Mối quan hệ thân thiết giữa con người và động vật đã có từ thời cổ đại. Nhiều nền văn minh và văn hóa cổ xưa đã yêu mến và quý trọng các loài vật nuôi - đặc biệt là chó và mèo - không chỉ vì lợi ích do chúng mang lại mà còn vì chúng là những người bạn đồng hành.

Bức tranh khảm về một con chó trên đường phố ở La Mã cổ đại. Ảnh: Giannimarchetti
Bức tranh khảm về một con chó trên đường phố ở La Mã cổ đại. Ảnh: Giannimarchetti

Sự khác biệt giữa thú cưng và các vật nuôi khác?


Từ xa xưa, con người đã thuần hóa các loài động vật làm thức ăn, làm việc hoặc phục vụ bất kỳ mục đích nào khác. Trong khi đó, thú cưng là một dạng đặc biệt, có nhiệm vụ chính là mang lại niềm vui hoặc trò giải trí cho chủ nhân.

Chó là loài động vật đầu tiên được con người thuần hóa qua nhiều thế hệ. Các bằng chứng khảo cổ tiết lộ quá trình thuần hóa này diễn ra mạnh mẽ cách đây khoảng 14.000 năm, trong khi các phân tích di truyền cho thấy nó bắt đầu xảy ra từ 14.000 năm đến 40.000 năm trước, khi những người sống theo hình thức săn bắn hái lượm bắt đầu gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với những con sói xám hoang dã.

Trong bài báo khoa học được công bố trên tạp chí Naturevào tháng 6/2022, một nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện chó nhà được thuần hóa một cách độc lập từ hai quần thể chó sói khác nhau ở hai khu vực địa lý riêng biệt, bao gồm phía Đông lục địa Á-Âu và phía Tây lục địa Á-Âu.

Trong khi đó, mèo là động vật được thuần hóa muộn hơn nhiều và quá trình này bắt đầu diễn ra khoảng 10.000 năm trước, theo một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 11/2022.

Vào thời điểm đó, con người sống ở vùng Lưỡng Hà cổ đại đang trong giai đoạn chuyển đổi từ hình thức săn bắn hái lượm sang trồng trọt. Khi nông nghiệp phát triển, con người thiết lập những khu định cư ngày càng lớn hơn xung quanh các con sông Tigris và Euphrates ở khu vực Tây Á. Họ thường bảo quản các sản phẩm ngũ cốc trong những kho chứa, và chúng trở thành nơi tìm kiếm thức ăn lý tưởng cho chuột và nhiều động vật gặm nhấm khác. Những con mèo rừng bắt đầu sống gần các nông trại để đi săn mồi, giúp con người kiểm soát động vật gây hại. Đây là điểm khởi đầu cho mối quan hệ thân thiết giữa con người và mèo, cuối cùng dẫn đến sự thuần hóa mèo hoàn toàn.

Xác ướp mèo được tìm thấy trong nhiều ngôi mộ ở Ai Cập. Ảnh: History
Xác ướp mèo được tìm thấy trong nhiều ngôi mộ ở Ai Cập. Ảnh: History

Các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc xác định khi nào và ở đâu chó và mèo lần đầu tiên được coi là thú cưng, hoặc nuôi dưỡng hoàn toàn vì mục đích bầu bạn. Tuy nhiên, chó và mèo đã được chôn cất cùng với những lễ vật sang trọng bên cạnh chủ nhân của chúng bắt đầu từ khoảng 12.000 năm đến 9.500 năm trước.

Thú cưng ở Lưỡng Hà cổ đại

Trong khi những con mèo lang thang trên khắp các thành phố cổ ở Lưỡng Hà thời cổ đại, thì chó làm công việc săn bắt và bảo vệ đàn gia súc, nhà cửa. Người dân Lưỡng Hà yêu quý chó đến mức thường mang theo bùa hộ mệnh và tượng chó để cầu may mắn, bảo vệ bản thân và mong muốn có sức khỏe tốt, chữa lành bệnh tật.

Không những vậy, chó cũng đóng vai trò là thú cưng. Trong khi thần thoại Lưỡng Hà mô tả chó là bạn đồng hành của các vị thần và nữ thần, thì nghệ thuật Lưỡng Hà lại khắc họa chó là bạn đồng hành của những người dân bình thường. Các văn bản chữ hình nêm ghi trên phiến đất sét Šumma Ālu có niên đại cách đây khoảng 2.700 năm miêu tả chó là vật nuôi phổ biến, thường xuyên hiện diện trong các gia đình ở khu vực Lưỡng Hà.

Thậm chí còn có bằng chứng tiết lộ những con chó ở Lưỡng Hà đeo những chiếc vòng cổ đầu tiên cho vật nuôi trên thế giới. Một số chiếc vòng khá đơn giản nhưng một số được trang trí công phu và cầu kỳ. Điều này cho thấy người dân Lưỡng Hà cổ đại nghĩ rằng những người bạn chó của họ xứng đáng được cưng chiều.

Thú cưng ở Ai Cập cổ đại

Ở Ai Cập cổ đại, chó cũng là những người bạn đồng hành hoặc thành viên chính thức trong gia đình. Sau khi chết, những con chó thường được chủ nhân ướp xác và chôn cất, nhằm thể hiện mong muốn giúp chúng đi đến thế giới bên kia một cách suôn sẻ. Thần Anubis – vị thần trông coi lăng mộ, hướng dẫn linh hồn người chết, có phần đầu giống như chó rừng – có thể là tác nhân chính thúc đẩy tục lệ này phát triển.

Giống như chó, mèo cũng gắn liền với các vị thần, bao gồm nữ thầnBastetmang hình dạng một người phụ nữ và đầu của một con mèo.Ở độ tuổi sinh sản, cả nam giới và nữ giới Ai Cập đeo những chiếc bùa hộ mệnh có hình ảnh của thần mèo Bastet với hy vọng được nữ thần che chở.

Cho dù là chó, mèo, hay bất kỳ loài vật nào khác, những người bạn thân thiết đôi khi được chôn cùng với chủ nhân để tiếp tục làm bạn đồng hành sau khi qua đời. Mối quan hệ mật thiết giữa thú cưng và chủ nhân đôi khi xuất hiện trong các dòng chữ trên mộ và bia đá, nơi động vật được đặt tên theo đặc điểm của chúng với những biệt danh như “Dũng cảm”, “Đáng Tin cậy”, “Đen tuyền” và “Dễ thương”.

Thú cưng ở Hy Lạp, La Mã cổ đại

Tại Hy Lạp cổ đại, chó cũng là những người bạn đồng hành, tận tâm với chủ nhân. Chúng thường xuyên xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, trong đó chú chó thần thoại nổi tiếng nhất là Argus trong bộ sử thi Odyssey của Homer có niên đại cách đây khoảng 2.700 năm đến 2.800 năm.

Hình ảnh chó xuất hiện trong các bức tranh trên bình gốm và tác phẩm điêu khắc, phù điêu. Những thú cưng này ở cùng chủ nhân – cả già lẫn trẻ – tại nhà hoặc đi dạo trên những tuyến đường nhộn nhịp của thị trấn.

Giống như Hy Lạp cổ đại, người La Mã ở mọi lứa tuổi đều quý trọng những người bạn bốn chân của mình. Thậm chí, họ còn chôn cất chó cùng với những tấm bia đá có ghi tên và công lao của chúng lúc còn sống.

Thú cưng ở Trung Mỹ cổ đại

Những bức tượng chó bằng gốm sứ mô tả chó trong tư thế đứng hoặc ngồi xuất hiện trong nhiều lăng mộ ở Trung Mỹ. Những bức tượng này có niên đại lên tới 2.000 năm. Nhiều nền văn minh và văn hóa trên khắp Trung Mỹ cổ đại tin rằng chó sẽ đồng hành cùng người chết khi họ sang thế giới bên kia. Chó sẽ dẫn đường và bảo vệ họ tránh khỏi nguy hiểm. Do đó, người ta thường đặt tượng chó vào trong mộ người chết để chúng thực hiện chức năng này.

Ở Trung Mỹ cổ đại, chó đóng vai trò khá đa dạng. Một số giống chó hỗ trợ chủ nhân làm việc, canh gác, bảo vệ. Một số được xem là thực phẩm, hoặc vật hiến tế trong các nghi lễ. Chúng cũng là thú cưng, được chủ nhân cưng chiều và quý mến.

Những thú cưng khác ngoài chó, mèo

Mặc dù chó và mèo rất phổ biến ở những nền văn minh cổ đại, nhưng chúng không phải là loài động vật duy nhất được yêu mến. Các loài động vật đã thuần hóa hoàn toàn, hoặc thuần hóa một phần như vẹt, công, chim sẻ và khỉ được nuôi trong nhà ở La Mã cổ đại như một hình thức giải trí.

Các loài động vật hoang dã như khỉ, cá sấu và linh dương cũng đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa nuôi thú cưng tại Ai Cập cổ đại.

Trong sử sách Hy Lạp và La Mã cổ đại, có nhiều câu chuyện về con ngựa yêu quý của Alexander Đại đế mang tên Bucephalus. Ở Ai Cập, các Pharaoh thường có sở thích nuôi chim ưng, và Pharaoh Amenemhat III đã chăm sóc một con quạ, thậm chí ông còn xây dựng một tượng đài và lăng mộ để tưởng nhớ nó.

Theo Discover Magazine

Bài đăng số 1280 (số 8/2024) KH&PT