“Rắc rối giới” (Gender Trouble) xuất hiện năm 1990, dù như Judith Butler nói, bà không nghĩ là cuốn sách sẽ được người ta quan tâm đọc đến, thực chất đã tạo nên một cú nổ lớn, một bước ngoặt trong giới học thuật, làm thay đổi cách tư duy của con người trong rất nhiều lĩnh vực.


Cuốn sách của Judith Butler do NXB Phụ nữ ấn hành. Ảnh: Linh Đỗ
Cuốn sách của Judith Butler do NXB Phụ nữ ấn hành. Ảnh: Linh Đỗ

Và đến nay, 32 năm sau khi cuốn sách ra đời, chúng ta đã được cầm trên tay phiên bản tiếng Việt. Việt Nam cũng có thể xem là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đã xuất bản bản dịch công trình quan trọng này [1].

Judith Butler sinh năm 1956 tại Cleveland, Ohio. Gia đình của mẹ bà chịu chung số phận với những người chết vì nạn diệt chủng của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Là một người đồng tính nữ, Butler công khai giới tính của mình năm 16 tuổi, và đã có nhiều trải nghiệm cay đắng về việc bị kỳ thị do biểu hiện giới của mình. Tất cả những điều này đều có tác động đến cách Butler nghĩ về áp lực đối với việc tuân thủ các quy chuẩn của xã hội theo cách được chấp nhận. Bà tham gia sôi nổi trong cả hoạt động học thuật lẫn các tổ chức đấu tranh bình đẳng giới cho những người không theo quy chuẩn giới thông thường, và trở nên đặc biệt nổi tiếng sau khi xuất bản Rắc rối giới. Vậy “rắc rối giới” được đề cập trong cuốn sách là gì?

Trong Lời tựa cho lần xuất bản đầu tiên (1990), Butler đã định nghĩa từ gây tranh cãi này: “Có lẽ rắc rối không cần mang giá trị tiêu cực như vậy. Gây rắc rối, trong diễn ngôn thống trị của tuổi thơ tôi, là điều ta không bao giờ nên làm chính vì nó sẽ khiến ta gặp rắc rối. Những hành động nổi loạn hình như luôn bị khiển trách theo kiểu luẩn quẩn này, một hiện tượng giúp tôi có cái nhìn phản biện tinh tường đầu tiên về mưu mẹo kín kẽ của quyền lực: luật lệ hiện hành đe dọa, thậm chí gây rắc rối cho ta, tất cả chỉ hòng tách ta ra khỏi “rắc rối”. Bởi vậy, tôi kết luận rằng rắc rối là tất yếu, và nhiệm vụ của chúng ta là gây rắc rối, là gặp rắc rối sao cho hiệu quả nhất”.

Trong cuốn sách, bà “gây rắc rối” bằng cách đặt câu hỏi, quan điểm có tính phân biệt, kỳ thị phụ nữ và dị tính luyến ái bắt buộc về giới ở phương Tây đương thời được hỗ trợ bởi các phạm trù nào?

Để trả lời câu hỏi này, bà sử dụng phương pháp phê bình phả hệ, như bà nói, không phải là đi tìm kiếm cội nguồn hay sự thật bên trong, mà là những gốc rễ đã thiết kế ra chúng, để rồi chất vấn các nền tảng khái niệm của giới tính/giới/ham muốn – hệ thống tạo nên tính đồng nhất của con người. Từ việc theo dấu con đường trong đó các hư cấu về giới thiết lập và lưu hành việc biến báo các sự thật tự nhiên, Butler chỉ ra, điều mà chúng ta tưởng là nguyên nhân thực ra chỉ là kết quả của các định chế, thực hành, diễn ngôn, mà điểm khởi nguồn của chúng khá đa dạng và tản mạn.

Từ góc nhìn của Sandra Lipsitz Bem [2], văn bản của Butler tạo ra ba sự đảo lộn, trái ngược với quan điểm truyền thống của văn hóa và khoa học phương Tây.

Một là quan điểm cho rằng chỉ có hai giới tính vừa trái dấu vừa hút nhau: một bên là nam, một bên là nữ, chúng tạo thành nền tảng sinh học để xây dựng nên văn hóa. Butler, thay vì đồng ý rằng đây là nguyên nhân của dị tính luyến ái bắt buộc và duy nhất, lại cho rằng đó chính là kết quả. Dị tính luyến ái bắt buộc đã sản xuất ra các giới tính này, chúng là các sản phẩm của văn hóa và lịch sử bị che giấu, khiến người ta nghĩ rằng chúng có trước xã hội, văn hóa và diễn ngôn.

Hai là, trong quan điểm của văn hóa phương tây, đặc biệt là một số nhánh của phân tâm học, đồng tính luyến ái là sự bắt chước dị tính luyến ái một cách thảm hại. Dị tính là cái tự nhiên, nguyên bản của tính dục; đồng tính là cái thứ cấp, mô phỏng. Trái lại, với Butler, mọi giới đều là diễn giới, theo nghĩa là sự mô phỏng những ảo tưởng về việc thế này là nam và thế kia là nữ. Cho nên, không có bản gốc, mà chỉ có các bản sao. Không những thế, dị tính cần phải có đồng tính để tự định nghĩa mình là bình thường, quy chuẩn, tự nhiên, nguyên gốc.

Ba là, trong quan điểm truyền thống của phương tây, những người không có sự hòa hợp, mạch lạc giữa giới tính/ giới/ ham muốn bị cho là không bình thường, kỳ dị, có bệnh, có vấn đề trong quá trình phát triển, và do đó cần phải được chỉnh sửa, cứu chữa, giúp chữa lành, hoặc làm cho ổn định. Đi ngược lại với quan điểm trên, Butler cho rằng những điều gọi là kỳ dị này bị định nghĩa là kỳ dị không phải vì chúng thực sự kỳ dị, mà vì hệ thống dị tính luyến ái bắt buộc đòi hỏi chúng phải bị định nghĩa như thế. Chúng tạo ra “ma trận khả niệm” và loại trừ hết các cấu hình không khớp với chuẩn, đẩy chúng thành cái khác, cái lệch lạc.

Những luận điểm đảo ngược này được Butler phân tích một cách đầy uyên bác, thuyết phục và gây bất ngờ. Cuốn sách vì thế có đóng góp và ảnh hưởng vô cùng lớn.

Công trình của Butler có thể xem là một sự can thiệp, chất vấn tất cả các khái niệm đang thịnh hành lúc bấy giờ, là cái mà các nhà nghiên cứu trong mỗi lĩnh vực dựa vào. Đặc biệt, sự phê phán của Butler với cái có thể được miêu tả là thuyết duy nền tảng thành kiến dị tính thực sự tạo nên một cú sốc lớn, làm thay đổi và tái định hình những gì lâu nay vẫn được cho là đương nhiên. Theo Shildrick Margrit, lý thuyết của Butler về tính đồng nhất biểu hành (performative identity) được miêu tả là “điều kiện không thể thiếu” (sine qua non) của nữ quyền luận hậu hiện đại [3], thậm chí, những ý niệm như thế đưa nữ quyền luận bước vào một lãnh địa mới [4]; còn theo Sara Salih, “Ngay cả những nhà tư tưởng không đồng tình với Rắc rối giới cũng phải thừa nhận rằng nó đã và tiếp tục có ảnh hưởng và tầm quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực” [5].

Ngày nay, các khái niệm, ý tưởng nền tảng đặt ra trong cuốn sách tiếp tục được bàn bạc, thông qua tiêu đề khá phổ biến của các bài báo như “Gender trouble in…” hoặc “Doing gender in…”, đằng sau chữ “in” này có thể là các địa điểm, từ châu Âu sang châu Á, từ Pháp đến Hồng Kông, hoặc các lĩnh vực học thuật. Không chỉ các nhà nghiên cứu giới quan tâm trích dẫn Butler, mà các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác cũng có thể tìm thấy ở công trình này những gợi ý thú vị: người làm dân tộc học thấy ở Butler những gợi ý để tìm hiểu đời sống của các cộng đồng thiểu số [6]; nhà tâm lý học xã hội thấy nếu tích hợp khái niệm tính biểu hành giới và rắc rối giới sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho các thực nghiệm [7]; nhà nghiên cứu chính trị thấy được khái niệm “bạo lực của quy chuẩn” (normative violence) được Butler trình bày trong Rắc rối giới rất hữu ích để đọc lại sự kiện khủng bố ngày 11/9 ở nước Mỹ [8]…

Về những ảnh hưởng của cuốn sách, Molly Fischer viết: Rắc rối giới “biến Butler thành một ngôi sao: Nó du nhập khái niệm tính biểu hành (performativity), một ý niệm cho rằng giới không phải thứ ta , mà là thứ ta liên tục làm, mở ra không gian ‘cho các cấu hình văn hóa của giới tính và giới được nở rộ’, như bà nói trong phần kết luận của cuốn sách ‘làm tiêu tan chính thuyết nhị nguyên về giới tính, và làm lộ ra tính không tự nhiên căn bản của nó’” [9].

***

[1] Trong bài viết “Đọc Rắc rối giới ở Đông Nam Á” (Reading Gender Trouble in Southeast Asia) nhân kỷ niệm 30 năm xuất bản Rắc rối giới, giáo sư Tamara Loos ở đại học Cornell có đề cập đến việc cuốn sách này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, bao gồm cả tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, nhưng chưa xuất hiện trong ngôn ngữ địa phương nào ở Đông Nam Á. Chi tiết xin xem: Tamara Loos, “Reading Gender Trouble in Southeast Asia”, The Journal of Asian Studies Vol. 79, No.4 (November) 2020: 927-946.

[2] Sandra Lipsitz Bem, “Dismantling Gender Polarization and Compulsory Heterosexuality: Should We Turn the Volume Down or Up?”, Journal of Sex Research, Vol. 32, No. 4, 1995, tr. 329-334.

[3] Shildrick Margrit, “Judith Butler”, in Stuart Brown, Dina Collinson và Robert Wilkinson biên tập, Blackwells Biographical Dictionary of Twentieth-Century Philosophers, Oxford: Blackwell, 1996, tr. 117-118

[4] Mc Nay Lois, “Subject: Psyche and Agency: The Work of Judith Butler”, Theory, Culture and Society 16 (2), 199, tr. 175-93

[5] Sara Salih, Judith Butler, Routledge, 2002, trang 43.

[6] Peter Hennen, “Fae Spirits and Gender Trouble: Resistance and Compliance Among the Radical Faeries”, Journal of Contemporary Ethnography, Vol. 33 No. 5, October 2004: 499: 533.

[7] Thekla Morgenroth và Mitchelle K. Ryan, “Gender Trouble in Social Psychology: How Can Butler’s Work Inform Experimental Social Psychologists’Conceptualization of Gender?”, Front. Psychol 9: 1320.

[8] Samuel A. Chambers, “Normative Violence after 9/11: Rereading the Politics of Gender Trouble”, New Political Science, Volume 29, Number 1, March 2007, tr. 43-60.

[9] Molly Fischer, “It’s Judith Butler’s World”, New York, June 13-26, 2016, tr. 40.