Leo cây hái trà cho ta được chạm vào thiên nhiên. Sao trà bên củi lửa rèn cho ta sức khỏe, một bền bỉ đến không dừng. Thể nghiệm những loại trà mới cho ta sự hồ hởi dám đổi khác.

Gió đông về từng cơn trên mái, trong căn bếp nhỏ vào ra bao mùa xa phố, nhấp một ngụm trà vàng A Lừ pha bằng sự cẩn thận và bỡ ngỡ của đôi tay người Mông, thấy hương và vị hòa nhau dung dị. Một bình yên lặng lẽ, như cách người Mông hay nói, cứ túc tắc mà vui.

Thi thoảng cùng nhau đi vạt núi xa hái trà hay vui chuyện bên chảo lửa kể cho A Lừ về trà xưa qua những câu thơ, những tích cũ, “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình. Ví chăng duyên nợ ba sinh”, A Lừ lại thốt lên, người Kinh hay nhỉ, người Mông thì chỉ biết hái với sao trà thôi. Thế là lại tiếp chuyện kể cho A Lừ những bao la mà đầy thú vị về trà.

Tác giả trong một chuyến đi tìm và thu hái trà rừng ở độ cao 2.700m. Ảnh: TGCC
Chàng trai Bản Bẹ A Lừ (trái) và tác giả và trong một chuyến đi tìm và thu hái trà rừng ở độ cao 2.700m. Ảnh: TGCC

Trà là tên gọi sản phẩm khô được chế biến từ những bộ phận của cây chè tươi. Chi chè Camellia chia ra làm nhiều loài và phân loài khác nhau. Các loài đang được chế biến và sử dụng như một thức uống ở nước ta có Camellia Sinensis (gồm: Camellia Sinensis Var. Sinensis - chè xanh lá nhỏ hay chè ta và Camellia Sinensis Var. Shan - chè shan tuyết); Camellia Crassicolumma; Camellia Chrysantha; Camellia Tailiensis; Camellia Rosmanni… và rất nhiều loài khác nữa mọc hoang, chưa được nghiên cứu cụ thể. Trong đó, những thức trà quý thường được chế biến từ cây chè shan tuyết cổ thụ trên các vùng núi cao. Từ những búp chè shan tuyết đã ra đời nhiều phẩm trà khác nhau: bạch trà (trà trắng), lục trà (trà xanh), hoàng trà (trà vàng), hồng trà (trà đen), và những loại trà kết hợp như trà ống lam, trà chít, trà shan quýt, trà ướp hương…

Bốn vùng trà quý được xem như “tứ đại danh trà” của nước ta gồm: Tà Xùa (Sơn La), Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên). Mỗi vùng có một ưu thế và sự đặc biệt riêng về chất lượng và sản lượng cây trà. Riêng vùng trà Tà Xùa với quần thể trà shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi bốn mùa trú ngụ trong sương núi ở độ cao trên 1700m được dân trong nghề đánh giá là có chất lượng hàng đầu. Đặc biệt là dòng trà xanh Tà Xùa với hương thơm sâu và vị êm nhẹ đặc trưng không thể lẫn.

A Lừ cười hiền, mình cũng biết pha trà rồi đấy nhỉ, chả mấy mà lại vào vụ trà xuân, lại làm bục mặt tối ngày. Nhớ những sớm xuân cùng nhau ăn vội bát cơm nóng rồi xỏ ủng, đeo gùi trên lưng theo nhau lên mé rừng leo hái những búp trà shan tuyết cổ thụ. Hái nửa ngày thì đầy một gùi, lại theo nhau về nhà trải trà ra nong ra mẹt hong cho héo, ăn vội bát cơm trưa rồi lại theo nhau đi hái tiếp buổi chiều. Tối về miệt mài bên củi lửa, vục tay vục mặt vào chảo trà đến đêm muộn, sương tràn qua, con cú muỗi khuya gọi bạn, con gà ngủ mơ cục cục trên đống củi, người mệt bã ra mà lòng mừng vui vì những mẻ trà thơm hương đất trời, ngả mệt nhọc vào giấc muộn rồi lại thức dậy một ngày trà nối tiếp.

Búp trà tươi qua một quy trình chung gồm các bước thu hái - phơi héo - vò - lên men - sấy khô thì sẽ cho ra các phẩm trà khác nhau. Tùy vào loại búp mà làm một dòng trà phù hợp. Búp một tôm để làm bạch trà, búp một tôm một lá để làm lục trà. Búp một tôm hai lá lại phù hợp hơn để làm hoàng trà và hồng trà nếu ngày có nắng giòn gió thoảng. A Lừ bảo người Mông Tà Xùa chỉ biết làm lục trà thôi, có làm trà men nữa nhưng không ngon như anh làm đâu.

Vùng trà Tà Xùa với hơn 200 ha trà shan tuyết, kể cả trà cổ thụ mọc tự nhiên và trà được dân bản trồng. Trà cổ thụ chủ yếu tập trung ở Bản Bẹ với quần thể hàng ngàn cây có tuổi đời trăm năm. Một số bản khác như Mống Vàng, Chung Trinh, Tà Xùa C cũng có cây trà cổ thụ nhưng rất ít, chủ yếu là cây trà trồng theo dự án xóa bỏ cây thuốc phiện những năm 1968-1970 và dự án trồng trà thúc đẩy kinh tế năm 1990. Bảo với A Lừ, chúng ta đang có nguyên liệu trà cổ thụ Bản Bẹ ngon bậc nhất các vùng, cố gắng mà làm tốt nhé. Sau bốn năm làm trà miệt mài, giờ A Lừ đã biết nhìn búp trà tươi để đánh giá, độ to của phiến lá, độ sáng ánh kim của lông mao bao phủ hay màu xanh của lá đều cho biết sự khác biệt về tuổi đời và chất lượng cây mẹ. Nhưng A Lừ bảo, không rõ tại sao cây trà bản này lại ngon hơn bản khác nhỉ, cũng như không biết điều gì làm nên một chén trà ngon. Thế là đẩy một que củi rồi lan man, gió vẫn lùa vi vút qua khe, sương thì đậu xuống khói bay lên, hòa vào nhau ảo ảnh.

Trà cũng như con người, có giống có loài có môi sinh nuôi dưỡng, có khí khái ôm trong lòng. Cây trà này với thổ nhưỡng này cho ra hương sắc này, mó nước kia lại nuôi hậu vị khác. Trà đón mây khác trà ươm nắng, trà thức hướng đông khác trà ngủ hướng tây, trà tắm nơi cao khác trà vầy đất thấp. Cây trà tuổi thấp không thể ngon bằng cây trà tuổi cao, cũng như cây trà shan lá nhỏ thì không ngon bằng cây trà shan lá to. Trà Bản Bẹ ngon hơn bản khác là vì bản ấy nằm trọn trong một cánh cung núi nhìn hướng đông quanh năm sương phủ, nhiệt độ luôn thấp hơn những nơi khác. Rừng già bao phủ cũng là môi sinh tự nhiên tốt cho cây trà dung dưỡng mình.

Chưa kể, cùng một nguyên liệu thì phương pháp làm trà khác nhau cũng cho ra chất lượng khác nhau. Sao trà bằng máy công nghiệp phẩm trà sẽ khác với sao trà bằng lồng quay tay và lại khác rất nhiều với sao trà bằng chảo gang đốt củi. Người Mông Tà Xùa chủ yếu sao trà bằng lồng bán thủ công, những người sao trà thủ công hoàn toàn bằng đôi tay trên chảo gang như A Lừ là số ít hiếm hoi, nhưng đang dần trở thành một hướng đi mới, vừa mang lại lợi thế nghề vừa phục hồi và duy trì một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

Tác giả sao trà bằng tay trên chảo gang. Nguồn: TGCC

Trà sao bằng chảo gang đốt củi đòi hỏi kỹ năng nghề khó hơn, nhưng phẩm trà có được lại đặc sắc và ưng ý nhất trong các phương pháp làm trà. A Lừ bảo, không có anh hỗ trợ thì tụi em cũng chả theo được nghề đâu, mệt lắm, cứ bỏ vào lồng mà quay cho nhanh cho khoẻ. Lại đùa cậu trai Mông lấy tinh thần, một năm chỉ làm trà hai vụ xuân và thu rồi ngơi nghỉ, sao trà bằng chảo mệt nhưng giá bán gấp bốn, năm lần sao lồng thì tại sao lại không làm chứ. Giờ biết làm trà vàng, trà đen rồi, hết vụ thu thì túc tắc làm trà quýt, trà ống lam, hái hoa trà sấy nữa, cũng tha hồ việc mà làm. A Lừ gật gù, châm thêm một tuần trà, câu chuyện hai người bên bếp củi mùa đông lại túc tắc. Lại chuyện cho A Lừ hiểu hơn về giá trị đằng sau những vui buồn khó nhọc nghề trà.

Leo cây hái trà cho ta được chạm vào thiên nhiên. Khi lặng im trong một vạt rừng vắng, lúc nắng rọi lúc sương ùa, chim và sâu và bướm và trùng kêu, thấy được sự kỳ diệu của tự nhiên bao phủ. Ngắm núi triệu năm lặng im sừng sững, ngắm cây trăm năm xanh tốt hiền hòa, thấy con người bé nhỏ, thấy chớp mắt một đời không bằng một lá trà xanh rêu phủ. Được gần gũi thiên nhiên là một đãi ngộ trong đời.

Sao trà bên củi lửa rèn cho ta sức khỏe, một bền bỉ đến không dừng. Sự lắng mình để nghe nhịp nhiệt, nghe gió bùng, nghe trà chuyển vị cũng giúp cho tâm và tính không vội vã. Để rồi biết bình thản hơn trước vạn sự xoay vần. Lúc đi hái cũng mệt, lúc bổ củi cũng mệt, ôm củi cũng mệt lắm, nhưng đứng thẳng người mà miệt mài sao trà thì sự khoẻ nó ẩn vào trong thành sức bền cả tâm và xác.

Thể nghiệm những loại trà mới cho ta sự hồ hởi dám đổi khác. Đổ đi những lần trà không ưng ý cho ta biết trân trọng những quý giá trong tay mình, để có được sự nghiêm túc mà không chút dễ dãi với nghề. Sao trà còn cho ta biết sự đợi chờ. Thứ gì cũng cần hội tụ mọi yếu tố của xoay quanh, không vội vã nhưng cũng không muộn màng.

A Lừ nhìn ánh lửa đầy mơ hồ, như có thứ gì bùng lên trong đôi mắt cậu trai người Mông ấy. Mai lại cùng nhau đi hái nụ hoa trà shan về sao, vừa giúp dưỡng sức cho cây mẹ, vừa thêm một thức trà quý cho mọi người. Thứ trà shan tuyết cổ thụ đặc biệt Tà Xùa, không như trà trung du, ít caffeine, ít tanine, nhiều chất ngon theanine, đến A Lừ cũng phải tâm đắc, uống một ngụm trà mà thấy mãn nguyện làm sao.

Một số hình ảnh về người dân Bản Bẹ, Tà Xùa, Sơn La làm trà:

Người dân Bản Bẹ lựa búp trà bên cạnh dãy chảo gang sao trà. Ảnh: NTK
Người dân Bản Bẹ lựa búp trà bên cạnh dãy chảo gang sao trà. Ảnh: NTK

Một mẻ trà Shan chít hay trà bó sau khi đã được tạo hình và mang đi phơi nắng. Ảnh: TGCC
Một mẻ trà Shan chít hay trà bó sau khi đã được tạo hình và mang đi phơi nắng. Ảnh: TGCC

Pla – một cô gái ở Bản Bẹ, đang đóng trà vào ống lam. Ảnh: NTK

Trà quít được làm từ hoàng trà nhồi vào lòng quả quít rừng. Ảnh: NTK

Một mẻ trà Shan chít hay trà bó sau khi đã được tạo hình và mang đi phơi nắng. Ảnh: TGCC
Hoa trà mang sao cũng thành một thức uống có mùi vị thanh khiết. Ảnh: TGCC

Những mẻ trà vàng sau khi ủ ướt sẽ được mang đi phơi mát rồi sao khô. Ảnh: NTK
Những mẻ trà vàng sau khi ủ ướt sẽ được mang đi phơi mát rồi sao khô. Ảnh: NTK