Sự khô cứng của các môn khoa học được coi là nguyên nhân học sinh giảm hứng thú khi học Stem. Giải quyết vấn đề này, ở nhiều quốc gia, nghệ thuật được đưa vào dạy cùng Stem, hình thành nên phương pháp dạy Steam, được kỳ vọng là có thêm nhiều Leonardo Da Vinci mới.

Sự kết hợp giữa Stem và nghệ thuật

Những năm gần đây, nhiều nước phải đối mặt với thực tế là số học sinh theo học Stem ngày càng giảm. Một số chuyên gia giáo dục nhận định, sự khô cứng của các môn học là một nguyên nhân, bên cạnh sự thiếu vắng yếu tố nghệ thuật (art).

Nhiều người cho rằng nghệ thuật và khoa học là hai thứ rất khó dung hòa. Song thực tế, chúng đã song hành từ rất lâu. “Ý tưởng đem nghệ thuật và khoa học đồng hành không có gì mới. Leonardo Da Vinci là một họa sỹ huyền thoại, cũng là nhà khoa học uyên bác trong thời phục hưng. Thời hiện đại, dường như những người ở tuyến đầu của sự sáng tạo thường kết hợp được giữa nghệ thuật và thực hành khoa học” - Giáo sư Kate Normington - thuộc Đại học Royal Holloway (Anh) nói.

Có hàng loạt ví dụ về thành quả bất ngờ của sự kết hợp khoa học và nghệ thuật: Vật liệu tàng hình cho lính Mỹ được sáng chế bởi họa sỹ Abbot Thayer; nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản là niềm cảm hứng cho các stent trong y học hay công nghệ túi khí cho xe hơi. Steve Jobs cũng từng ví mình và các đồng nghiệp tại Apple là nghệ sỹ. Mae Jeminson - nữ phi hành gia Mỹ - từng nói: “Nghệ thuật và khoa học là hình ảnh đại diện của trí sáng tạo của con người”.

Leonardo Da Vinci và tác phẩm Người Vitruvius được vẽ dựa trên quan điểm của ông về tỷ lệ lý tưởng của cơ thể người và các khái niệm hình học, kiến trúc. Ảnh: Justzagreb

Thực vậy, một số nghiên cứu được Hiệp hội Nghệ thuật và Nhận thức Mỹ (DANA) đăng tải đã chỉ ra rằng, việc rèn luyện trong nghệ thuật có thể giúp cải thiện điểm số môn toán và đọc hiểu. Các nghiên cứu khác cho thấy nghệ thuật giúp tăng khả năng tập trung, nhận thức, ghi nhớ và đọc.

Nhận thức được điều đó, nhiều trường ở Mỹ đã kết hợp nghệ thuật với các môn học khoa học. Khái niệm Steam = Stem + art được Trường Thiết kế đảo Rhodes sử dụng đầu tiên. Đây là phương thức kết hợp những nguyên tắc giảng dạy của Stem với nghệ thuật, thông qua nghệ thuật; sử dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán để hướng học sinh tới yêu cầu, đối thoại và tư duy phê phán.

Đưa Stem lên một tầm cao mới

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, nghệ thuật không chỉ khiến Stem bớt khô cứng mà còn nâng nó lên một tầm cao mới. Nó cho phép học sinh, sinh viên kết nối kiến thức của mình trong các ngành quan trọng vào công việc sáng tạo, vào các thành tố nghệ thuật, các chuẩn mực thiết kế để đạt tới giới hạn của sự học. Nó giúp loại bỏ các nguyên tắc và thay thế chúng bằng sự kỳ diệu, tò mò, sáng tạo và phê bình.

Nhưng dạy Steam như thế nào? Một số người sẽ tưởng tượng ra lớp học nhảy ở cấp 2 với một số học sinh ngồi thành hàng, còn số khác đứng tập múa theo hướng dẫn của thầy cô. Điều này không chính xác. Ở các lớp Steam, bạn có thể thấy cảnh học sinh trình diễn những bộ quần áo phát quang - sử dụng điện để làm vải phát sáng - do mình chế tạo ra. Các em trực tiếp tạo ra trang phục từ khâu phác họa tới thực hiện, hoàn chỉnh bằng các mạch điện với sự giúp đỡ của một phần mềm hướng dẫn của trường và một máy in 3-D.

Theo Tracie Costantino - Trưởng khoa Steam của Trường Thiết kế đảo Rhodes, Mỹ, một trong những người sáng tạo ra chương trình học theo Steam - thì khi thiết kế bài học theo định hướng Steam, các thầy cô muốn chú trọng tới tầm quan trọng của việc học dựa trên đồ vật để từ đó thúc đẩy sự nghiên cứu, quan sát, phân tích tỷ mỉ - đức tính mà cả nhà khoa học và nghệ sỹ đều cần.

“Nhu cầu về nguồn lực Steam tăng cao trong những năm qua khi các giáo viên đã nhận ra tầm quan trọng của sự kết hợp giữa suy nghĩ sáng tạo và học tập trực quan vào bài giảng” - bà Tracie nói thêm.

“Việc tích hợp nghệ thuật vào chương trình học Stem là một sự bổ sung tự nhiên và thú vị” - TS Rosemarie Truglio - làm việc tại Sesame Workshop, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp tài liệu giảng dạy qua tivi, bài báo và các phương tiện truyền thông khác có trụ sở tại New York, Mỹ - cho hay.

Cho dù Steam không thể tạo ra các thiên tài như Da Vinci trong một sớm một chiều, nhiều người cho rằng việc tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật sẽ giúp Stem trở nên thú vị, thu hút học sinh hơn, tăng hiệu quả dạy các môn Stem.

Tháng 5/2016, 27 chương trình học và trường học ở khu vực Pennsylvania, Mỹ đã được tài trợ 530.000USD (tương đương 12 tỷ đồng) để phát triển các chương trình học và trang thiết bị dành cho Steam.