Vì thế, cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng trên thiên đường được cho là bao gồm việc thờ phụng, cầu nguyện và tôn kính Chúa cùng các thiên thần, những vị thánh, người tử vì đạo, các danh nhân trong kinh Cựu ước, hay thậm chí cả những đại diện nổi tiếng của chủ nghĩa đa thần giáo như Plato và Aristotle.
Theo kỳ vọng, con người sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan Chúa trời trên thiên đường mà không cần phải qua bất cứ một “lớp gương mơ hồ” nào cả. Trong tác phẩm “Sự phán quyết cuối cùng”, danh họa Fra Angelico đã vẽ Chúa ngự trên ngai, tay trái chỉ lên thiên đường, tay phải trỏ về hướng địa ngục; Vây quanh Ngài là các thiên thần, Đức mẹ Mary cùng nhiều vị thánh; Nhìn về phía trái, các thiên thần đang đưa những linh hồn được cứu vớt đi qua vườn địa đàng để tới thành phố thiên đường; Còn ở phía bên kia, quỷ dữ đang áp giải những linh hồn tội lỗi xuống địa ngục. Như vậy, có thể thấy người xưa luôn xem Chúa là hình tượng trung tâm của thiên đường cùng với cõi vĩnh hằng - tư duy này phổ biến đến mãi tận thế kỉ 19.
Theo Hồi giáo, ý niệm về thị kiến ân sủng cũng tồn tại. Tuy nhiên, Thiên đường trong tâm trí những tín đồ của thánh Allah dường như lại thuộc về những thú vui cảm giác, khi các linh hồn sẽ trú ngụ trong khu vườn hạnh phúc, với những chiếc ghế tựa quay mặt vào nhau, cùng chuyền tay nhau những ly rượu vang ngon lành chảy ra từ dòng suối để tránh mọi bệnh tật, bên cạnh đó còn có thịt và trái cây, cùng cả đội thị nữ mà ai nấy cũng có “đôi mắt to và đen, giống như những viên ngọc ẩn giấu - phần thưởng cho sự phục vụ trung thành đối với thánh Allah” (trích kinh Quran 56.22 – 4).
Bức họa “Sự phán quyết cuối cùng” của Fra Angelico. Nguồn: Wikimelia
Sinh hoạt trên thiên đường
Đến cuối thế kỷ 19, những hình ảnh về thiên đường dần dần có sự chuyển dịch khi tập trung miêu tả hoạt động của con người nhiều hơn. Niềm tin từ thời trung cổ – cho rằng con người sẽ hạnh phúc hơn trên thiên đàng nếu đã được chứng kiến nỗi thống khổ của những linh hồn dưới địa ngục - nay đã không còn nữa, đồng thời quan niệm địa ngục là nơi con người phải chịu đựng sự trừng phạt thể xác vĩnh viễn cũng bắt đầu được xóa bỏ. Thay vào đó, những ý tưởng mới dần được hình thành, tin rằng mọi linh hồn cuối cùng đều có thể được cứu rỗi nếu hướng thiện.
Những hình dung sau này về thiên đường cũng trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước kia, đôi lúc giống như một tấm màn mỏng ngăn cách kẻ sống và người chết, sự tồn tại vật chất vẫn sẽ được duy trì, duy chỉ những đau khổ là không còn nữa.
Trên thiên đường, những linh hồn đã được cứu rỗi sẽ ngày càng trở nên “hoạt bát” và biết duy trì lối sống đạo đức trong một môi trường ngập tràn hạnh phúc. Tình yêu giữa con người với nhau dần thay thế địa vị độc tôn của sự sùng kính thánh thần, mối quan hệ giữa người với người ngày càng đóng vai trò nền tảng đối với cuộc sống sau khi chết, nơi các thành viên trong gia đình sẽ được đoàn tụ với nhau. Thậm chí, thiên đường hiện đại còn được lãng mạn hóa, trở thành nơi mà những người yêu nhau cuối cùng cũng được hội ngộ, như trong các tác phẩm của William Blake.
Thiên đường xa hoa
Ở Anh, vào thời trị vì của nữ hoàng Victoria, thiên đường được “khai hóa” thành một nơi cao sang và quy củ. Những bài giảng của Moses về Mười Điều răn của Chúa, thường ví thiên đường thời Victoria giống với một khu resort trên không với nhiều trò giải trí đi kèm. Tới đây, hình ảnh thiên đường với Chúa trời là trung tâm dường như đã bị tách biệt khỏi nhận thức xã hội.
Trên thiên đường kiểu mới, con người sẽ sở hữu những “thể xác tâm linh” giống như các thiên thần. Những thân xác này thường là của người trong độ tuổi “hoàn hảo” (khoảng 30 - 33, tuổi của Chúa khi còn tại thế). Tất cả các linh hồn đều sẽ được thoát dạng về độ tuổi này, kể cả những đứa trẻ chết yểu hay các xác chết bị biến dạng nặng.
Niềm tin vào Chúa trời hoàn hảo và bao dung cũng đã gặp phải không ít thách thức trong thế kỷ 19, khi những con vật thống khổ, dù trải qua hết một kiếp, nhưng lại không được bù đắp ở kiếp sau. Nhiều người đã băn khoăn tự hỏi, rằng liệu hạnh phúc của họ ở thiên đường có trọn vẹn nếu thiếu vắng những con vật cưng họ mà đã dành rất nhiều tình cảm. Vì thế, lần đầu tiên chủ đề động vật trên thiên đường đã được đưa ra bàn luận.
Giữa thế kỷ 19 cũng là thời của thuyết duy linh, khi người ta tin rằng những linh hồn của người đã chết, bằng cách này hay cách khác, chắc chắn sẽ “hiển linh”. Nghi lễ cầu siêu để hiệp thông với các linh hồn cũng thường được thực hiện nhằm làm yên lòng thân nhân của những người đã mất. Tuy nhiên, hoạt động này cũng dễ dàng biến tướng, trở thành trò tiêu khiển cho những kẻ tò mò hoặc hành nghề dị đoan.
Đối với các tín hữu Thiên chúa giáo bảo thủ, tham gia nghi lễ cầu hồn cũng chính là bắt tay với quỷ dữ. Nhìn chung, thuyết duy linh và hình ảnh thiên đường hiện đại đã mang nhiều tính xã hội hơn, khi vai trò của Chúa chỉ còn là thứ yếu. Tuy nhiên, niềm tin vào thiên đường vẫn còn rất mạnh mẽ, chỉ khác khi những linh hồn đã khuất (ông bà, cha mẹ, họ hàng, …) sẽ thay thế vị trí phán quyết và thực thi đạo đức của Chúa.
Thiên đường thế tục hiện đại
Từ thế kỷ 20, thiên đường đã được thế tục hóa, trở thành một phần của nhận thức thời hiện đại. Trong thần học Công giáo hay Tin lành, cuộc sống sau khi chết chỉ còn được xem như một yếu tố bổ sung và đến sau, ý nghĩa của một cuộc đời Thiên chúa giáo không còn nằm ở sau, mà là ở ngay trong chính nó, bởi những cá nhân (thần học sinh tồn) hay xã hội (thần học tự do) đã được chuyển hóa tận gốc. Ngày nay, bởi vì không thể chắc chắn về cuộc sống sau khi chết, cho nên trong đám tang của những tín đồ Thiên chúa giáo, người ta thường ca ngợi cuộc sống đã qua hơn là hân hoan trước những điều còn chưa tới.
Dẫu vậy, ý niệm về thiên đường hiện tại vẫn là sự kết hợp của những yếu tố vốn thuộc về thiên đường cũ lấy Chúa làm trung tâm và thiên đường mang tính xã hội đã từng ngự trị. Đó vẫn sẽ là nơi sinh sống của Chúa, bên cạnh các thiên thần và cả linh hồn của con người. Chúng ta vẫn sẽ nhận thức được về cuộc sống trước đây và sẽ tiếp tục nó, bên cạnh khả năng phân biệt lẫn nhau, nhưng không còn ở trong thân xác cũ nữa. Vì vậy, thiên đường sẽ không còn là của riêng bất cứ tôn giáo nào, mà là nơi mọi người sẽ đến và sống một cuộc đời hoàn thiện.