Từ lâu, nụ cười nàng Mona Lisa trong tác phẩm của danh họa Leonardo Da Vinci đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới với một vẻ bí ẩn đầy quyến rũ. Sức hút khác thường này, liệu có phải do nguyên nhân đặc biệt nào đó ẩn sau, chẳng hạn như một căn bệnh mà "nàng" gặp phải ngoài đời thực?
Trong bức “Thư gửi ban Biên tập” kỷ yếu Mayo Clinic Proceedings, một chuyên gia tim mạch và các đồng nghiệp, sau khi nghiên cứu bức họa nổi tiếng, đã đưa ra giả thiết rằng nguyên mẫu ngoài đời thật của nàng Lisa - Lisa Gherardini - có thể đã mắc căn bệnh suy giảm chức năng tuyến giáp (hypothyroidism). Hai tác giả của lá thư là Bác sĩ Mandeep Mehra và Hillary Campbell tin rằng, những khiếm khuyết (trên cơ thể người mẫu) do căn bệnh gây ra, bằng cách này hay cách khác, đã đem đến sự bí ẩn đầy quyến rũ cho tuyệt tác này.
Danh họa Leonardo da Vinci - thiên tài nổi tiếng nhất thời Phục Hưng - đã vẽ bức “Mona Lisa” vào khoảng năm 1503, theo yêu cầu của một nhà buôn giàu có người Ý: Francesco del Giocondo - người đã đặt Da Vinci vẽ chân dung Lisa Gherardini (vợ ông), sau khi bà sinh con.
Năm 2004, một vài bác sĩ đã đưa ra phỏng đoán, rằng Gherardini có thể đã mắc chứng máu nhiễm mỡ (nồng độ cholesterol trong máu cao) do di truyền và từ đó dẫn tới bệnh tim. Giả thuyết này dựa trên một số chi tiết trong bức vẽ, mà theo họ, có thể là dấu hiệu của căn bệnh, chẳng hạn như vết thương và dấu sưng tấy trên bàn tay của Gherardini.
Tuy nhiên, trong bài viết mới, Mehra và Campbell đã chỉ ra, rằng Gherardini từng sống tới 63 tuổi - điều hiếm gặp ở một người mắc bệnh máu nhiễm mỡ bẩm sinh, nhất là trong điều kiện y tế thiếu thốn thời bấy giờ. Thay vào đó, họ cho rằng các chi tiết trong bức họa là biểu hiện của chứng suy giáp - tức tuyến giáp không sản sinh ra đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Hormone tuyến giáp có ảnh hưởng tới sự trao đổi chất, và nếu không được sinh ra đầy đủ, có thể sẽ dẫn đến một số triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, da khô, suy cơ, đau sưng khớp, tóc thưa rụng và nồng độ mỡ máu cao. Ngoài ra, sự thiếu hụt hormone tuyến giáp còn gây nên tình trạng vàng da, bướu cổ và phình tuyến giáp.
Cũng theo hai tác giả, chứng suy giáp dường như là “một sự chẩn đoán tổng hợp” để giải thích cho những đặc điểm của người phụ nữ trong bức họa như da vàng, tóc thưa, không có lông mày, đường chân tóc vuốt ngược sau trán, cộng thêm phần cổ to bất thường (giống như bị bướu) và nồng độ mỡ máu cao như giả thuyết trước đó. Chưa kể, Gherardini đã sinh con một vài tháng trước khi làm mẫu cho Da Vinci, trong khi quá trình thai nghén cũng có khả năng gây ra chứng suy giáp. Nếu Gherardini thực sự đã mắc chứng bệnh này, nét biểu cảm bí ẩn trên gương mặt của bà chắn hẳn cũng chịu ảnh hưởng từ căn bệnh suy cơ và thoái hóa khả năng vận động - điều khiến bà không thể cười tươi một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, bản thân Mehra và Campbell cũng lưu ý, rằng họ chưa thể khẳng định chắc chắn liệu “nàng Mona Lisa ngoài đời thực” có thực sự mắc bệnh suy giáp hay không? Bởi một số đặc điểm vẫn có xu hướng thường được lý giải dựa theo những trào lưu và quan niệm về cái đẹp đương thời, hoặc do sự biến đổi của bức họa theo thời gian. Còn nụ cười "Lisa" đầy bí ẩn và trứ danh cũng có thể là kết quả từ sự thử nghiệm của da Vinci đối với kỹ thuật vẽ sfumato, theo đó danh họa đã trộn các tông sắc và màu lẫn vào nhau mà không tuân theo bất cứ quy luật phân chia nào.
Ngọc Anh (Theo Live Science)