Kinh nghiệm nguyên thủy của Phan Ngọc trong cuộc tiếp xúc Pháp – Việt là những quan hệ xã hội của ông, trước hết, với những thành viên trong một gia đình có cha là vị quan lớn nhà Nguyễn nổi tiếng vì sự thanh liêm và học vấn cao, và với những người bạn học sau này đều là những trí thức nổi bật.
Sự tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam với Pháp - xuất bản lần đầu năm 2006, tái bản năm 2018 - hiện ra trước người đọc hiển nhiên như kết quả của một dự án nghiên cứu lâu dài của Phan Ngọc (1925 – 2020). “Để viết công trình này, tôi đã tiến hành thu thập tư liệu từ những năm 1960, bản thảo đã được viết trong nhiều năm” (tr. 7).
12 năm trước khi xuất bản chuyên luận trên, Phan Ngọc công bố tiểu luận 20 trang – có thể xét như đề cương sơ bộ cho quyển sách đang được bàn tới -
Sự tiếp xúc văn hóa của Việt Nam với Pháp trên tạp chí
Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á [thuộc Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, tiền thân của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam], cơ quan của ông lúc đó. Trong tiểu luận này, Phan Ngọc nêu ba đóng góp của tinh thần Pháp đối với người Việt, sau đã được ông đưa vào tác phẩm in năm 2006: 1) óc phân tích, 2) óc duy lý, 3) óc phê phán. Ba khuynh hướng tinh thần này đã đào luyện một số trí thức người Việt xuất sắc, góp phần chấm dứt chế độ thực dân của Pháp [1].
Sự tiếp xúc với văn hóa Pháp của các trí thức thuộc địa, dẫu vậy, không thể dễ dàng. Công trình Ba thế hệ trí thức người Việt của Trịnh Văn Thảo (1938), mà Phan Ngọc rất tán thành, đã phân loại các thế hệ dựa vào mức chấp nhận sự tiếp thu văn hóa Pháp. Thái độ của thế hệ đầu tiên, trưởng thành trong nửa sau thế kỷ XIX, khi Pháp xác lập sự thống trị tại Việt Nam, là bảo thủ. Thế hệ thứ hai, trưởng thành trong thập niên đầu của thế kỷ XX với những đại diện như Phan Bội Châu (1867 – 1940) hay Phan Chu Trinh (1872 – 1926), ở giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cải cách. Thế hệ cuối gồm những trí thức trưởng thành từ nửa sau của thập niên 1920, trong đó có thể xếp Phan Ngọc là một thành viên, lựa chọn Âu hóa, nhằm hiện đại hóa xã hội theo tinh thần Pháp [2]. “Văn hóa tự bó hẹp vào truyền thống là tự sát”, Phan Ngọc viết trong Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, xuất bản năm 1994, “[…] hình ảnh của văn hóa tự túc là các tộc người nguyên thủy dần mai một đi. Văn hóa là tiếp xúc văn hóa, là chấp nhận có nhiều văn hóa khác nhau cùng tồn tại ở một nơi và một người, một thế hệ phải lựa chọn cho thông minh để đổi mới không ngừng, tiến lên mà không bỏ mất bản sắc của mình” [3].
Phan Ngọc, xét vậy, giữ một vị trí đặc quyền: vừa là người tham dự vào cuộc tiếp xúc Pháp – Việt, vừa là một nhà nghiên cứu cố gắng diễn giải khách quan nó, giới hạn trong giai đoạn từ khi Pháp xâm lược tới năm 1940. “Người viết lựa chọn giai đoạn tiếp xúc văn hóa với Pháp, bởi vì giai đoạn này, một phần chính mình đã chứng kiến, thậm chí đã tham dự” (tr. 6).
Cường độ tham dự của Phan Ngọc – một người bẩm sinh cô đơn, ưu tư, ưa quan sát [4] – dẫu vậy không thể xem nhẹ. “Không một thế hệ nào trước chúng tôi ở Việt Nam cũng như trên thế giới mà lại trải qua nhiều kinh nghiệm sống như thế hệ chúng tôi […] thế hệ chúng tôi đều sống những thay đổi lớn lúc còn nhỏ” [5]. Ông một lần nữa nhắc về kinh nghiệm đặc thù của ông, thứ xa lạ với độc giả hôm nay. “Có nhiều người trong thế hệ trẻ chưa hiểu thế nào là chế độ thực dân, thế nào là mất nước, thế nào là cái nhục nô lệ, thế nào là áp bức bóc lột” [6].
Bài viết này vì vậy, thay vì bình luận về phẩm chất của một nhà nghiên cứu xuất sắc, được tỏ lộ trong công trình Sự tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam với Pháp, chuyển sự chú ý của người đọc tới sở nghiệm tiếp xúc văn hóa Pháp – Việt của Phan Ngọc trong 15 năm đầu đời của ông, nghĩa là giai đoạn 1925-40. Đây là thời thiếu niên của ông, nghĩa là trước khi ông xác định trở nên một trí thức, với tất cả bổn phận nặng nề và sự nghiệt ngã của vị trí ấy.
Có thể tiến hành một cách gần như nhất quán sự điều tra về sở nghiệm này của Phan Ngọc dựa trên điểm nhìn từ ngôi thứ nhất, với tài liệu gồm sự tự nhìn nhận của chính ông. Tại sao? Bởi vì ông từ nhỏ đã là “một cậu bé hiền khô, lẳng lặng, không chơi đùa, thường thích ngồi một mình” [7], sống cô đơn giữa gia đình, trường học, sau này là nơi làm việc, và “đi tìm một mình, đuổi theo những câu hỏi mà mình tự đặt ra cho mình” [8]. Phan Ngọc, một anh chàng duy lý với óc phê phán gay gắt, thành quả của cuộc tiếp xúc Pháp – Việt, như ông thường tự nhận xét, suốt đời học tập sao cho có thể hiểu được chính ông. “Càng nghiên cứu mình, tôi càng thấy điều nói ra chắc không ai tin, đó là tôi, với tính cách con người Việt Nam là một bài toán rất khó giải” [9]. Những phát biểu có tính chất phê phán của Phan Ngọc về chính ông ở mức khả tín cao, do đó đảm bảo hiệu lực cho cách làm của bài viết này.
Kinh nghiệm nguyên thủy của Phan Ngọc trong cuộc tiếp xúc Pháp – Việt là những quan hệ xã hội của ông, trước hết, với những thành viên trong gia đình, và sau đó ở trường học.
Ông là con trai duy nhất còn sống tới tuổi trưởng thành của Phan Võ, một vị quan lớn nổi tiếng vì sự thanh liêm và học vấn cao trong triều đình Nguyễn. Mặc dù ở địa vị cao, Phan Võ, trước chế độ thực dân của người Pháp, chia sẻ nỗi bất lực với những nhà nho cùng thế hệ, “một thứ Nho giáo không gặp thời và phần nào trái với thực tế” [10]. Ông, để phần nào ứng xử với nỗi buồn của mình, và nhất là sau khi người con trai cả nổi tiếng thần đồng yểu mệnh, dốc sức giáo dục Phan Ngọc về văn hóa Hán, nghĩa là yếu tố then chốt tạo nên bộ phận cổ điển trong cuộc tiếp xúc văn hóa Pháp – Việt, theo Trịnh Văn Thảo. Nhiều trí thức thuộc địa nổi tiếng quý trọng nhân cách và tài năng của Phan Võ đã tới nhà nói chuyện. Cậu bé Phan Ngọc, khi đó, được cha giao việc hầu trà nước, như một cơ hội quý để học từ một số người giỏi nhất thời đại. “Tôi có được may mắn sinh ra trong một gia đình khoa bảng, biết phần lớn các nhà nho nổi tiếng mà thế hệ của tôi có thể tiếp xúc được, đồng thời có một vốn chữ Hán đủ để hiểu các bác tôi nói gì, viết gì, thậm chí suy nghĩ gì mà không nói ra” [11]. Tại phòng sách của gia đình, năm 1940, Phan Ngọc đã gặp Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996), người thầy lớn trong sự nghiệp nghiên cứu của ông sau này. Ông kinh ngạc khi thấy Hoàng Xuân Hãn, người được đào tạo về khoa học tự nhiên chu đáo nhất thời thuộc địa, đồng thời uyên bác Hán học. “Tôi đứng nghe hầu trà, không hiểu gì hết, nhưng có một ấn tượng không thể quên được” [12].
Những quan hệ của Phan Ngọc với các bạn học tại Trường dòng Thiên Hựu, Huế, tiếp tục xây dựng nhân cách của ông, trên nền tảng quá trình xã hội hóa sơ cấp đã diễn ra tại gia đình. Ông kết thân với ba người sau này sẽ là trí thức nổi bật: 1) Từ Chi (1925 – 1995), con của một người hoàng phái; 2) Cao Xuân Hạo (1930 – 2007), thành viên của dòng họ khoa bảng danh tiếng Cao Xuân; 3) Nguyễn Khắc Dương (1925), con trai thứ của Nguyễn Khắc Niệm (1889 – 1954), bấy giờ giữ chức Phủ doãn Phủ Thừa Thiên. Bốn người đều thuộc các gia đình phục vụ triều đình Huế, do đó được hưởng một nền giáo dục đặc quyền vốn chỉ dành cho chủng sinh và con em của quan chức người Pháp. Ông ngạc nhiên khi tìm thấy ở Cao Xuân Hạo một nhà ngữ âm học bẩm sinh, sở hữu “tai rất tốt, và rất thạo cách bắt chước sao cho đúng với ngôn ngữ nước ngoài” [13] tới mức đã học được tiếng Pháp chỉ nhờ kết thân với một cậu bạn người Pháp. “Đời tôi [Phan Ngọc] chưa gặp một người thứ hai có năng khiếu này như anh” [14]. Dẫu vậy, người cha Cao Xuân Huy (1900 – 1983), cũng là một thầy giáo lớn của Phan Ngọc, rất thất vọng vì người con khi đó chỉ dừng lại ở thiên tài ngôn ngữ và cái học tài tử, vì ông muốn con kiên trì hướng tới sự thụ đắc triết học phương Tây, với tư cách thành tựu trí tuệ cao trong cuộc tiếp xúc Pháp – Việt [15].
Từ Chi, trái lại, thu hút Phan Ngọc ở tính cách bất cần, cùng cách tiếp thu văn hóa Pháp “quái đản”. Ông đánh bạn với đám trẻ tây, cũng rất nghịch, từ đó rất giỏi tiếng Pháp lóng. Kinh nghiệm này là tiền đề để ông sau này có thể trở nên, như đánh giá của Phan Ngọc, một người “viết một thứ tiếng Tây thoải mái, coi như là không viết”, “một trình độ tiếng Tây không mấy người viết được” [16], đối lập với thứ tiếng Tây hàn lâm của Cao Xuân Hạo. Từ Chi, đồng thời, rất ghét những gì tư biện, trừu tượng, chẳng hạn triết học, vốn được Phan Ngọc và cha của Cao Xuân Hạo rất coi trọng, nhưng say mê những gì cụ thể như nhạc và mỹ thuật phương Tây. “Từ có một sự giáo dục chu đáo và Tây phương hơn chúng tôi. Khi rảnh, cậu vào tu viện Cứu thế chơi hác-mô-ni-um, cậu tham dự các buổi hát kinh và được giáo dục về nhạc. Chiều thứ Năm nào cậu cũng theo thầy dạy vẽ là bác sĩ Phạm Đăng Trí lên các lăng tập vẽ” [17].
Những cuộc gặp với Nguyễn Khắc Dương chỉ được Phan Ngọc lướt qua, chưa bao giờ viết rõ, dường như vì lựa chọn chính trị sau năm 1945 của cả hai khác nhau. Nguyễn Khắc Dương, trong số ba người bạn của Phan Ngọc, là người cố gắng thực hiện triệt để thành tựu của cuộc tiếp xúc Pháp – Việt không phải bằng con đường ngữ âm như Cao Xuân Hạo, cũng không phải dân tộc học như Từ Chi, hay triết học như Phan Ngọc, mà bằng sự cải đạo sang Công giáo.
Phan Ngọc, khi đó, đã quan sát kỹ càng các hoạt động có hoặc không có chủ đích của ba người bạn thân, rồi trở lại với những câu hỏi của ông về việc sẽ sống và nghĩ như thế nào trong thời chuyển giao, ở đó ông vừa không thể bảo thủ tuân theo truyền thống vừa không thể ngây thơ đi theo sự Âu hóa. Thời điểm này dường như trùng với lúc ông bắt đầu đọc chu đáo các tác phẩm của Immanuel Kant (1724 – 1804), không phải chỉ vì kỳ thi Tú tài ban Triết học, nhưng như những buổi học với ông thầy lớn, người sẽ giúp ông đi vào truyền thống nhận thức luận phương Tây, từ đó lên đường tự tìm hiểu một cách nghiêm khắc về chính mình.
Những suy nghĩ lâu dài của Phan Ngọc khiến Trần Đức Thảo (1917 – 1993), trong năm 1952 tại Việt Bắc, kinh ngạc vì gặp được tại đây một Kantian cứng cựa [18]. Óc phân tích, óc duy lý, óc phê phán dường như đến với Phan Ngọc một cách ý thức từ việc đọc Kant, một kinh nghiệm cô đơn, dường như không thể chia sẻ được với ai trong thời thiếu niên. Kinh nghiệm đó của Phan Ngọc, ở một mức, không kém “quái đản” so với của ba người bạn thân của ông, từ đó có thể làm lộ ra sự phức tạp trong cách tiếp thu văn hóa Pháp của các trí thức thế hệ Âu hóa ở kích thước từng cá nhân./.
Tài liệu tham khảo[1] Phan Ngọc (2018). Sự tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam với Pháp. Omega+ & NXB Thế giới. tr. 123-24.
[2] Trịnh Văn Thảo (Lê Thị Kim Tân dịch, Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên) (2013). Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 – 1954). Từ Văn Books & NXB Thế giới. Hà Nội.
[3] Phan Ngọc (1994). Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á & NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội. tr. 53.
[4] Phan Ngọc (2017). “Con đường đi vào ngôn ngữ học của tôi”. in trong: nhiều tác giả (Nguyễn Thiện Giáp chủ biên). Lược sử Việt ngữ học. Vinabooks & NXB Tri thức. Hà Nội. tr. 901.
[5] Phan Ngọc (1997). “Những suy nghĩ của thế hệ cao tuổi”. in trong: Hội Cao tuổi Việt Nam. Tuổi già: mối liên quan giữa các thế hệ. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội. tr. 243.
[6] Như trên.
[7] Phan Ngọc (2017). tlđd. tr. 902.
[8] Phan Ngọc (2017). tlđd. tr. 901.
[9] Phan Ngọc (2000). Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học. NXB Trẻ. TPHCM. tr. 8.
[10] Phan Ngọc (1995). “Một con đường đi vào văn hóa học”. Văn nghệ số 26 (1850), tr. 4.
[11] Phim tài liệu “Học giả Phan Ngọc” (1998). Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
[12] Phan Ngọc (1996). “Thầy Hoàng Xuân Hãn và con đường khoa học của thầy”. Báo Khoa học & Phát triển số 43, 1996.
[13] Phan Ngọc (2007). “Một vài suy nghĩ về nhà ngữ âm học lớn nhất Việt Nam”. Văn hóa Nghệ An. Nghệ An.
[14] Như trên.
[15] Cao Xuân Hạo (2004). Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. NXB Trẻ. TPHCM.
[16] Nguyễn Trường Giang (2005). Phim tài liệu “Tu Chi - Ethnologist in Vietnam”.
[17] Phan Ngọc (1996). “Anh Từ Chi, con người ngoài lề”. in trong: Nguyễn Từ Chi. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội. tr. 596.
[18] Phan Ngọc (2017) tlđd. tr. 905.
Bài đăng số 1277-1279 (số 5-7/2024) KH&PT