Nguyễn Thiệu Lâu thể hiện bản thân là một sử gia thực chứng, thích đi thực địa để khám phá tài liệu và viết các tiểu luận về các vấn đề và nhân vật trong lịch sử Việt Nam.


Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967). Nguồn: INT

Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967) thuộc thế hệ trí thức trưởng thành thời Pháp đô hộ Việt Nam. Ông cưới vợ năm 20 tuổi, được nhà vợ là thương gia ở phố Hàng Đường chu cấp du học Pháp bậc cử nhân, hoàn thành năm chứng chỉ về 1) Lịch sử hiện đại và đương đại, 2) Địa lý học kinh tế, 3) Địa lý học, 4) Địa lý thuộc địa, 5) Văn chương Pháp.

Ông về nước năm 1939, do gia đình lo ngại Thế chiến II, được bổ làm giáo sư trường Khải Định ở Huế, được mời vào vị trí phụ tá về lịch sử - địa lý cho Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, và cộng tác với tạp chí Thanh Nghị ở Hà Nội.

Trong bài Muốn được một bộ sử đúng mà đọc đăng Thanh Nghị số 61, năm 1944, Nguyễn Thiệu Lâu thể hiện bản thân là một sử gia thực chứng (positivist historian), một khuynh hướng sử học thịnh ở Pháp lúc bây giờ, để đưa ra nhận định về tình trạng của sử học Việt Nam: vẫn đang ở giai đoạn làm sử liệu, chưa thể đi tới sự điều tra rốt ráo từng vấn đề thuộc từng thời đại. Do đó Nguyễn Thiệu Lâu thích đi thực địa để khám phá tài liệu và viết các tiểu luận về các vấn đề và nhân vật trong lịch sử Việt Nam, đăng rải rác trên các báo và tạp chí.

Sau khi Nguyễn Thiệu Lâu tuyệt thực đến chết vào năm 1967 do chán chường thời cuộc và bản thân ốm yếu, con trai ông - Nguyễn Thiệu Quang - và bạn ông - nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu (1911 – 1995) - đã tập hợp một số tiểu luận viết từ năm 1942 đến năm 1962 làm thành cuốn Quốc sử tạp lục, hiểu như các tiểu luận về nhiều đề tài trong lịch sử Việt Nam. Các tiểu luận này không được Nguyễn Thiệu Lâu chủ ý phân loại, nhưng được Nguyễn Thiệu Quang và Lê Văn Siêu chia làm năm phần: Quan điểm viết sử của tác giả, Ký ức của tác giả, Khảo sử (gồm hai chương: Việc bang giao và Việc trị nước), Danh nhân lịch sử, và Phụ lục.

“Quốc sử tạp lục” là cuốn sách duy nhất được xuất bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu. Nguồn: NN
“Quốc sử tạp lục” là cuốn sách duy nhất được xuất bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu. Nguồn: NN

Sự cẩn trọng và khách quan, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, cựu chủ bút tập san Sử Địa ở Sài Gòn từ năm 1966 tới 1975, là hai nét nổi bật nhất trong các công trình của Nguyễn Thiệu Lâu được in trong tác phẩm này. Nguyễn Nhã cũng gọi Nguyễn Thiệu Lâu là một “tài năng nghiên cứu”, người “nỗ lực đặt những viên đá đầu tiên, khơi ra những vấn đề còn ít người quan tâm thời bấy giờ”.

Sách được Khai trí xuất bản lần đầu năm 1969 và được Nhã Nam tái bản vào cuối năm 2018. Tác phẩm của Nguyễn Thiệu Lâu, như Nguyễn Thiệu Quang cho biết, vẫn còn rải rác nhiều nơi. Lần tái bản của Nhã Nam đã chú ý tìm thêm các tác phẩm của ông: bổ sung 9 tiểu luận vào phần Danh nhân lịch sử và Phụ lục, đồng thời đưa vào Phụ lục ảnh bản scan không đầy đủ hai tác phẩm Một chương trình điều tra địa lý kinh tếĐại cương địa lý kinh tế Việt Nam đăng trên Độc lập, tạp chí ra hằng tháng của Đảng Dân chủ Việt Nam, số 9 và số 10 năm 1949.

Trong phạm vi bài viết này, tôi lựa chọn phân tích một tiểu luận được đặt ở phần Phụ lục - Một trong những tội nặng mà vua Lê Thánh Tôn đã muốn trị: Sự loạn luân của người Mường, Mán. Đây là không phải tiểu luận duy nhất Nguyễn Thiệu Lâu phân tích các sự kiện quá khứ trên phương diện xã hội học, nhưng là tiểu luận duy nhất ông đi ra khỏi các chủ đề thống trị sử học thực chứng như ngoại giao, chính trị, để điều tra về một phương diện của đời sống thường ngày: hôn nhân.

Trong thời gian cai trị từ năm 1460-1497, vua Lê Thánh Tông (hay Lê Thánh Tôn theo cách gọi ở thời Pháp thuộc) đã ban điều luật thứ 24, được Trần Trọng Kim trích dịch trong Việt Nam sử lược: “Các dân thường [sic, chữa lại là “Mường”], Mán ở ngoài bờ cõi, nên giữ lời di huấn, không được trái đạo luân thường như cha, anh, chú, bác đã chết thời con, em không được chiếm những thê, thiếp. Nếu mà trái phép thời sẽ trị tội rất nặng.” Nguyễn Thiệu Lâu không phân tích điều luật của vua Lê Thánh Tông. Ông đi tìm cái lí của sự kiện hôn nhân này ở xã hội Mường, Mán.

Thứ nhất, Nguyễn Thiệu Lâu không sử dụng các phạm trù quen thuộc để chỉ trích sự kiện xã hội này, mà coi đây là một sự kiện xã hội bình thường. Cuộc hôn nhân giữa con trai với thiếp của cha, chú hay bác là một trong nhiều hình thức hôn nhân đã tồn tại. Friedrich Engels, trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884) đã viết về loại hôn nhân này: trong một số giai đoạn và điều kiện cụ thể, người đàn bà là sở hữu của cả đại gia đình nhà chồng. Nhiều người đàn ông trong gia đình nhà chồng – con, cháu, anh em ruột của người chồng – có quyền sở hữu, quan hệ tình dục với người đàn bà. Nguyễn Thiệu Lâu không đi ra ngoài quỹ đạo của Engels khi phân tích: người đàn bà là một sở hữu thuộc về đại gia đình nhà chồng. Nguyễn Thiệu Lâu lưu ý thêm: người Mường, Mán không tồn tại hình thức hôn nhân nội tộc: anh trai – em gái; em trai – chị gái; cha – con gái, cháu gái,… Người Mường, Mán tránh hình thức hôn nhân nội tộc bởi vì người đàn bà được đại gia đình mua về là người ngoài.

Nguyễn Thiệu Lâu sử dụng tiếp phương pháp so sánh để nêu vấn đề tại sao người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ không cho phép hình thức hôn nhân trên của người Mường, Mán. Ông sáng suốt nhận thấy khuôn phép luân lý Nho giáo là lý do quá đơn giản để giải thích. Vì một chính sách của chính quyền không hoạt động thuần túy trên mặt văn bản, do đó sẽ có tác dụng chỉ khi phù hợp với điều kiện sinh hoạt, kinh tế của xã hội ấy. Không chỉ luân lý Nho giáo khuôn ép người dân Việt đồng bằng Bắc Bộ mà chính điều kiện sinh hoạt, kinh tế của họ phù hợp để thực hiện các chính sách có tính chất Nho giáo ấy. Cách lập luận xã hội học cho phép Nguyễn Thiệu Lâu tiếp tục loại bỏ lý do thuộc tâm lý học cá nhân (như ham muốn quan hệ tình dục) trong hiện tượng được vua Lê Thánh Tông gọi là sự loạn luân ở người Mường, Mán. Vì vậy Nguyễn Thiệu Lâu tìm câu trả lời bằng cách so sánh điều kiện sinh hoạt và kinh tế của người Việt ở đồng bằng và người Mường, Mán.

Điều kiện vật chất của người Mường, Mán không phát triển bằng người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Công cụ sản xuất còn thô sơ nên cần nhiều lao động trong một quãng thời gian nhiều hơn để hoàn thành một công việc. Gia tăng dân số là điều bắt buộc với cả hai xã hội, và càng gay gắt hơn với các xã hội Mường, Mán. Yêu cầu gay gắt này buộc phải dựa vào khả năng tái sản xuất sinh học của người phụ nữ, nghĩa là người phụ nữ phải mắn đẻ, có sức đề kháng bệnh tật và sức sinh tồn mạnh mẽ. Dựa vào quan sát cá nhân, Nguyễn Thiệu Lâu - người có kinh nghiệm tham dự đời sống của người bản địa: “Tôi đã sống với đồng bào Mán ở Thái Nguyên, Tuyên Quang và tôi cũng đã ở qua nhiều miền Mường và Thổ” (tr. 506) - cho biết sức sinh sản của phụ nữ Việt ở đồng bằng Bắc Bộ so với phụ nữ ở các xã hội Mường, Mán là rất cao. Gia đình Việt ở đồng bằng dù nghèo đói, trẻ em vẫn đông đúc; trong khi ông cho biết đã ở những làng Mường, Mán “gần như không có trẻ con” (tr. 507).

Một giả thuyết làm việc của Nguyễn Thiệu Lâu là hẳn tỷ lệ tử vong ở trẻ em Việt ở đồng bằng Bắc Bộ không cao bằng trẻ em ở khu vực người Mường, Mán sinh sống. Giả thuyết này được tiếp tục bằng một giả thuyết khác về tình trạng phụ nữ Mường, Mán sẩy thai thường xuyên hơn. Những điều kiện vật chất cụ thể nào làm cho phụ nữ Mường, Mán dễ sẩy thai, khó có thai (“nhiều đàn bà có chồng mà suốt đời không chửa”, tr.507), hoặc đẻ thiếu tháng làm con khó nuôi? Nguyễn Thiệu Lâu đi ra khỏi khuôn khổ của sự giải thích thuần túy xã hội học để giả định nguyên nhân nằm ở động lực chi phối bản thân các xã hội là địa lý - khí hậu ở những vùng người Mường, Mán sinh sống được coi là độc so với ở đồng bằng.

Càng khan hiếm lao động, các xã hội Mường, Mán càng cần tạo ra các quy tắc để tăng lượng nhân lực. Giả thuyết xã hội học trên của Nguyễn Thiệu Lâu có cơ sở nếu tham chiếu những trường hợp ông kể, hẳn là quái đản trong cách nhìn của người Việt ở đồng bằng: người đàn ông ưa thích những người phụ nữ chửa hoang để tận dụng nguồn lực sinh học, hay người vợ không ghen tuông với người vợ lẽ mà chỉ mong chồng có nhiều con đặng có thêm nhân lực khai khẩn các vùng đất rộng.

Nguyễn Thiệu Lâu buộc phải dừng bài tiểu luận của mình ở đó, do chưa đủ các dữ liệu để tiếp tục. Dẫu sao, đây là một cố gắng rất sớm để thiết lập sự so sánh về lí do của sự khác nhau giữa các hình thức hôn nhân ở các xã hội khác nhau trong quá khứ mà hiện giờ cùng thuộc về một quốc gia. Ông đã cố gắng không sử dụng các phạm trù thuộc xã hội mình đang sống để áp đặt lên sự giải thích các xã hội khác. Xét vậy, hai đóng góp về mặt phương pháp đó của Nguyễn Thiệu Lâu có thể vẫn có giá trị đối với người đọc ngày nay.