả khi được trộn với nước bị ô nhiễm. Ngành công nghiệp tạo mùi có thể hưởng lợi từ thiết bị này.