Trong Ngày hội STEM tỉnh Lào Cai được tổ chức ở huyện Bảo Thắng hôm 9/11 vừa qua có một sự kiện rất đặc biệt, đó là ngoài việc biểu diễn và thi đấu lập trình robot thật thì các học sinh của 22 trường THCS của huyện Bảo Thắng lần đầu tiên “chiến đấu” rất hăng trong cuộc thi lập trình robot ảo.
Yêu cầu của bài thi là dùng robot ảo để vẽ cột mốc độ cao trên đỉnh Phan xi păng, trong đó có hình lá cờ Việt Nam. Bài thi mà ban tổ chức tưởng là khó đã được nhiều học sinh giải quyết nhanh như chơi game.
Như vậy, huyện Bảo Thắng trở thành địa phương đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thi đấu lập trình robot ảo. Đáng kể hơn nữa, cuộc thi này lại có tính chất liên tỉnh vùng cao Tây Bắc với sự tham gia của 5 học sinh của Trường THCS Thị trấn Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu.
Thời gian gần đây, cả ba huyện - Than Uyên của tỉnh Lai Châu và Bảo Thắng, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai – đều đã tổ chức tập huấn giáo viên toàn huyện theo chuyên đề sử dụng robot ảo VEX VR để xóa mù lập trình (Coding Literacy) với sự hỗ trợ của Liên minh STEM.
VEX là hãng sản xuất robot giáo dục số 1 của Mỹ với kho học liệu hàng trăm bài học đi kèm. Nổi bật trong nền tảng học liệu mở của VEX chính là con robot ảo có tên VEX VR (Virtual Robot), có thể dùng để “xóa mù” lập trình robot mà không cần phải mua thêm robot thật. VEX đã giới thiệu về VEX VR với Liên minh STEM để tổ chức này đưa chuyên đề về robot ảo vào các khóa đào tạo, tập huấn giáo dục STEM của mình kể từ năm học 2022-2023, và ba huyện miền núi kể trên chính là những địa phương đầu tiên được chọn.
Để triển khai robot ảo, chỉ cần tập huấn giáo viên trong khoảng 2 tiết học. Lập trình cho robot ảo được thực hiện trên máy tính, bởi vậy tối thiểu cần có phòng máy tính với những yêu cầu kỹ thuật thông thường.
Thực tế cho thấy, cả Than Uyên, Bảo Thắng, và Văn Bàn dễ dàng tổ chức thành công việc tập huấn giáo viên online theo chuyên đề robot ảo, được các thầy cô gọi vui là robot “cá gỗ”, một phần vì trước đó họ đã tổ chức tập huấn lập trình với robot thật, hay robot “cá tươi”. Qua phát biểu của lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các buổi tập huấn giáo viên, có thể thấy, trong thời gian tới, cả ba huyện này sẽ quyết liệt triển khai việc xóa mù lập trình cho tất cả học sinh và giáo viên bằng robot ảo VEX VR.
Ngoài lợi ích dùng để xóa mù lập trình miễn phí thì khi ứng dụng robot ảo VEX VR, các giáo viên còn tích lũy được kinh nghiệm thực hành trong môi trường lớp học robot ảo, câu lạc bộ robot ảo, cuộc thi đấu lập trình robot ảo... Ở đây cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang thiếu kinh nghiệm quản lý giáo dục trong môi trường ảo nên những kinh nghiệm từ việc quản lý các lớp học robot ảo này là rất quý giá.
Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, dự báo con người sẽ sống “gắn bó” với hàng tỷ robot ở khắp nơi và ngôn ngữ giao tiếp giữa máy và người chính là ngôn ngữ lập trình. Như vậy, để thích ứng với thời đại, người Việt chúng ta cần biết ít nhất 3 ngôn ngữ - tiếng Việt, ngoại ngữ, và ngôn ngữ lập trình. Việc xóa mù lập trình quan trọng như vậy trong công cuộc chuyển đổi, nhưng hiện nay nhận thức về vấn đề này ở nhiều địa phương chưa thật rõ ràng, thể hiện qua các văn bản, kế hoạch triển khai chuyển đổi số. Một trong những nguyên nhân làm cho vấn đề này dường như bị bỏ ngỏ có thể là do ngành giáo dục và đào tạo ở nhiều nơi không nhìn ra các giải pháp khả thi, họ nghĩ rằng chúng tốn kém và khó triển khai.
Thực tế cho thấy hoàn toàn không phải như vậy. Chỉ với lòng nhiệt huyết cùng khát vọng tạo ra sự thay đổi, các cán bộ quản lý và giáo viên ở chính những nơi khó khăn nhất của vùng cao Tây Bắc đã có những thành công ban đầu để cả nước phải thừa nhận rằng vùng cao địa lý cũng là vùng cao về giáo dục STEM và chuyển đổi số.
Ấn tượng Mù Cang Chải
Trong 2 ngày 12 và 13/11/2022, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tổ chức Ngày hội STEM và thi lập trình robot toàn huyện lần thứ hai. Trước đó, huyện đã tổ chức Ngày hội STEM và thi lập trình robot lần đầu vào ngày 25/5, trước khi kết thúc năm học 2021-2022 đầy khó khăn do COVID-19.
Nếu như ở lần đầu, chỉ có 13 đội chia làm hai bảng tiểu học và THCS thì lần này có tới 32 đội. Đến nay, cả 23 trường tiểu học và THCS của toàn huyện đã được trang bị ít nhất 2 hộp robot giáo dục do được tài trợ hoặc tự mua, mỗi hộp có giá khoảng hơn 2 triệu đồng.
Điều quan trọng nhất là các giáo viên chuyên trách câu lạc bộ robot của cả 23 trường đều đã được tập huấn nhiều lần theo các hình thức trực tiếp và online.
Sang tháng tới, thầy trò huyện Mù Cang Chải sẽ bắt đầu chuyển sang học lập trình với robot ảo VEX VR của Mỹ, một công nghệ đẹp mắt và thú vị, chuyên dùng để xóa mù lập trình và hoàn toàn miễn phí.
Các thầy cô giáo ở đây sẽ không phải tập huấn gì thêm về lập trình robot vì đã biết cách làm và chỉ cần làm quen với giao diện của robot ảo VEX VR.
Trong khi đó, câu lạc bộ robot của Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải sẽ bắt đầu học lập trình với robot VEX IQ dành cho khối THCS. Robot trị giá 24 triệu đồng này do một nhóm các nhà hảo tâm mua tặng để tạo cơ hội cho các em tham gia cuộc thi đấu lập trình robot VEX IQ cấp quốc gia vào tháng 2/2023 do STEAM FOR VIETNAM tổ chức.
Mù Cang Chải lâu nay nổi tiếng với thắng cảnh Đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn; và giờ đây, năng lực STEM của các thầy cô và học sinh ở huyện miền núi này không khỏi khiến chúng ta bất ngờ. |