Từ giao tiếp với động vật và rừng
Trước khi giảng dạy tại Đại học McGill (Canada), Kohn đã dành nhiều năm chung sống để nghiên cứu bộ tộc Runa tại vùng Thượng Amazon, Ecuador.
Vừa làm thuê cho giới địa chủ da trắng thống trị vùng đất này từ thời thuộc địa, vừa duy trì lối sống săn bắt và hái lượm trong rừng, tộc Runa hiện diện như một người trung gian giữa rừng Amazon và nền văn minh phương Tây hiện đại.
Do phải sống lệ thuộc vào rừng, họ đã phát triển nhiều phương thức để giao tiếp với khu rừng và các sinh vật trong đó, dựa trên cả kinh nghiệm lẫn tín ngưỡng vật linh. Chẳng hạn, từ kinh nghiệm, họ biết mình phải dùng mắt để giao tiếp với báo đốm. Vì báo đốm săn mồi bằng một cú cắn vào sau gáy, nó sẽ coi kẻ chìa gáy về phía nó là con mồi, và coi kẻ nhìn thẳng vào mắt nó là một động vật săn mồi có khả năng làm nó bị thương. Một người đối mặt với báo đốm mà vẫn an toàn trở về sẽ được người Runa gọi là “người báo”, bởi báo đốm đã công nhận rằng anh ta có sức mạnh và tư cách kẻ săn mồi ngang hàng với báo.
Cùng lúc đó, người Runa cũng giao tiếp với những chú chó săn của mình, áp các tiêu chuẩn đạo đức của con người cho chúng, và trừng phạt mỗi khi chúng làm sai. Và nếu họ bắt những chú chó hư ăn chất thức thần rồi nghe lời chỉ dạy của con người, thì họ cũng tự ăn chất thức thần để giao tiếp với các vị thần làm chủ rừng núi.[1]
Người Runa ở vùng Thượng Amazon, Ecuador, giao tiếp với báo bằng ngôn ngữ của báo, và nỗ lực trở thành báo; nhưng lại giao tiếp với chó bằng ngôn ngữ của người, và áp đặt lên chó các tiêu chuẩn của bản thân. Ảnh: Eduardo Kohn
Như vậy, nếu người phương Tây tùy tiện khai thác hoặc bảo tồn rừng theo ý mình, thì người Runa xem rừng và động thực vật như những chủ thể biết suy nghĩ và thương lượng. Các bên chung sống với nhau, giao tiếp với nhau, và kiến tạo bản thân qua tương tác với kẻ khác. Kẻ mạnh thường chấp nhận sự đồng hóa của kẻ yếu: người Runa giao tiếp với báo bằng ngôn ngữ của báo, và nỗ lực trở thành báo; nhưng lại giao tiếp với chó bằng ngôn ngữ của người, và áp đặt lên chó các tiêu chuẩn của bản thân. Quyền lực quyết định cách thức giao tiếp giữa các bên: trong mắt người Runa, các vị thần rừng có diện mạo và lối ăn nói tương tự những địa chủ phương Tây đã liên tục cai trị họ từ thời thuộc địa.
Đến ký hiệu học về sự sống
Để nhìn nhận rằng mọi sinh vật đều biết suy nghĩ, Kohn đã phân tích các quan sát của mình bằng lý thuyết ký hiệu học của triết gia Charles Sanders Peirce. Trong tiểu luận “Ký hiệu là gì” (1894), Peirce coi suy nghĩ là một trạng thái tâm sinh lý đặc biệt, trong đó sinh vật không lập tức phản ứng trước các kích thích từ môi trường, mà so sánh nó với các ký ức của mình rồi mới phản ứng.[2] Để làm điều đó, sinh vật phải mã hóa các cảm giác về môi trường thành các ký hiệu, rồi hình thành ký ức và suy nghĩ từ các chuỗi ký hiệu nối liền nhau.
Áp dụng lý thuyết của Peirce, Kohn nhận xét rằng mỗi hoạt động sống đều là một quá trình ký hiệu (semiosis), và vì vậy, là một quá trình suy nghĩ. Chẳng hạn, về mặt di truyền, gene là một dạng ký ức được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, thậm chí từ loài này sang loài kia. Như vậy, toàn bộ sinh giới là một quá trình ký hiệu (tức một quá trình suy nghĩ và giao tiếp) nối liền như chuỗi bình thông nhau, thay vì bị gói gọn ở cấp cá thể hoặc cấp chủng loài. Đây chính là thứ “tư duy đại ngàn” (sylvestrian thinking) mà người Runa còn cảm nhận được, trong khi xã hội hiện đại đã quên mất.
Nhưng nếu các cấu trúc phân tử và phản ứng hóa học đều được biểu thị dưới dạng chuỗi ký hiệu, thì ta có thể nói rằng những vật nằm ngoài sinh giới cũng có khả năng giao tiếp hay không? Liệu có thể xem một giọt nước như một chủ thể giao tiếp ngang hàng với con trùng giày sống trong đó? Về điểm này, Kohn lưu ý rằng quá trình ký hiệu chỉ diễn ra trong và giữa những “cái Tôi” (self).[3] Cái Tôi sẽ cảm nhận các kích thích từ môi trường, phản ứng với kích thích nhằm tự bảo toàn bản thân, và mã hóa cảm nhận thành các ký hiệu mà nó dùng để suy nghĩ, giao tiếp. Mỗi cái Tôi vừa là một tập hợp ký hiệu, vừa là kết quả của các quá trình ký hiệu mà nó tham gia. Cái Tôi trong mắt Kohn khá giống mô tả của Marx về con người: nó “là tổng hòa của các mối quan hệ”.
Nếu ký hiệu chỉ tồn tại trong phạm vi sinh giới thì phần vật chất nằm ngoài sinh giới lại góp phần tạo nên các cấu trúc của môi trường sống và sinh vật, mà Kohn gọi là “hình thái” (form). Hình thái xuất hiện một cách ngẫu nhiên, khi các loài bắt đầu tìm được cách ổn định để thích nghi với một môi trường chung sống (tức tạo nên một thế cân bằng sinh thái). Dù không có tư cách chủ thể như những cái Tôi, các hình thái vẫn tham gia vào quá trình suy nghĩ - giao tiếp, vì chúng định hình cái cách mà các ký hiệu được tạo ra rồi xâu chuỗi với nhau. Có thể xem những nghi lễ để giao tiếp với rừng của người Runa như những nỗ lực để giao tiếp với hình thái. [3][4]
Hướng tới một nỗ lực ngoại giao liên loài
Những kiến giải của Kohn thách thức nhị nguyên luận của Descartes, vốn xem tâm trí và cơ thể như hai thứ tách rời nhau. Nó cũng thách thức một quan điểm quen thuộc trong xã hội phương Tây, rằng con người là sinh vật duy nhất có suy nghĩ, nhờ đó có đặc quyền làm chủ vũ trụ và sinh giới.
Kohn chỉ ra rằng trong ba loại ký hiệu mà Peirce liệt kê – là hình hiệu (icon, tức sự mô phỏng chính xác vật được đề cập), chỉ hiệu (indice, tức biển chỉ đường đến vật được đề cập), và biểu tượng (symbol, tức một kí hiệu quy ước được cộng đồng chấp nhận để mô tả một nhóm các vật giống nhau) – con người dùng thành thạo cả ba loại ký hiệu, còn đa số các loài động vật chỉ dùng hai loại đầu. Chẳng hạn khi tắc kè hoa chuyển thành màu xanh để hòa lẫn vào môi trường, rồi chuyển thành màu vàng để bộc lộ cảm xúc, nó đang giao tiếp và suy nghĩ bằng hình hiệu. Các loài kiến và ong thường dùng chỉ hiệu để chỉ đường cho nhau đến chỗ có thức ăn. Theo Kohn, ở cấp tế bào của cả động thực vật lẫn con người, các enzyme hoạt động như những “động từ”, vì chúng xúc tác các phản ứng hóa học tạo nên hoạt động sống. Nhưng vì mỗi enzyme chỉ tương thích với một chất duy nhất, chúng không phải là “biểu tượng” như những từ ngữ của con người – thứ có khả năng phối hợp linh hoạt với nhiều từ khác nhau để tạo nên một lượng nghĩa gần như vô hạn. [4]
Từ những nhận định đó, Kohn đề xuất rằng nhân học – thường được nhìn nhận như một nỗ lực ngoại giao giữa các lối sống khác nhau – nên mở rộng phạm vi nghiên cứu ra ngoài con người, để cải thiện khả năng chung sống thông qua thương lượng giữa con người với các loài khác. [1][3] Trong việc này, nhân học có thể học được nhiều điều từ các bộ tộc như Runa – những người sống trong một vùng trung gian giữa thế giới hiện đại và rừng, đồng thời thường xuyên suy nghĩ và giao tiếp liên loài bằng hình hiệu và chỉ hiệu.
Nguồn tham khảo