Ngay như đối với người, nét biểu cảm bí ẩn trên khuôn mặt nàng Mona Lisa cũng có thể thay đổi, tùy thuộc vào vị trí quan sát bức tranh. Nếu nhìn thẳng, nàng dường như không cười, song có vẻ lại đang cười nếu chúng ta nhìn vào phần khác của bức tranh. Hóa ra, phong thái thay đổi đó của nàng là vì “thị lực” của chúng ta giảm xuống, hay do chúng ta nhìn thế giới xung quanh rõ đến mức độ nào. Một vài giả tuyết cho rằng Leonardo da Vinci đã cố ý vẽ miệng Mona Lisa với những nét dễ nhìn hơn bằng thị giác ngoại vi – qua đó con người thường nhìn sự vật ít chi tiết hơn so với cái nhìn trực diện.
Hầu hết các con vật nhìn mọi thứ ít chi tiết hơn chúng ta nhiều. “Về cơ bản thì chúng ta không xuất sắc ở bất cứ giác quan nào, trừ thị giác,” Eleanor Caves – nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ngành sinh vật học tại Đại học Duke và tác giả chính của đánh giá trên – cho biết. Liên quan tới việc con người thấy thế giới rõ tới đâu, thì “chúng ta rất gần với vị trí thứ nhất.”
Tiến sỹ Eleanor Caves. Ảnh: Đại học Duke
Caves cùng các đồng nghiệp đã thu thập một số lượng lớn các tài liệu học thuật để có được cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về việc hàng trăm loài động vật, cá và côn trùng nhìn thế giới rõ như thế nào. Thông thường, các nhà nghiên cứu sẽ xác định thị lực của chúng qua “góc nhìn một độ” (cycles per degree) – tức con vật có thể thấy bao nhiêu vạch trắng đen song song khi nó nhìn mọi vật.
Theo Caves, 1 độ trong tầm nhìn của con người là bằng với kích thước thu nhỏ của móng tay cái khi chúng ta mở rộng cánh tay và giơ ngón cái lên. Giới hạn thị lực của con người là 60 c/deg, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể phân biệt được 60 sọc trong một hình thu nhỏ bằng kích thước của móng tay cái. Ngược lại, mèo chỉ có giới hạn tầm nhìn là 10 c/deg (dưới cả ngưỡng mù của người), trong khi tôm thậm chí còn không nhìn nổi 1 sọc với giới hạn thị lực 0,1 c/deg. Tuy nhiên, đại bàng Úc có thể nhìn được tới 140 sọc - khả năng giúp chúng định vị con mồi từ rất xa, theo thông tin từ một bài báo.
Các nghiên cứu thường đo giới hạn tầm nhìn của động vật bằng hai cách. Cách thứ nhất, họ sẽ mổ võng mạc động vật và đo mật độ của các tế bào cảm biến ánh sáng - được gọi là quang thụ thể (photoreceptor), rồi từ đó ước tính giới hạn tầm nhìn của chúng. Những nhà khoa học cũng tiến hành các nghiên cứu hành vi bằng cách đặt một con vật trong bể tròn với các sọc đen trắng 2 bên. Khi họ xoay bể, nếu có thể thấy được các sọc, con vật sẽ bắt đầu quay xung quanh bởi nó cảm nhận như thể các vạch đang chuyển động.
So sánh thị lực của người, mèo, cá vàng, chuột, ruồi và muỗi. Ảnh: Eleanor Caves
Ngược lại, nếu con vật không thể quan sát được các sọc này, nó sẽ nhìn bức tường như một thực thể rắn màu xám và đứng yên. Bằng cách thay đổi tần số cũng như kích thước của các sọc, những nhà nghiên cứu có thể nhận biết được các con vật nhìn rõ đến thế nào. Nhóm của Caves đã lưu thông tin về giới hạn tầm nhìn từ nhiều nghiên cứu khác nhau vào một phần mềm tạo ảnh về thứ mà động vật nhìn thấy do họ phát triển.
Bởi vì có quá nhiều biến thể trong thế giới động vật, liên quan đến việc mỗi con nhìn rõ thế giới như nào, chính những sự khác nhau về thị lực này có thể đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao tiếp giữa chúng. Các nghiên cứu về giao tiếp hình ảnh chủ yếu được dựa trên cái nhìn về màu sắc, Caves lý giải. Ví dụ, hầu hết các loài côn trùng đều không thể thấy màu đỏ, vì vậy các đốm đỏ trên lưng “góa phụ đen” có thể trở nên vô hình đối với con mồi của chúng, nhưng ngược lại cũng là một dấu hiệu cảnh báo đối với những kẻ săn mồi tiềm năng – những con vật đã tiến hóa để tránh chất độc mà có thể đi kèm với màu đỏ.
Cũng theo cách thức tương tự, các vân lộng lẫy trên cá có thể đặc biệt hấp dẫn bạn tình, nhưng không hề thu hút chút nào đối với những kẻ săn mồi ở xa hay có thị lực kém (độ tinh của mắt giảm dần theo khoảng cách). Như loài nhện đã tỉ mỉ xây nên hệ thống các mạng nhện - hoàn toàn vô hình với các loài côn trùng – để giăng bẫy chúng, nhưng lại được nhìn thấy rất rõ bởi chim - loài vật không bao giờ “đâm đầu” vào đó.
Caves cho rằng bước quan trọng tiếp theo trong những nghiên cứu về lĩnh vực này là cần so sánh, đối chiếu khả năng nhìn của một con vật với hành vi của nó. Bởi vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết về cách các loài động vật nhìn thế giới - cô bổ sung. “Sự thật là tôi thậm chí cũng không thể nói cho bạn biết về thế giới quan của bạn như nào, mặc dù bạn là đồng loại với tôi, vì vậy chắc chắn là chúng ta không thể đoán được thế giới quan của một con vật.”
Điều này thật quá tệ, khi chúng ta đã không thể hỏi một con bướm đang bay trước mặt “Mona Lisa”, rằng: Liệu kiệt tác của da Vinci đang cười phải không?