Việc các nhà chức trách tìm thấy xác của 40 con hổ bị đông lạnh trong một nhà bếp của Đền Hổ ở Thái Lan đã khiến không ít người nghi ngờ rằng, khu du lịch nổi tiếng này đang tiếp tay cho nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm.
Từ trước đến nay, Đền Hổ nằm ở vùng Kanchanaburi luôn được biết đến là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng và “hút khách” nhất tại Thái Lan. Tại đây, du khách có thể thoải mái chụp hình lưu niệm, thậm chí là cho hổ con uống sữa mà không sợ bị “Chúa sơn lâm” tấn công. Chính điều này đã giúp nơi đây thu về số tiền hơn 3 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, địa danh này đang bị tình nghi có dính líu đến các tổ chức vận chuyển, buôn bán và ngược đãi động vật hoang dã. Thậm chí, các tổ chức động vật hoang dã còn gọi nơi đây là “Địa ngục” dành cho các loài động vật. Ngoài ra, họ cũng lên tiếng kêu gọi du khách trong và ngoài nước tẩy chay ngôi đền này.
40 con hổ con được cơ quan chức trách phát hiện.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc này là do các tổ chức động vật hoang dã đã tìm thấy xác của 40 con hổ con và 1 con cầy mực bị đông lạnh trong một nhà bếp của Đền Hổ vào hôm 30/5 vừa qua. Trước đó, địa điểm này cũng không ít lần bị tố cáo cho động vật hoang dã sử dụng thuốc an thần trộn lẫn trong thức ăn.
Ngoài ra, sau khi tìm kiếm khắp ngôi đền, cơ quan chức năng còn phát hiện 2 bộ da hổ, 10 chiếc răng nanh hổ và hàng chục miếng da hổ nhỏ khác nằm trong phòng ngủ của các nhà sư. Ngay sau đó, họ đã tịch thu toàn bộ các tang vật kể trên.
Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ AFP New Agency, đại tá Bandith Meungsukhum, người trực tiếp điều hành buổi khám xét này cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã tìm thấy xác của 40 con hổ. Tất cả chúng đều có độ tuổi từ 1-2 ngày tuổi. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể xác định chúng đã chết được bao lâu.”
Da hổ và nanh hổ được tìm thấy tại Đền Hổ.
Mặc dù, đại diện của Đền Hổ đã cho rằng, việc giữ đông lạnh các con hổ con kể trên là một phong tục của nơi đây và các con hổ con bị chết phần lớn là do mẹ của chúng thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Thế nhưng, các cơ quan chức năng vẫn nghi ngờ rằng, địa điểm này đang tiếp tay cho nạn vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm.
Trả lời phỏng vấn trước báo giới, Ông Adisorn Nuchdamrong, Phó Cục trưởng Cục quản lý Vườn quốc gia còn nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng, những con hổ đã chết này có giá trị gì đó đối với Đền Hổ. Thế nhưng, cụ thể họ định làm gì thì chúng tôi vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân.”
Trong nhiều ngày qua, lượng cảnh sát đã lên kế hoạch giải phóng 137 con hổ đang nuôi nhốt trong đền đến 3 khu vực bảo tồn động vật hoang dã trong đất nước. Hiện tại, Đền Hổ chỉ còn lại 52 con hổ và cơ quan chức năng vẫn đang thảo luận để đưa ra quyết định sớm nhất nhằm đưa toàn bộ trở lại với thiên nhiên hoang dã.