Nhưng trong cuộc trò chuyện với Smithsonian second opinion, nhà cổ nhân học Randall White1 tại New York University sẽ giải thích tại sao sau hơn 250.000 năm phát triển, phải đến thời điểm đó con người mới sáng tạo thứ nghệ thuật mang nhiều giá trị biểu đạt này và phân tích vai trò xã hội của mỹ thuật trong việc tạo dựng năng lực gắn kết, xây dựng bản sắc xã hội.
Bức tranh vẽ động vật trong hang động ở Pháp có niên đại khoảng 17.000 năm trước. Ảnh: Smithsonian second opinion.
Liệu có tồn tại xã hội nào không có mỹ thuật, thưa ông?
Nếu ta quay lại mốc 40.000 năm trước thì có tồn tại những xã hội không có mỹ thuật. Nhưng ngành Nhân học đưa ra câu hỏi đi xa hơn: Mĩ thuật là tư chất bẩm sinh của bộ não con người hay là một kiến tạo văn hóa? Đó là câu hỏi rất quan trọng đã đưa đến rất nhiều tranh luận gần đây về việc người Neanderthal có mỹ thuật hay không. Và nếu họ không có, có phải vì bộ não của họ khác với bộ não của chúng ta hay không, hay chỉ đơn giản vì họ chưa phát minh ra nó - giống như những người Trung cổ thì chưa phát minh ra ô tô vậy. Ngoài ra, câu hỏi này cũng nảy sinh vấn đề về định nghĩa thế nào là “người”? Cái gọi là “Người” có tồn tại cách nay 40.000 năm không? Hay là 100.000 năm trước? Hay triệu năm trước? Tiêu chuẩn ở đây là gì? Làm thế nào để chúng ta xác định được thế nào là “nhân tính”?
Vậy phải chăng cách thức biểu đạt mỹ thuật của con người hiện đại ngày nay trên khắp thế giới đều có nguồn gốc từ những cư dân tiền sử đầu tiên?
Vâng, ta có một số bằng chứng. Tôi làm công việc nghiên cứu các hiện vật trang sức cá nhân thời tiền sử và có thể khẳng định, những hiện vật này đã xuất hiện sớm nhất từ 200.000 hay 300.000 năm trước. Nhưng vì sự xuất hiện của chúng thường xuyên bị gián đoạn theo thời gian, nên dù nhiều người tin rằng mỹ thuật xuất hiện sớm [hơn thời điểm 40.000 năm trước] thì chúng tôi vẫn không thể khẳng định được đó là sự khởi sinh của mỹ thuật.
Gần đây, cũng có những hiện vật được phát hiện ở châu Phi có niên đại khoảng 50.000 năm, thậm chí 60.000 năm trước. Chúng là những mảnh vỏ trứng đà điểu được cho là từng được sử dụng làm bầu đựng nước – giống như cách nhiều tộc người vẫn thực hành đến ngày nay – và được trang trí bằng hoa văn hình học. Nhưng về mặt giải phẫu học và thần kinh học, nếu chúng ta cho rằng chủ nhân hiện vật này là người thì điều đó sẽ đem lại câu hỏi thú vị rằng mỹ thuật được khởi sinh như thế nào.
Nghiên cứu của ông cho thấy rằng tính thiết thực là nguồn gốc của nghệ thuật, như là nó được sử dụng trong trang trí cá nhân. Ông có cho rằng đó có phải là cách mỹ thuật/nghệ thuật khởi đầu?
Trở lại những năm 1960 và 1970, các nhà khảo cổ học cổ đại chỉ coi mỹ thuật như yếu tố “đi kèm” để nghiên cứu về người cổ đại thêm hoàn hảo - mỹ thuật không được coi là vấn đề quan trọng của tiến hóa [trong lịch sử xã hội loài người]. Đó là những gì tổ tiên chúng ta làm khi rảnh rỗi, nhưng thực sự là nó không hỗ trợ cho chức năng tiến hóa; nó không mang giá trị thích nghi với [hoàn cảnh xã hội]. Còn ngày ngay, chúng ta đã tư duy khác thời đó, và nghĩ rằng đó là hành vi mang tính biểu trưng vô cùng quan trọng đối với cách mà xã hội con người tương tác.
Điều gì thúc đẩy (cho) loài người bắt đầu sáng tạo mỹ thuật/nghệ thuật để tô điểm cho bản thân?
Đây là một câu hỏi mang hàm ý rất rộng. Bởi vì những người cổ đại này đã dành thời gian trong cuộc đời mình để tạo ra những thứ này và thiết lập chúng theo những cách thức rất phức tạp. Họ có thể làm điều gì đó khác, chẳng hạn như săn bắn và cất trữ thức ăn nhưng thực tế là họ không làm. Tại Sunghir - một nghĩa địa cổ Nga, có ba người được chôn cất với 17.000 đồ trang trí trên cơ thể họ. Phải mất tới ba giờ để tạo ra mỗi món đồ trang sức này, do đó 51.000 giờ lao động chỉ để dành cho những gì họ đeo lên người. Điều đó cho thấy, ngay cả đối với họ thì những thứ này cũng có tầm quan trọng.
Điều ngạc nhiên là phần lớn mọi người lại không sống ở những nơi này. Tại Chauvet [một khu vực hang động ở Pháp có niên đại từ 30.000 đến 32.000 năm trước], có một số ít bếp lửa, nhưng chúng dường như chỉ dành cho hai thứ: chỉ đem lại một lượng nhỏ ánh sáng để có thể vẽ hoặc làm ra than để tạo màu mà họ vẽ trên các vách hang.
Có vẻ như không có nhiều mô tả về con người trong các bức tranh hang động, có thể giải thích điều này thế nào về mặt lý thuyết?
Có một số lượng nhất định của con người được vẽ trên các vách hang nhưng họ có xu hướng là không được tập trung miêu tả chi tiết. Ví dụ một hang động như Les Combarelles có 700 hình ảnh động vật có vú, và có lẽ có khoảng mười hình ảnh con người được diễn tả theo cách không giống như cách tổ tiên chúng ta vẽ động vật.
Điều đó cho thấy, khi được vẽ ra, con người thường được tái hiện theo những cách phức tạp đến phi thường. Có cả tượng điêu khắc nữ trong toàn bộ thời kỳ đồ đá cũ. Họ được mô tả trong tình trạng mang thai - tôi nghĩ rằng họ là đại diện cho bí ẩn của cuộc sống, về con người đến từ đâu. Con người trong thời kỳ đồ đá cũ tìm thấy cách hiện thực hóa điều đó trong hình ảnh và điêu khắc. Đó là sự cố gắng tìm hiểu về bí ẩn và sức mạnh của người phụ nữ có thể sinh con.
Các mô tả các loài vật xuất hiện trong mỹ thuật cổ đại có thể cho chúng ta biết cách con người cổ đại sống như thế nào không?
Các ngọn lao là một ví dụ đặc biệt thú vị, nó cho thấy độ phức tạp trong vấn đề này. Con người có thể ném lao với độ chính xác và vận tốc lớn nhưng thật mỉa mai là họ lại trang trí cho những công cụ này bằng những cảnh có những con vật rất yên bình. Không phải là hình ảnh của một con vật đang đau khổ, hoảng hốt hoặc đang bay, ngược lại nó rất bình tĩnh và yên bình. Điều đó gợi ý, có một mối quan hệ nào đó giữa săn bắn với cái chết, cũng như những gì mọi người nghĩ về loài vật và tinh thần của chúng.
Nhà cổ nhân học Randall White. Ảnh: New York University.
Thậm chí với các hình vẽ sớm nhất là ở Chauvet, những con thú mà con người vẽ không phải là những con thú họ đang săn bắn mà là những loài gần như không bao giờ họ ăn - có tầm quan trọng trong cuộc sống, về phương diện tổ tiên, linh hồn hoặc những gì họ có.
Lascaux là ví dụ điển hình về dạng này: có khoảng 1.000 con vật trên vách hang nhưng 90% các mảnh vụn thức ăn tìm thấy trên nền hang là tuần lộc, trong khi đó không có một con tuần lộc nào trên vách hang. Không con nào.
Có một bí ẩn lớn về mỹ thuật: nhiều nhà nhân chủng học cho rằng, trong 300.000 năm qua, con người giống nhau về phương diện giải phẫu và thần kinh học. Và trong phần lớn thời gian đó, Các nhà khảo cổ nhận thấy nhiều loại công cụ cùng được tạo ra-những phiến tước/mảnh tước và mũi lao bằng đá. Khoảng 40.000 năm trước, thì lại bắt đầu thấy tất cả các loại công cụ xuất hiện, và sự nở rộ của mỹ thuật hang động, điêu khắc và trang sức cá nhân. Các nhà khoa học thường gọi đây là “bùng nổ văn hóa”. Điều gì có thể đã “kích hoạt” hành vi này?
Mỹ thuật xuất hiện trong một bối cảnh cụ thể: đó là một bối cảnh của một vùng Tây Âu bị người Neanderthal - một quần thể tiến hóa thành công của các loài người, di cư đến và chiếm lĩnh. Do đó, dạng mỹ thuật hang động, điêu khắc và trang trí cá nhân xuất hiện khi vùng đất này bị xâm chiếm bởi người Aurignacians – người mà chúng ta biết là [Homo sapiens hiện đại], hoặc người Cro-Magnons - [những người di cư từ châu Phi].
Và câu hỏi đặt ra là, mỹ thuật phải làm gì trong bối cảnh này? Tại sao một quần thể những kẻ xâm lược trước đây trên thế giới không có loại hành vi ‘sáng tạo’ này - tại sao họ lại tạo ra nó? Tại sao họ lại phát minh ra nó trong một sự kiện mang tính thực dân hóa? Và nó cũng có thể liên quan đến vai trò của mỹ thuật trong xã hội như tạo ra năng lực cho tình đoàn kết xã hội, cho đặc trưng/sự nhận diện cá nhân, cho mọi người thấy mình là một phần của cùng một dân số.
Dưới góc nhìn tiến hóa, chúng ta vẫn có xu hướng nghĩ về những người thành công bởi họ là những thợ săn giỏi hơn hoặc những người hái lượm tốt hơn; dĩ nhiên họ cung cấp thêm nhiều thức ăn cho dạ dày. Nhưng nó có thể là chìa khóa giúp tổ chức cá nhân/ bản thân bạn tốt hơn và có được những cơ chế xã hội cho phép bạn giữ vững lãnh thổ. Khi suy nghĩ về những người Aurignacia này, tôi nghĩ đến những người không bao giờ gặp mặt nhau nhưng vẫn nghĩ mình là người Aurignacia.
Ngược lại, người Neanderthal thực sự là kẻ quê mùa địa phương. Họ không có ý thức về sự tương đồng văn hóa với những người cách đó 50 hay 100 dặm. Điều đó có thể giúp chúng ta giải thích tại sao mọi người có thể vẽ một con vật trên nóc hang mà họ đang sống, hoặc trên một vách đá - nơi nào đó họ biết rằng một số người Neanderthal hoặc một số người hiện đại khác sẽ thấy nó. Đó là một cuộc tranh luận phức tạp. Nhưng lập luận này cho thấy hiện tượng xã hội và hiện tượng mang tính biểu tượng cũng quan trọng như cách bạn gia tăng sự tồn tại vật chất của mình. Và liệu những hiện tượng xã hội và biểu tượng này có ảnh hưởng đến việc bạn có đạt được sự tồn tại vật chất này hay không.
Liệu có cộng đồng người nào đến nay vẫn không hề có mỹ thuật không?
Tất cả xã hội loài người hiện đại đều tồn tại một số hình thức mỹ thuật. Nhưng một phần của vấn đề này nằm ở chính cách định nghĩa về mỹ thuật. Đây là vấn đề lớn cho các nhà nhân chủng học và cũng là vấn đề tồn tại đã lâu. Nền mỹ thuật ngày nay được xác định bằng thị trường mỹ thuật. Mỹ thuật được xác định bởi những người sành sỏi, được định nghĩa bởi truyền thống phương Tây. Nhưng bản thân điều đó chỉ xuất hiện cách đây vài nghìn năm thôi. Một vài vấn đề thú vị mà nhà nghiên cứu thường gặp phải khi bắt đầu tìm hiểu, ví dụ, xã hội Inuit trong thế kỷ 18 và 19 chẳng hạn: Những tộc người này không có khái niệm về mỹ thuật. Họ không tách rời giữa những gì ta gọi là mỹ thuật với những thứ hoạt động khác mà họ thực hành. Vậy thì ta phải làm gì với các tạo tác ta coi là mỹ thuật khi chính những người tạo ra chúng không coi chúng là mỹ thuật?
—
Chú thích:
1 Là một trong những chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật Đồ đá cũ đồng thời là tác giả của cuốn sách Mỹ thuật Tiền sử: Hành trình biểu tượng của Nhân loại. White dành phần lớn sự nghiệp của mình nghiên cứu các tác phẩm mỹ thuật hang động hùng vĩ vốn xuất hiện từ khoảng 40.000 năm trước.