Triết học về giáo dục của Alain đề cao nỗ lực rèn luyện tinh thần kiên nhẫn và có phương pháp của mỗi cá nhân trên con đường truy cầu sự thật.
Emile-Auguste Chartier (1868 – 1951) được biết đến nhiều nhất với bút danh Alain ký dưới các đoản luận (propos) đăng báo từ năm 1903. Cuộc đời của ông diễn ra hầu hết trong nền Đệ Tam Cộng hòa, tồn tại từ năm 1870, sau khi chính phủ của Louis Napoleon, cháu trai của Napoleon, thua nhục nhã liên minh Phổ. Trong 70 năm của nền Đệ Tam, chế độ chính trị dài thứ hai trong lịch sử Pháp kể từ Đại Cách mạng 1789, chỉ thua nền Đệ Ngũ hiện nay, các nhà trí thức Pháp đã suy tư theo nhiều hướng về sự đổi mới giáo dục, như sự phản ứng lại trước thất bại về quân sự của đất nước. Chính phủ Pháp đã thực hiện được hai cải tổ giáo dục quan trọng. Thứ nhất, giáo dục ra được tách khỏi quyền hành của nhà thờ để trở nên thế tục. Thứ hai, dưới áp lực của những cuộc đấu tranh có tổ chức của giai cấp công nhân khắp lục địa Châu Âu, chính quyền phải ban hành đạo luật năm 1881 và 1882 về giáo dục miễn phí và bắt buộc tại bậc phổ thông cho mọi công dân.
Ngay sau khi tốt nghiệp ngành triết học tại École Normale Supérieure – một thiết chế giáo dục tinh hoa, thuộc hệ thống grand école được hình thành từ thời Đệ Nhất Cộng hòa – và lấy chứng chỉ sư phạm vào năm 1892, ông bắt đầu dạy triết học tại các trường trung học cho tới nghỉ hưu ở tuổi 65. Sự nghiệp sư phạm của ông rất nổi tiếng thời đó trong vị trí professeur de khagne. Đây là chức danh không tìm thấy sự tương đương trong nền giáo dục Việt Nam, nhằm chỉ vị giáo sư của các học viên, từ khoảng 15 tới 20 tuổi, đăng ký học dự bị để thi vào các grands écoles. Các học viên của Alain phần nhiều là những thiếu niên mang thiên hướng về các ngành nhân văn, có ý chí theo đuổi đời sống tri thức, nhờ sự hậu thuẫn tài chính từ gia đình giàu có.
Nhiều học trò đã ghi nhận ông như một trong số ít những maître à penser (thầy dạy nghĩ) của thời đại [1]. Alain không chỉ giảng trực tiếp cho các học trò trên lớp, mà còn giáo hóa thông qua những bài đoản luận – thể loại văn mà ông tạo ra, thường được viết độc lập, hàng ngày, không dài quá 2.000 chữ – được đăng báo từ năm 1903, lúc ông 35 tuổi. Các đoản luận của Alain không giống các tiểu luận triết học thông thường, mà như thể ghi lại lời ông nói trong các bài giảng cho học sinh với những câu hỏi và cố gắng triển khai rạch ròi.
Năm 1932, Alain đã tập họp 87 đoản luận về chủ đề giáo dục để in thành tuyển tập Đoản luận về giáo dục. Quyển sách này là kết tinh quan niệm của ông về vấn đề giáo dục, đồng thời tiết lộ cho người đọc cách thức mà lớp học của ông đã diễn ra. Triết học về giáo dục của ông, đề cao nỗ lực rèn luyện tinh thần kiên nhẫn và có phương pháp của mỗi cá nhân trên con đường truy cầu sự thật, cũng đã được hiện thực hóa nơi cuộc đời các học trò cưng, trong đó ghi nhận nổi tiếng nhất là nhà văn André Maurois (1885 – 1967).
André Maurois là con trai của một gia đình Do Thái gốc Phổ, sở hữu một xưởng dệt lớn. Alain, dẫu biết sức học xuất sắc của Maurois, không muốn Maurois ứng tuyển vào các grands écoles như mình mà khuyên Maurois nên làm quản lý cho xưởng công nghiệp của gia đình. Sự rèn luyện tinh thần, làm tiền đề cho tiến trình truy tìm sự thật của mỗi cá nhân, theo Maurois sau này kể lại, không nên diễn ra trong những danh vọng mà ông chắc chắn sẽ đạt được nếu theo học các grands écoles. Lời dặn của Alain không hề mới, mà bắt rễ từ truyền thống những cuộc thao luyện tinh thần nghiêm ngặt tại Hy Lạp cổ đại, ở đó “philosophia” nghĩa là yêu sự thật. Con người không bẩm sinh có thể yêu sự thật, nhưng cần được giáo dục để đủ sức tự lực bước đi trên con đường mưu cầu sự thật bằng toàn bộ bản thể của mình. Các trường phái tại Hy Lạp cổ, dẫu khác nhau trong các câu trả lời về “sự thật”, đều đồng tình rằng triết học đòi hỏi nơi chủ thể của nó sự chuyển hóa từ một con người bình thường, bằng một cuộc đời khổ hạnh trong thời gian dài [2]. Alain do đó không thể không phản đối sự diễn giải thông thường về học thuyết Descartes, người thầy lớn của toàn bộ nền triết học Tây Âu hiện đại, đã phân chia tuyệt đối tinh thần và cơ thể. Alain khẳng định không thể tồn tại sự phân biệt ấy. Sự rèn luyện tinh thần nơi mỗi cá nhân chỉ khả thi đồng thời với tiến trình cải tạo cơ thể của anh ta. Người này, nói khác, tự nguyện hiến sinh toàn bộ bản thể của anh ta nhằm chuyển hóa chính mình. “Một người hoàn toàn không chủ ý, bằng thể dục, thay đổi bản tính” (đoản luận XXII, tr. 70). Công cụ cho phép các cá nhân rèn luyện tinh thần có phương pháp, dưới sự hướng dẫn của những người thầy nghiêm khắc, là sự giáo dục.
Alain, xét vậy, đòi hỏi học trò cưng Maurois hiện thực hóa triết học của mình. Maurois đã nghe lời Alain. Ban ngày, ông sống giữa những người lao động làm thuê trong xưởng dệt để hiểu sự đau khổ của con người và sự khắc nghiệt của thế giới. Buổi tối, ông rèn khả năng văn chương bằng cách ghi chép lại những sở nghiệm của mình, đồng thời chép tay các tiểu thuyết của Honoré de Balzac (1799 – 1850). Quá trình học nghề cần được diễn ra bền bỉ không phải trong trường lớp đã dự phóng sẵn sự thành công, mà trong đời sống hiện thực khắc nghiệt. Balzac, thần tượng của Alain, học việc từ sự lao động khốn khổ cùng những con người hiện thực ở các nghề nghiệp khiêm tốn thay vì ở trường học. “Một công việc bạc bẽo, không cho phép bạn tỏa sáng trong bất cứ buổi tối nào của mấy tay Sorbonne [3]. Nhưng kiên nhẫn nhé” (đoản luận XLV, tr. 139).
Maurois cần học nghề trực tiếp từ những người thầy nghiêm khắc bằng cách tự nguyện đặt cho mình sự ràng buộc là văn pháp trong các tiểu thuyết của Balzac, với tư cách thành tựu cao nhất của văn chương tư sản thế kỷ XIX. Việc chép lại các tiểu thuyết của Balzac, dẫu Maurois thực hiện không quá nghiêm ngặt, giống như những bài học thuộc lòng hay các bài tập về nhà mà thầy giáo áp đặt cho học trò, nhằm rèn luyện sự kiên nhẫn. Trí tuệ của một cá nhân được đào luyện không phải từ sự tùy tiện của những liên tưởng hay ham muốn nhất thời, nhưng từ sự kiên nhẫn hướng ý chí tới mục đích xa. Một tinh thần tự do, xét vậy, được hình thành và tái tạo trong những sự đối đầu liên tục với những ràng buộc – “Toàn bộ nghệ thuật dạy dỗ nằm ở chỗ cho trẻ chịu khó nhọc và vươn lên tới tình trạng người” (đoản luận V, tr. 20).
Alain đặt kỳ vọng rất lớn rằng Maurois cần làm sống lại thiên tài có một không hai của nước Pháp, Balzac, bằng cách viết tiếp bộ tiểu thuyết Vở kịch con người trong thế kỷ XX, thế kỷ biến động bậc nhất thời hiện đại, dẫu Maurois đã không làm được. Nói khác, Alain muốn Maurois thí nghiệm triết học về giáo dục của mình: thiên tài có thể được đạt tới trong tiến trình rèn luyện tinh thần lâu dài, kiên nhẫn và có phương pháp. Đức hạnh của con người không được tìm thấy trong khuynh hướng mộ đạo kito (một thành quả của nền giáo dục Pháp thời Đệ Tam), cũng không trong xuất thân của anh, nhưng từ một nỗ lực kiên cường. Khoảng thời gian dự bị cho nghề nghiệp của Maurois do đó kéo dài gần 15 năm, cho tới khi xuất bản tác phẩm đầu tay năm 1918, ở tuổi 33. Maurois nhiều lần định từ bỏ sự rèn luyện tinh thần một cách khổ hạnh theo triết học của Alain, nhưng luôn nhớ tới lời thầy dạy cùng những kỳ vọng thầy đặt lên ông. Những bài học của Alain dành cho chàng thiếu niên tuổi đôi mươi đã theo Maurois suốt cuộc đời. Tới khi đã trở nên một trí thức hạng nhất của Pháp, Maurois vẫn trìu mến nhắc tới lời thầy dạy trong các buổi thuyết trình ở nước ngoài và các bài viết: “Alain đã nói…” hay “Alain đã viết…” [4].
***
[1] George Steiner, Lessons of the Masters, Harvard University Press, 2005.
[2] Pierre Hadot (linh mục Đậu Văn Hồng dịch), Ca ngợi triết học thời cổ, TPHCM: Nhà sách Hoàng Mai và NXB Tôn giáo, 2015.
[3] Chỉ những người thuộc cộng đồng cựu học viên Đại học Paris, nghĩa là những người thành công trong xã hội thời đó.
[4] Các ghi nhận của André Maurois được lấy từ sách Các cuộc đời ngoại hạng của Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn: NXB Bạn trẻ, 1969.