Năm 2024, chúng ta mong đợi sẽ chứng kiến nhiều tiến bộ mới trong lĩnh vực khảo cổ học. Công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) có thể đọc nội dung trên những văn bản cổ xưa, giám sát các địa điểm khảo cổ và xác định hiện vật bị đánh cắp.


Chúng ta cũng hy vọng có thêm phát hiện mới tại một số di chỉ khảo cổ và giải đáp những câu hỏi liên quan đến họ hàng gần nhất của con người.

Ngôi đền Gobekli Tepe. Ảnh: Wikipedia
Ngôi đền Gobekli Tepe. Ảnh: Wikipedia

Ngôi đền cổ nhất thế giới

Năm 2024, nhiều khám phá khảo cổ mới có thể sẽ diễn ra tại ngôi đền cổ nhất thế giới Gobekli Tepe nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ có niên đại cách đây khoảng 12.000 năm và một ngôi đền khác ở gần đó mang tênKarahan Tepe.

Theo Ancient Origins, ngôi đền Gobekli Tepe thực chất là tập hợp các cấu trúc bằng đá do những người sống theo hình thức săn bắt, hái lượm xây dựng vào thời kỳ đồ đá. Một cấu trúc đá điển hình trong khu đền bao gồm 12 cây cột lớn hình chữ T xếp thành vòng tròn có đường kính 9,1m. Những cây cột này làm từ đá granit rắn, cao tới 6,1m và nặng 20 tấn. Trong khi đó, Karahan Tepe là công trình kiến trúc với những hình chạm khắc phức tạp có thể được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo thời tiền sử.

Năm 2023, các nhà khảo cổ đã thực hiện một số khám phá tại hai địa điểm này, bao gồm một bức tượng lợn rừng chạm khắc từ đá vôi ở ngôi đền Gobekli Tepe và bức tượng mô tả một người đàn ông khổng lồở ngôi đền Karahan Tepe. Các bức tượng có niên đại khoảng 11.000 năm.

Tất cả những công trình đá nói trên đều là nơi người tiền sử hiến tế động vật và thậm chí hiến tế cả con người để xoa dịu cơn thịnh nộ của các vị thần. Họ tin rằng những thay đổi của khí hậu và các thiên tai ảnh hưởng đến mùa màng (bão lụt, hạn hán, động đất,…) có liên quan đến sức mạnh siêu nhiên, hay sự nổi giận của các vị thần. Họ cầu xin thần linh giúp họ có cuộc sống may mắn, thịnh vượng hơn và duy trì điều kiện thời tiết thuận lợi để canh tác nông nghiệp.

Công việc khai quật và phân tích tại hai ngôi đền vẫn đang diễn ra, và chúng ta nhiều khả năng sẽ nghe về những phát hiện mới trong năm 2024.

Pháo đài La Mã cổ đại

Magna là một pháo đài của người La Mã nằm gần Bức tường Hadrian nổi tiếng ở Anh. Tên gọi của nó mang ý nghĩa là “pháo đài trên đá”. Mặc dù phần lớn pháo đài vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cho đến nay có rất ít các cuộc khai quật diễn ra tại đây. Tuy nhiên, điều đó sắp thay đổi.

AI có khả năng đọc nội dung trên những cuộn giấy cói đã bị đốt cháy. Ảnh: Antonio Masiello
AI có khả năng đọc nội dung trên những cuộn giấy cói đã bị đốt cháy. Ảnh: Antonio Masiello

Vào mùa hè năm 2023, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật Magna. Khi họ tiến hành đào sâu hơn trong năm 2024, chúng ta sẽ nghe về những phát hiện mới mang tính bước ngoặt từ địa điểm này. Nhiều khả năng họ sẽ tìm thấy một số lượng lớn các bản khắc trên đá.

Tại một pháo đài khác của người La Mã mang tên Vindolanda, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tổng cộng 780 văn bia được bảo tồn khá tốt và họ hy vọng pháo đài Magna cũng mang lại một kho tàng kiến thức tương tự. Các nhà chức trách nước Anh đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc khai quật này, và Quỹ Di sản Xổ số Quốc gia (NLHF) đã tài trợ 1,625 triệu bảng Anh (hơn 2 triệu USD) để hỗ trợ dự án.

Họ hàng đã tuyệt chủng của con người cũng chôn cất đồng loại?

Liệu các loài vượn nhân hình (hominid) khác ngoài Homo sapiens (người hiện đại) có chôn cất đồng loại đã chết hay không là một chủ đề hấp dẫn, gây ra nhiều cuộc tranh luận trong giới khảo cổ học vào năm 2023. Trong năm 2024, chúng ta hy vọng sẽ có thêm dữ liệu để trả lời câu hỏi này.

Năm 2023, nhà nghiên cứu Lee Berger tại Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ và các cộng sự đã công bố ba nghiên cứu trên tạp chí eLife cho thấy Homo naledi – một loài hominid sống cách đây 300.000 năm và hài cốt của họ được tìm thấy trong hệ thống hang động Rising Starở Nam Phi– đã tiến hành hoạt động chôn cấtđể tưởng niệm người thân đã khuất. Thậm chí, họ còn đốt lửa và tạo ra những hình khắc có ý nghĩa trên tảng đá phía trên khu chôn cất.

“Họ hàng đã tuyệt chủng của con người, Homo naledi, từng chôn cất đồng loại khoảng 100.000 năm trước khi người hiện đại (Homo sapiens) làm điều đó”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học khác lại phản bác điều này trong một bài báo đăng tải trên tạp chí Journal of Human Evolution vào ngày 10/11/2023. Họ cho rằng không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để chứng minh Homo naledi đã chôn cất người thân một cách có chủ ý.

Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Journal of Archaeological Science vào tháng 8/2023, nhà sinh thái học Chris Hunt tại Đại học Liverpool John Moores (Anh) khẳng định bằng chứng về “nghi lễ chôn cất cùng với hoa” của người Neanderthal tại hang Shanidar ở Iraq không phải là do họ để lại hoa trên mộ của người chết, mà là do loài ong đào hang (burrowing bee) đã giấu phấn hoa bên dưới hài cốt của một người đàn ôngNeanderthaltrưởng thành.

Cuộc tranh luận về việc những loài hominid khác ngoàiHomo sapienschôn cất người chết đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông, trong đó nổi bật nhất là một bộ phim tài liệu trên Netflix.Năm 2024, chúng ta hy vọng sẽ có thêm những phát hiện mới để giúp giải quyết cuộc tranh luận này.

AI giám sát các khu vực khảo cổ bị tàn phá


Năm 2024 có vẻ không phải là một năm tốt cho hòa bình toàn cầu. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ ba, trong khi các cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt trên Dải Gaza, Sudan, Ethiopia, và nhiều nơi khác. Trong những xung đột này, việc giám sát các địa điểm khảo cổ bị tàn phá và cướp bóc cũng như tìm kiếm các cổ vật bị đánh cắp ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Năm 2024, chúng ta có thể chứng kiến những cách tiếp cận mới và sáng tạo để giải quyết những vấn đề này. Công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) có khả năng phân tích hình ảnh vệ tinh với độ phân giải cao để xác định các di chỉ khảo cổ bị tàn phá một cách nhanh chóng. Các robot phức tạp xâm nhập vào khu vực nguy hiểm để giám sát các di tích có nguy cơ bị phá hủy hoặc cướp bóc. Những robot này sẽ gửi hình ảnh và thậm chí thực hiện các biện pháp bảo tồn đơn giản. Ví dụ, robot chó Spot củaBoston Dynamics đảm nhận nhiệm vụ tuần tra tạithành cố cổ Pompeii ở Ý nhằm phát hiện những kẻ săn trộm cổ vật.

Ngoài ra, các chương trình AI cũng có thể dò tìm trên Internet để xác định các hiện vật có thể đã bị đánh cắp và rao bán trên mạng. Nó cũng giúp xác định các địa điểm khảo cổ tiềm năng, chẳng hạn nhưcác đường kẻ Nazca mới tại Peru.

Khám phá nội dung các văn bản cổ đại

Năm 2023, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính (CT) và AI để đọc nội dung trên những cuộn giấy cói cổ xưa đã bị đốt cháy sau khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Trong đó bao gồm một cuốn sách bàn luận về lịch sử sau thời Alexander Đại đế và một văn bản đề cập đến thuốc nhuộm màu tím.

Công nghệ AI này đang phát triển nhanh chóng và trong năm 2024, công nghệ tương tự hoặc tiến bộ hơn có thể tiết lộ nội dung của nhiều tài liệu cổ xưa bị hư hại. Điều này có thể cung cấp một lượng thông tin mới đáng kể về thế giới cổ đại.

Theo Live Science