Được may từ những tấm vải dệt và nhuộm thủ công để cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người mặc và thân thiện với môi trường, cổ phục Đông Phong dường như hoàn hảo về nhiều mặt, trừ việc không thể sản xuất nhanh. Nhưng “bán chạy” không phải là mục đích mà Nguyễn Đức Huy, người sáng lập Đông Phong, theo đuổi.

Trong căn hộ ở tầng 2 của một khu tập thể cũ trên phố Hàng Bún, Hà Nội, Huy đang chăm chú kiểm tra từng chi tiết của chiếc áo tấc chuẩn bị trả cho khách. Chàng trai cổ phục là cách tôi nói về Huy mỗi khi có ai hỏi. Xuất phát từ niềm đam mê cổ phục và những chiếc áo dài đầu tiên được bạn bè nhờ may, Huy đã quyết định thành lập thương hiệu nghiên cứu và may đo cổ phục Đông Phong vào năm 2018.

Huy không che giấu ước vọng mà anh đặt vào các sản phẩm của mình: đề cao tính nguyên bản về mặt thiết kế và chú trọng phương pháp dệt cũng như nhuộm để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người mặc và thân thiện với môi trường. Nói cách khác, anh muốn làm ra những cổ phục trang trọng theo xu hướng thời trang bền vững (hay thời trang sinh thái), vốn là dòng thời trang không chỉ hướng đến việc tạo ra những sản phẩm với quy trình và chất liệu sao cho hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường nhất có thể mà còn quan tâm đến quyền lợi về sức khỏe và tinh thần của những người trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Nguyễn Đức Huy trong một chuyến đi lên núi tìm tòi về phương pháp nhuộm chàm. Ảnh: NVCC
Nguyễn Đức Huy trong một chuyến đi lên núi tìm tòi về phương pháp nhuộm chàm. Ảnh: NVCC

Huy kể, nguyên liệu cho nhuộm tự nhiên khá phong phú và sẵn có, từ lá bàng, lá chè… cho ra màu vàng, vàng ánh xanh; đến hoàng đằng, tô mộc, rễ tử thảo, củ nâu… cho ra màu vàng, hồng, tím, nâu v.v đủ cả. Nhưng để “bắt” được màu sắc của những thứ cây cỏ đó không hề dễ. Chẳng hạn, để nhuộm ra màu chàm là một quá trình kéo dài cả tháng trời và gồm nhiều công đoạn - từ ngâm lá chàm, tạo cao, rồi làm lên men cùng với nước lọc tro bếp. Mất thời gian là thế mà nhiều khi kết quả vẫn không như ý, vì nguyên liệu tự nhiên dễ bị chi phối bởi những yếu tố thất thường như thời tiết, khí hậu, độ ẩm..., làm cho màu nhuộm lên không tươi hay không bám vải.

Ngay từ đầu, Huy đã dành nhiều thời gian tìm tòi chất liệu được sản xuất trong nước. Vải đũi Nam Cao (Thái Bình) hay vải lụa Nha Xá (Hà Nam), dệt từ sợi tơ tằm với độ mềm mại, bóng bẩy vừa phải, được Huy chọn làm một trong những chất liệu chính để may cổ phục. Bên cạnh đó, các loại vải có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường như vải gai dầu, vải bông, vải đũi dệt thủ công hoặc bán thủ công v.v. cũng được ưu tiên.

Rồi đến một ngày, Huy bén duyên với nhuộm thủ công từ chất liệu tự nhiên (nguồn gốc thực vật hoặc động vật), cũng bởi sự hiếu kỳ về việc cha ông đã làm thế nào để tạo màu sắc cho vải, khi chưa có nền công nghiệp may mặc đồ sộ với những chất tạo màu hóa học phong phú như bây giờ. Huy đã lang thang khắp các làng nghề hay các bản người dân tộc thiểu số ở Sa Pa, Hòa Bình... để học nghề nhuộm. Cũng trên hành trình đó, anh càng xác quyết theo đuổi định hướng gắn Việt cổ phục với thời trang bền vững.

Những cổ phục được may bằng vải do Nguyễn Đức Huy tự tay nhuộm từ các chất liệu cây cỏ hoặc nhựa do côn trùng tiết ra. Ảnh: NVCC

Nhưng với việc thử nghiệm hết lần này đến lần khác, dần dần Huy đã nắm được những nguyên tắc cơ bản nhất về nhiệt độ đun (đối với nhuộm nóng), thời điểm ngâm giặt, việc lựa chọn nguyên liệu v.v. Ví dụ, với nhựa cánh kiến cho màu hồng, không nên đun sôi sùng sục rồi mới nhúng vải vào; với củ nâu thì cần đập thật nát để nhựa ra tối đa, và nên phơi vải vào lúc nắng không quá gắt v.v. Mọi công đoạn đều được Huy tự tay làm.

Chính vì đòi hỏi quá nhiều công phu như vậy, khách hàng cần chờ khá lâu để sở hữu một bộ áo dài cổ phục bằng vải nhuộm tự nhiên. Nhìn dáng vẻ đến cách nói chuyện chậm rãi của Huy, tôi thắc mắc anh xoay xở ra sao với các đơn hàng, bởi tôi biết rằng, hiện tại Huy vẫn là người làm chính ở hầu hết mọi công đoạn - từ tư vấn, nhận đơn, đến nhuộm thủ công rồi thiết kế. “Mình cũng không mong nhiều khách quá đâu! Chỉ cần như hiện tại là ổn rồi.” Câu trả lời của Huy nghe có vẻ vô lý đối với một người làm kinh doanh. Nhưng biết đủ và có điểm dừng chẳng phải chính là cốt lõi cho sự bền vững, dù ở bất cứ lĩnh vực nào hay sao. Và Huy là người đã chọn con đường thời trang bền vững, làm ra những trang phục mà anh kỳ vọng khách hàng sẽ mặc mãi không chán bởi nó ẩn chứa những câu chuyện kể mãi không hết về bản thân trang phục cũng như các bước làm ra nó.

Áo ngũ thân vải sợi bông dệt thủ công và nhuộm bằng củ nâu của Đông Phong. Ảnh: NVCC
Áo ngũ thân vải sợi bông dệt thủ công và nhuộm bằng củ nâu của Đông Phong. Ảnh: NVCC

Đông Phong chuyên nghiên cứu và may các loại trang phục Việt Nam từ thế kỷ XI đến XX; trong đó có áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc, áo tứ thân, Nhật Bình, Mãng lan, Mãng bào, Phượng bào, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm. Nguyễn Đức Huy cho biết, khách hàng tìm đến cổ phục với nhiều lý do, thường thấy nhất là yêu văn hóa truyền thống hoặc thích những trang phục khác biệt, tạo sự nổi bật khi mặc.

Khách hàng của Đông Phong mặc cổ phục trong các dịp Tết, cưới hỏi, tốt nghiệp,... và cả ngày thường. Một số cổ phục vốn là trang phục cung đình sẽ hơi bất tiện khi mặc do tay áo rộng và dài, nhưng có nhiều trang phục mặc rất thoải mái như áo ngũ thân tay chẽn, giao lĩnh tay chẽn, viên lĩnh tay chẽn, giao lĩnh bán tý, viên lĩnh bán tý.