Từ những tranh cãi trong quan niệm về việc nuôi con bằng sữa mẹ đến các cuộc thảo luận về đồ chơi phát triển tư duy, việc nuôi dạy con thời trung cổ cũng đầy rẫy những bối rối và hoang mang như thời hiện đại
Ước tính có khoảng 30% trẻ sơ sinh được sinh ra ở châu Âu thời trung cổ đã qua đời trước sinh nhật đầu tiên và hơn 20% không thể sống đến tuổi trưởng thành. Đối với một số gia đình, con số còn cao hơn: 7 trong số 16 người con của Vua Edward I chết trước sinh nhật lần thứ 7, trong khi mẹ của thánh Catherine thành Siena sinh ít nhất 23 người con, nhưng chỉ có tám người sống đến tuổi trưởng thành. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tử vong cao như vậy là do trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, mắc các bệnh như sởi và tiêu chảy. Khi khai quật một nghĩa trang của người Siena từ đợt bùng phát dịch hạch năm 1383, các nhà khảo cổ học phát hiện 88% nạn nhân của bệnh dịch hạch là trẻ em.
Do đó, người trung cổ hết sức quan tâm đến việc chăm sóc trẻ em - những sinh linh cực kỳ nhạy cảm và cần được đối xử đặc biệt. Theo cách hiểu về cơ thể thời trung cổ, sức khỏe dựa trên sự cân bằng của bốn chất dịch (máu, đờm, mật đen và mật vàng), và bệnh tật là kết quả của việc mất cân bằng thể dịch. Trẻ nhỏ có đặc tính nóng và ẩm ướt, và những đặc điểm này cần được duy trì nhưng không được gia tăng. Điều này có nghĩa là môi trường của trẻ phải được kiểm soát cẩn thận, vì các yếu tố như không khí và môi trường, chế độ ăn uống, giấc ngủ, vận động, bài tiết và cảm xúc, đều ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của trẻ. Vì lý do này, trẻ phải được bảo vệ khỏi những cơn gió lạnh, được dỗ dành và ngủ đủ giấc. Trên tất cả, trẻ phải được cung cấp một chế độ ăn uống phù hợp, có thể nhận thấy điều này qua nội dung các văn bản thời trung cổ về trẻ sơ sinh - thường đề cập đến thức ăn, và đặc biệt là cách cho con bú.
Theo bác sĩ Aldobrandino, ở thànhSiena vào thế kỷ 13, sữa mẹ luôn là lựa chọn tốt nhất, “bởi vì đây là nguồn dưỡng chất khi trẻ còn trong bụng mẹ, và sau khi trẻ ra khỏi bụng mẹ, sữa sẽ trở lại bầu ngực như ban đầu"' (Ngoại trừ sữa được tiết ra ngay sau khi sinh – trong khi y học hiện đại chú trọng nhiều đến lợi ích của sữa non, các bác sĩ thời trung cổ sợ rằng cơn đau đẻ làm hỏng sữa này). Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất quan trọng nhất, vì vậy người trung cổ cho rằng sữa mẹ không đạt chất lượng sẽ khiến chất dịch trong cơ thể trẻ mất cân bằng, từ đó dẫn đến các loại bệnh như hủi, động kinh.
Quá trình cho con bú cũng hình thành tính cách của đứa trẻ, không chỉ vì trẻ có thêm nhiều thời gian gắn bó với mẹ, phát triển mối quan hệ thân thiết. Tính cách của mẹ, cả tốt và xấu, được cho là sẽ truyền qua sữa của cô. Một người mẹ ngoan đạo, khôn ngoan sẽ sinh ra những đứa con ngoan đạo, khôn ngoan - và đứa con của một bà mẹ say rượu hoặc khờ khạo sẽ đi theo vết xe đổ của mẹ nó.
Cũng tương tự như bây giờ, “chín người mười ý", các bà mẹ thường nhận được nhiều lời khuyên về chế độ ăn cho trẻ và mẹ. Hầu hết các tác giả viết sách đều đề xuất giờ ăn cho trẻ ăn cách đều nhau (có thể ít nhất là hai hoặc ba lần một ngày). Trong số những thực phẩm người mẹ không được ăn có hành, thịt vịt, cá nước ngọt, trái cây và rượu mạnh - tất cả những thứ này sẽ làm cơ thể nóng lên, làm hỏng máu và do đó làm hỏng sữa.
Trong hai - ba năm đầu đời, trẻ bú sữa mẹ và đồng thời ăn thêm các loại thức ăn khác. Trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm vào thời điểm mọc chiếc răng đầu tiên. Thức ăn dặm thích hợp gồm bánh mì (được mẹ/y tá nhai sẵn hoặc ngâm trong nước có vị ngọt), cơm nấu chín kỹ và thịt gà xay nhuyễn. Các nhà khoa học thậm chí còn phát hiện bằng chứng cho thấy đôi khi những đứa trẻ đã được cho uống rượu - và với lượng đủ lớn đến mức bác sĩ người Đức ở thế kỷ 15 Bartholomäus Scherrenmüller đã thảo luận về việc một y tá nên làm gì “nếu cô ấy không thể giúp đứa trẻ cai rượu”. (Câu trả lời là cho uống rượu trắng pha loãng.) Không phải ai cũng nghĩ đây là một sáng kiến hay, một số nhà chức trách tuyên bố rằng không bao giờ được cho trẻ dưới 4 tuổi uống rượu, thứ khiến chúng bị đau và sốt. Thật khó để biết trẻ em thời trung cổ được cho uống bia rượu với tần suất thế nào, nhưng trường hợp của Agatha, sống ở Salisbury vào thế kỷ 13, cho thấy quả thực điều đó có xảy ra. Khi cạn sữa, cô đã cho cậu con trai nhỏ uống bia suốt một tuần, sau đó cô đến cầu nguyện tại ngôi mộ của Thánh Osmund, và sữa của cô đã tiết trở lại một cách thần kỳ.
Phát triển tư duy của trẻ
Khi đứa trẻ đã bú no, nó thường muốn ngủ, và một đứa trẻ thời trung cổ thường ngủ trong nôi. Quan niệm bấy giờ cho rằng trẻ nhỏ không nên ngủ chung với mẹ, vì người mẹ có thể chèn lên cơ thể mong manh của đứa con. Nôi không chỉ ngăn ngừa những tai nạn như vậy mà còn cải thiện sức khỏe của trẻ, bởi việc đung đưa nhẹ nhàng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Nhưng không nên đưa nôi quá mạnh, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não, từ đó khiến trẻ khờ khạo đi. Các nhà văn thời trung cổ thường nhấn mạnh rằng trẻ sơ sinh có cơ thể mềm mại, tựa như sáp.
Cuộc tranh luận về việc nên để yên cho bé khóc hay nên dỗ không phải chỉ mới khởi sự gần đây, mà thực chất đó là vấn đề kinh điển từ xưa. Một số chuyên gia y tế thời trung cổ gợi ý rằng nên để trẻ khóc một lúc trước khi bú; điều này giúp trẻ thải ra những chất thừa độc hại có thể cản trở quá trình tiêu hóa. Nhưng những người khác lại lo lắng rằng hoạt động khóc lóc sẽ lãng phí hơi thở, và nhìn chung cần duy trì trạng thái cân bằng cảm xúc cho em bé, những người chăm sóc không nên làm trẻ sợ hãi.
Có nhiều bằng chứng cho thấy các bậc cha mẹ thời trung cổ đã cố gắng hết sức để nuôi dạy con cái. Bác sĩ người Ý ở thế kỷ 15 Michele Savonarola khuyên phụ nữ hãy chơi đùa với con của họ, những gợi ý của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ: treo một đồ vật thú vị lủng lẳng để trẻ dõi theo nó bằng mắt, nắm tay trẻ đưa qua đưa lại và cù trẻ; hoặc nâng trẻ dậy và nhẹ nhàng nhấc trẻ lên. Môi trường lý tưởng với trẻ là môi trường với những kích thích tích cực, chẳng hạn như những bức tranh thú vị và tấm vải đầy màu sắc, và mặc dù còn rất ít đồ chơi trẻ em thời trung cổ còn sót lại giữa tàn tích khảo cổ, nhưng chúng ta biết rằng đôi khi cha mẹ buộc những chiếc lục lạc vào nôi.
Giống như chúng ta ngày nay, các bậc cha mẹ thời trung cổ bận tâm đến việc dạy nói cho con, mặc dù một số phương pháp của họ nghe có vẻ lạ đời. Một phương pháp phổ biến để phát triển khả năng nói là xoa miệng, đặc biệt là nướu, bằng bơ và mật ong. Theo các chuyên gia lúc bấy giờ, điều này sẽ khuyến khích sự phát triển của răng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nói. Ngoài ra, nên hát cho trẻ nghe và nói chuyện với trẻ, lặp lại những từ cơ bản như “mama” và “papa”.
Trong một cuốn bách khoa toàn thư thế kỷ 13, ông Bartholomew người Anh mô tả cách các y tá thì thầm và giả vờ ngọng nghịu theo trẻ để giúp chúng nói chuyện, mặc dù không phải ai cũng tán thành cách làm này. Ngài ThomasElyot, một nhà giáo dục thời kỳ đầu ở vương triều Tudor, mô tả đó là một thói quen của “những người phụ nữ dại dột”. Nội dung cũng như tính chính xác của cuộc trò chuyện rất quan trọng, và Matteo Palmieri, nhà nhân văn người Florentine ở thế kỷ 15, đã lên án những bậc cha mẹ bật cười khi con nhỏ nói lời tục tĩu hoặc báng bổ, và dạy trẻ sơ sinh có những cử chỉ thô lỗ với mẹ chúng. Việc trẻ sẽ học theo các hành động xấu xa thay vì lời hay ý đẹp vẫn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh cho đến tận bây giờ.
Nguồn: