Nỗi sợ khoảng trống
Trung tâm David Rumsey thuộc Đại học Stanford đã bỏ tiền mua tập bản đồ ra đời từ thời Phục hưng của Monte hồi tháng 9/2017. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã biết rằng, nhà quý tộc Monte (1544-1613) sống ở thành Milan có gia sản và địa vị, không phải lo kiếm sống mà có thể dành toàn bộ thời gian để sưu tầm sách và theo đuổi những vui thú mang tính học thuật.
Năm 41 tuổi, Monte theo học ngành bản đồ và vẽ tập bản đồ thế giới này, với nhiều sinh vật huyền thoại như quái vật biển, kỳ lân và nhân mã. Ba phiên bản của tập bản đồ này vẫn còn đến hôm nay – một ở Stanford và hai ở Ý. Một cuộc khảo cứu chuyên sâu đối với tập bản đồ ở Stanford cho thấy: Monte đã hoàn toàn bắt chước, sao chép hình ảnh các con quái vật huyền thoại từ một số bản đồ thế giới khác, nhà nghiên cứu Chet Van Duzer thuộc Trung tâm lưu trữ bản đồ David Rumsey, nhận định. Chẳng hạn, Monte đã chép hình ảnh một con chim lai rùa có hình thù kỳ lạ từ bản đồ được xuất bản gần 30 năm trước đó cũng bởi một người Ý khác là Michele Tramezzino.
Monte dường như cũng sao chép một số yếu tố từ bản đồ vẽ tay năm 1561 của Giacomo Gastaldi, bao gồm nhiều quái vật biển, chân dung vua Philip II (Tây Ban Nha) trên tàu, và dũng sĩ diệt rồng, theo phát hiện của Van Duzer. Đã thế, việc sao chép của Monte khá vụng về. “Nếu quan sát kỹ một số quái vật biển, tôi nghĩ công bằng mà nói, tài nghệ của tác giả không có gì đặc sắc”, Van Duzer nói.
“Và hóa ra, Monte rất ý thức được điều ấy”. Thực tế, ông đã xin được người xem lượng thứ cho kỹ năng vẽ hạn chế trong một cuốn cẩm nang về bản đồ của mình. “Khi nhắc đến một số con quái vật biển cụ thể, Monte nói: Trông chúng sẽ đẹp hơn nếu tác giả được đào tạo nghệ thuật đôi chút”, Van Duzer trao đổi với Live Science.
Con rùa có cánh mà Urbano Monte vẽ trên Đại Tây Dương (phải) nhiều khả năng được sao chép từ bản đồ do Michele Tramezzino vẽ năm 1558 (trái).
Tuy nhiên, những người làm bản đồ thời Phục Hưng rất kỵ việc “vay mượn” từ các bản đồ khác lẫn sách vở hay trong một vài trường hợp có những hành vi mà ngày nay chúng ta gọi là sao chép trắng trợn. “Ở khía cạnh này, Monte không được tuyệt vời cho lắm”. Lý do Monte lấp đầy bản đồ bằng hình vẽ nhiều quái vật biển có thể là do “horui vacui” – một cụm từ trong tiếng Latin có nghĩa là “nỗi sợ khoảng trống”, Van Duzer giải thích.
Mặc dù vậy, tập bản đồ vẫn thu hút người xem và cung cấp cho hậu thế những hiểu biết về cách con người nhìn nhận thế giới hồi cuối thế kỷ 16. “Bạn cảm nhận được nhiệt huyết của tác giả – hãy suy nghĩ theo hướng như vậy”, Van Duzer đã trình bày những phát hiện của mình về tập bản đồ tại Stanford hôm 23/2 vừa qua. Chẳng hạn, Monte đã mô tả Bắc Cực gồm bốn hòn đảo, còn Nam Cực là tám.
Lối thể hiện sáng tạo
Bản đồ được vẽ trên 60 trang riêng biệt, khi ghép lại sẽ tạo thành tấm bản đồ lớn nhất thế giới ở thế kỷ 16 với kích thước lên tới 3,24 m x 3,24 m. Mặc dù sao chép từ những người đương thời, song Monte có những thể hiện phá cách. Cụ thể, ông để lại các chỉ dẫn cách sắp xếp các trang thành một tấm bản đồ lớn như một tấm poster và xoay quanh một điểm trụ như một chiếc đĩa 2D. Ông cũng vẽ bản đồ theo tầm nhìn của chim hướng về Bắc Cực.
Có thể Monte đã lấy ý tưởng về tấm bản đồ chuyển động từ một ấn bản đặc biệt tác phẩm “Địa lý” của học giả người Hy Lạp Ptolemy (100 – 170) với phần bình hiện đại, Van Duzer suy luận. Phần bình này nhấn mạnh, nếu một tấm bản đồ quá lớn thì người xem không thể di chuyển mắt hay xoay đầu để nhìn hết được, mà thay vào đó phải di chuyển toàn bộ cơ thể. Bản đồ của Monte rất lớn và nhiều khả năng ông muốn người xem dễ quan sát hơn, Van Duzer nói.
Tuy vậy, Monte đã lấy ý tưởng về tấm bản đồ xoay ở đâu? “Có nhiều khả năng nhưng tôi nghĩ chắc nó tới từ quả địa cầu”, Van Duzer nói. “Một quả địa cầu có thể quay tròn và đưa phần muốn quan sát đến ngay trước mắt bạn”.
Những dòng sông của vườn địa đàng
Quan điểm độc đáo về Bắc Cực của Monte cho thấy nhận thức sai lầm phổ biến trong giới vẽ bản đồ khi đó. Cụ thể, ông đã vẽ Bắc Cực gồm bốn hòn đảo lớn cách nhau bởi bốn con sông. Cách mô tả tương tự còn xuất hiện trên những tấm bản đồ khác và nhiều khả năng xuất phát từ một cuốn sách viết vào thế kỷ 14 giờ đã thất lạc về chuyến phiêu lưu kỳ thú của một thầy tu người Anh tới Bắc Cực. Tác giả cuốn sách cho biết đã nhìn thấy bốn eo biển cùng đổ về trung tâm của Bắc Cực và biến mất khỏi dòng xoáy khổng lồ.
Ông cũng tuyên bố Bắc Cực có một núi đá nam châm khổng lồ, lý giải tại sao kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, Van Duzer lưu ý. Ý tưởng của vị thầy tu lại có thể được truyền cảm hứng từ phần Sáng thế ký (Genesis) trong Kinh Hebrew, phát biểu như sau: “Từ Eden, một dòng sông tuôn chảy để tưới nước cho khu vườn, từ đó phân thành bốn nhánh”. Thật kỳ lạ, Monte dường như cũng áp dụng ý tưởng này với Nam Cực nhưng nhân đôi lên: Trên bản đồ của ông, Nam Cực được chia thành tám hòn đảo bao quanh bởi những dòng kênh, Van Duzer nói.
Công chúng có thể xem phiên bản số hóa của bản đồ tại Trung tâm David Rumsey của Đại học Stanford, hoặc tải về miễn phí hình ảnh của nó từ website của Trung tâm.