Nghiên cứu cho thấy tám xúc tu của bạch tuộc không di chuyển một cách ngẫu nhiên khi săn mồi. Với mỗi con mồi, chúng sẽ có một chiến thuật riêng.

Một con bạch tuộc hai đốm ở California săn một con tôm trong một cuộc thử nghiệm, tấn công bằng cánh tay thứ hai của nó. Nhà cung cấp hình ảnh: Phòng thí nghiệm Wardill, Đại học Minnesota
Một con bạch tuộc hai đốm California tóm lấy một con tôm bằng xúc tu thứ hai của nó. Ảnh: Phòng thí nghiệm Wardill, Đại học Minnesota

Trong chiếc bể nhỏ bằng kính, một con bạch tuộc nhẹ nhàng cuộn mình trong hang.

Các nhà khoa học thả một con cua vào bể. Con bạch tuộc cố gắng chồm mình về phía con cua, trông không giống một cỗ máy săn mồi tinh vi, mà có phần giống một đứa trẻ mới biết đi lẫm chẫm vừa phát hiện ra chiếc bánh quy ngon lành. Kế đó, con bạch tuộc vươn hàng loạt xúc tu, trùm phủ lấy con mồi có càng.

Cách săn mồi trên thoạt trông có vẻ lộn xộn; tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology, từng bước tấn công đều có thứ tự rõ ràng. Các nhà khoa học đã quan sát cách săn mồi của bạch tuộc và phát hiện sinh vật này hầu như luôn sử dụng xúc tu thứ hai tính từ giữa thân để tóm lấy con mồi; và khi cần hỗ trợ, chúng dùng xúc tu gần nhất với xúc tu trên. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng bạch tuộc dùng những chiến thuật khác nhau để săn các con mồi khác nhau: Chúng di chuyển và bắt cua bằng chiến thuật "nhảy dù"; còn với tôm - vốn nhanh nhẹn và nhạy cảm với các chuyển động, chúng sẽ vươn các xúc tu một cách rón rén.

Bạch tuộc dường như săn mồi bằng xúc giác nhiều hơn là bằng thị giác. Các nhà khoa học phát hiện chúng thường thăm dò cua và các con mồi khác hơn là săn đuổi chúng.

“Chúng lang thang quanh rạn san hô và suy đoán bằng cách thò xúc tu vào lỗ”, Trevor Wardill, giáo sư sinh thái học tại Đại học Minnesota, người nghiên cứu về tầm nhìn của bạch tuộc và các loài động vật chân đầu khác, cho biết. Ông đồng thời cũng là tác giả của nghiên cứu mới. (Động vật chân đầu là một lớp động vật thân mềm gồm mực ống, bạch tuộc, mực nang và ốc anh vũ. Lớp này bao gồm phần lớn các động vật sống dưới biển với đặc trưng là cơ thể đối xứng, phần đầu nổi bật, và có nhiều xúc tu được phát triển từ chân của các động vật thân mềm nguyên thủy).

Song đôi khi bạch tuộc cũng nhìn thấy một con mồi ngon lành, chúng lao đến và vồ lấy nó. Chứng kiến điều này, Tiến sĩ Wardill và Flavie Bidel, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ trong phòng thí nghiệm của ông, đã tò mò về cơ chế đằng sau cách thức săn mồi này, vì vậy họ cài một máy ảnh tốc độ cao xung quanh bể bạch tuộc, thả cua và tôm sống xuống để xem bạch tuộc sẽ làm gì.

Sau khi xem đi xem lại hàng trăm video về hành động săn mồi của bạch tuộc, họ nhận thấy một số chiêu thức được sử dụng thường xuyên. Chẳng hạn chiêu thức “nhảy dù” - bạch tuộc vồ và lấy thân của nó để bọc lấy con mồi, sau đó dùng các xúc tu đưa bữa tối vào miệng. Hoặc có thể kể đến chiêu thức “bẫy bắt mồi” - các xúc tu vươn ra hai bên như một cái gọng kìm xung quanh con mồi.

Nguồn: The New York Times

Ngoài ra, bạch tuộc còn có một thao tác nhỏ kì lạ khi chúng săn tôm, các nhà khoa học gọi đó là thao tác “vẫy tay".

Nếu một con tôm cảm nhận được có chuyển động trong vùng nước quanh nó, nó sẽ búng đuôi và phóng ra xa. Trong video, những con bạch tuộc vươn một xúc tu về phía trước, vẫy nhẹ nhàng, trước khi quấn chặt quanh râu của con tôm và lao vào để giết. TS. Wardill suy đoán rằng chuyển động như làn sóng này có thể là cách để lừa cảm biến của tôm: Tôm sẽ tưởng rằng có rong biển nhấp nhô gần đó, điều này giúp che giấu sự hiện diện của bạch tuộc.

Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến việc bạch tuộc có xu hướng sử dụng xúc tu thứ hai tính từ giữa cơ thể của chúng, ở phía đối diện với con mồi, để bắt đầu một cuộc tấn công. “Tôi nghĩ trong não của bạch tuộc có một hệ thống phân cấp" nhằm kiểm soát thứ tự cử động của các xúc tu, TS. Wardill dự đoán.

Các xúc tu của bạch tuộc “cực kỳ linh hoạt", ông nói thêm, chúng có khả năng sắp xếp các bước chuyển động một cách đa dạng, tưởng chừng như ngẫu nhiên. Nghiên cứu cho thấy mỗi xúc tu đóng một vai trò cụ thể trong quá trình săn mồi. Song chúng chuyển động quá nhanh, và xoáy nước đã che khuất từng bước chuyển của chúng, khiến mắt thường không thể nhận biết nếu không theo dõi lại bằng camera tốc độ cao.

Để hiểu những gì đang xảy ra trong não và các xúc tu của bạch tuộc, nhóm nghiên cứu dự định sẽ theo dõi hệ thần kinh của con vật khi nó bắt đầu săn mồi. Bộ não có sắp xếp các xúc tu theo từng nhóm cụ thể hoặc theo một thứ tự nhất định không? Bạch tuộc có phản ứng khác nhau theo từng mức độ ánh sáng không?

Đối với Tiến sĩ Wardill, Tiến sĩ Bidel và các đồng nghiệp của họ, câu trả lời vẫn ở phía trước; họ sẽ phải thực hiện rất nhiều thí nghiệm nếu muốn giải đáp những câu hỏi này.

Nguồn: