Khi nhắc tới bảo tàng, hẳn nhiều người trong chúng ta nghĩ tới những món đồ mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa hay nghệ thuật. Song, thế giới bảo tàng phong phú vô cùng. Mời bạn đọc ngó qua những bảo tàng với các chủ đề lạ lùng cùng hiện vật kỳ quái.
Bảo tàng dương vật Iceland, Reykjavik, Iceland
Bảo tàng này trưng bày hơn 217 dương vật và bộ phận dương vật của hơn 93 loài động vật có vú khác nhau. Mẫu vật lớn nhất ở đây tới từ con cá nhà táng, dài 183cm, nặng 63kg, đây chỉ là phần đầu của dương vật cá voi, họ không thể vận chuyển nguyên vẹn bộ phận này về, nguyên bản nó dài 4,87m và nặng 317,51kg.
Một số mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng dương vật Iceland.
Ý tưởng cho bảo tàng kỳ quặc này nảy ra trong một đêm vào năm 1974, khi người sáng lập là Sigurður Hjartarson, một giáo viên lịch sử và tiếng Tây Ban Nha , ngồi uống cùng đồng nghiệp. Ông kể cho họ về chuyện hồi bé được cho pín bò làm roi xua động vật ra đồng cỏ ăn mỗi ngày. Nghe thế, một đồng nghiệp đã hứa tặng cho ông một chiếc roi như vậy, vì gia đình của giáo viên đó có một nông trại. Đây là khởi đầu cho bộ sưu tập. Vào lúc ấy, giáo viên làm thêm việc ở nông trại hay các ngành liên quan tới động vật là chuyện thường. Họ đã tặng cho Hjartarson các dương vật của cừu và cá voi. Ông liền bắt đầu học cách bảo quản. Từ từ, bộ sưu tập lớn dần lên, dẫn ông tới suy nghĩ thu thập dương vật của tất cả các loài ở Iceland và mở một bảo tàng để trưng bày.
Bảo tàng nghệ thuật xấu Brookline và Somerville, Massachusetts, Mỹ
Lucy in the Field with Flowers – bức tranh mở ra Bảo tàng nghệ thuật xấu
Đây là bảo tàng duy nhất trên thế giới dành cho các tác phẩm nghệ thuật xấu xí dưới mọi hình thức. Hành trình của nó bắt đầu vào năm 1994, khi người buôn đồ cổ Scott Wilson tìm thấy một bức tranh bị vứt bỏ trong thùng rác —Lucy in the Field with Flowers — và đem khoe với bạn bè, họ đã gợi ý ông lập một bảo tàng để trữ những món đồ như thế. Từ đó, Wilson thu thập thêm một vài tác phẩm xấu lạ và trưng bày ở nhà một người bạn. Bộ sưu tập này hấp dẫn đông đảo du khách tới tham quan, và thế là Wilson dời chúng tới một tầng hầm trong nhà hát cộng đồng ở Dedham, Massachusetts. Khi tòa nhà này bị rao bán, ông liền chuyển tới rạp chiếu film Somerville, nằm sau dãy nhà vệ sinh nam. Nếu những bảo tàng nghệ thuật thông thường với các tác phẩm xuất sắc khiến bạn cảm thấy thật bất tài, thì khi tới đây bạn sẽ thấy tự tin hơn hẳn về năng khiếu mỹ thuật của mình đấy!
Bảo tàng bồn cầu quốc tế Sulabh New Delhi, Ấn Độ
Bồn cầu ngụy tranh thành chồng sách
Bạn đã bao giờ muốn tìm hiểu về toàn bộ quá trình phát triển của bồn cầu trong suốt chiều dài lịch sử loài người? Nếu câu trả lời là có, xin mời bạn tới Ấn Độ để ghé thăm bảo tàng Sulabh. Tại đây trưng bày các mẫu vật trong hơn 4.500 năm qua. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng tất cả, từ cái bô đơn giản cho tới các bệ ngồi được trang trí tinh xảo thời Victoria, thậm chí ở đây còn có một bồn cầu ngụy trang thành chồng sách.
Bảo tàng Sulabh được thành lập vào năm 1992, người sáng lập là bác sĩ Bindeshwar Pathak, một nhà hoạt động xã hội tích cực. Mục tiêu của ông khi lập ra bảo tàng này là để nhấn mạnh sự cần thiết của nhu cầu vệ sinh sạch sẽ ở quốc gia này, khi nhìn vào những món đồ tượng trưng cho nỗ lực của biết bao thế hệ ở khắp nơi trên thế giới kể từ thiên niên kỷ III TCN.
Bảo tàng tóc Avanos, Avanos, Thổ Nhĩ Kỳ
Bảo tàng tóc Avanos thuộc sở hữu của ông Chez Galip, một nghệ nhân gốm, và được trưng bày trong một căn hầm.
Nếu có bảo tàng trưng bày thứ dị hơn bồn cầu, dương vật và tranh xấu, thì đó hẳn là bảo tàng tóc Avanos ở Thổ Nhĩ Kỳ, do thợ gốm Chez Galip lập ra. Nơi đây là một bộ sưu tập khổng lồ các lọn tóc thu thập được từ hơn 16.000 phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, kèm theo ghi chú về tên tuổi và thông tin liên hệ. Một điều kỳ quái nữa về bảo tàng này là nó nằm trong một hang động nhỏ tối tăm.
Câu chuyện về bảo tàng Avanos bắt đầu vào năm 1979, khi một cô gái Pháp tới Cappadocia để tham gia xưởng gốm của Galip. Cô gái và anh chủ gốm đã nảy nở tình cảm trong ba tháng cô ở đây. Thế rồi, khi tới lúc phải về nước, cô đã cắt một lọn tóc và treo nó trên bức tường của xưởng làm tưởng niệm. Một thời gian sau, khi các khách hàng tới đây nghe được câu chuyện này, họ đã rất xúc động và cũng gửi lại tóc, Galip đều chấp nhận. Và bảo tàng được hình thành như thế.
Bảo tàng Các mối tình tan vỡ Zagreb, Croatia
Bảo tàng thất tình là một dự án nghệ thuật được thành lập bởi một cặp đôi đã chia tay, bà Olinka Vistica và ông Drazen Grubisic, vào năm 2006. Năm 2010, công trình nhận giải thưởng EMYA Kenneth Hudson cho dự án bảo tàng đột phá và táo bạo nhất châu Âu.
Ảnh: Happy Bean Sprout.
Năm 2006, vào lúc kết thúc mối quan hệ dài 20 năm, Olinka Vištica và Dražen Grubišić đã phân chia các món đồ đạc mà cả hai cùng sở hữu. Khi tới một con thỏ nhồi bông thì cả hai bất đồng ý kiến, bởi đây là biểu tượng cho quãng thời gian họ hạnh phúc bên nhau. Khi một người về nhà, người kia sẽ mang con thỏ ra chào đón. Khi một người đi du lịch hay công tác, họ sẽ mang con thỏ trắng theo cùng và chụp ảnh với nó tại các địa điểm tham quan. Hai người đi tới quyết định rằng sẽ lập ra một nơi để những người với trái tim tan vỡ có thể gửi kỷ vật tới lưu trữ. Đây chính là xuất phát điểm của bảo tàng với cái tên đong đầy đau thương này.
Ban đầu, Vištica và Grubišić đã kêu gọi bạn bè quyên góp và tổ chức triển lãm di động. Sau khi dự án kết thúc, họ vẫn nhận được sự chú ý cao độ, mọi người trên toàn thế giới gửi về vật lưu niệm cùng câu chuyện về món đồ. Thế là họ quyết định mở bảo tàng ở Zagreb, thủ đô của Croatia. Các du khách tới đây tham quan sẽ được xem các món đồ thường thấy như nhẫn, trang phục, quà tặng ngày Valentine, hay một số thứ kỳ lạ khác như còng tay màu hồng lót bông, một quả dưa hấu bằng gỗ.
Ngoài ra, đây còn là nơi lưu trữ những món đồ mang nặng ý nghĩa, ví dụ như một chiếc dù là kỷ vật sau khi người yêu của một phụ nữ qua đời trong tai nạn nhảy dù.
Một trong những hiện vật gây xúc động nhất ở đây là chiếc chân giả do một cựu binh Croatia gửi tặng, ông đã chiến đấu để giành độc lập cho đất nước này từ Nam Tư. Song, lệnh trừng phạt thời đó khiến ông khó có được chi giả, nhưng một nhân viên tại Bộ Quốc phòng đã tìm cách kiếm đủ vật liệu để ông có thể lần nữa đứng lên bằng hai chân. Chuyện tiếp theo diễn ra như một cuốn tiểu thuyết: chàng quân nhân bất hạnh và vị cứu tinh nảy nở tình cảm. Buồn thay, chiếc chân giả còn tồn tại lâu hơn mối quan hệ.
Cho tới nay bảo tàng đã nhận được hơn 4.000 hiện vật.
Bảo tàng mỳ ramen ăn liền Momofuku Ando Osaka, Nhật Bản
Bên trong Bảo tàng mỳ ăn liền Momofuku Ando.
Bảo tàng này được lập ra nhằm tôn vinh Momofuku Ando và sáng tạo ẩm thực của ông. Tại đây trưng bày số liệu tiêu thụ mỳ ăn liền trên toàn thế giới (hằng năm có hơn 100 tỷ gói mỳ được sử dụng), cũng như các hộp mỳ sặc sỡ từ đủ mọi thương hiệu. Các du khách tới bảo tàng còn có cơ hội tự làm ra cốc mì của riêng mình: chọn một trong bốn loại nước xúp, bốn trên 12 nguyên liệu, và thế là cốc mỳ của riêng bạn đã sẵn sàng thưởng thức rồi!
Momofuku Ando là người đã phát minh ra gói mỳ ăn liền đầu tiên trên thế giới: Ramen gà vào năm 1958. Đây là thành quả sau cả năm trời đơn độc nghiên cứu, mỗi đêm chỉ ngủ có bốn tiếng của ông. Năm 1971, sau một chuyến đi tới Mỹ, ông quan sát thấy các nhân viên siêu thị bẻ Ramen gà ra, cho vào một cái cốc, đổ nước sôi vào rồi ăn bằng nĩa. Đây chính là cảm hứng để Ando nhận ra rằng cách thức ăn chính là chìa khóa để khiến mỳ ăn liền trở thành món ăn phổ biến trên toàn cầu, và mỳ cốc đã ra đời như thế. Nhưng Ando không dừng lại ở đây. Vào năm 2005, ở tuổi 94, Ando đã nghĩ ra ramen không gian, một loại ramen có thể ăn được trong môi trường không trọng lực. Cũng trong năm này, Soichi Noguchi trở thành phi hành gia đầu tiên ăn mỳ ăn liền trong không gian. Bốn năm sau, Noguchi mang theo chúng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Bảo tàng Ký sinh trùng Meguro Tokyo, Nhật Bản
Bảo tàng Meguro sẽ là nơi bạn tận mục sở thị các loài sán dây, chấy rận, cùng vô số loại ký sinh trùng khác mà chắc chắn bạn chưa từng nghe thấy. Tại đây có hơn 60.000 ký sinh trùng khác nhau, đại diện cho khoảng 1.500 loại. Trong số này có 300 ký sinh trùng được trưng bày trong các bình thủy tinh ngâm formalin, đôi khi có kèm cả vật chủ bị nhiễm nữa. Một trong những mẫu vật nổi bật nhất ở đây là con sán dây dài nhất thế giới. Con sán được phát hiện trong ruột một người đàn ông Nhật Bản. Ông đã ăn một miếng cá hồi sống nhiễm trứng sán dây, thứ có kích cỡ nhỏ hơn một hạt gạo. Trong ba tháng tiếp theo nó đã phát triển tới mức dài 8,8m.
Người đàn ông không may chính là bác sĩ Satoru Kamegai, người sáng lập ra Bảo tàng Ký sinh trùng Meguro. Bác sĩ Kamegai bắt đầu hành nghề từ sau Thế chiến II. Thời đó các hệ thống nước sạch và vệ sinh bị tàn phá, đẩy hàng triệu người trên khắp Nhật Bản bị nhiễm ký sinh trùng. Trong quá trình chữa trị, ông đã thu thập các con ký sinh trùng từ bệnh nhân. Năm 1953, ông mở một bảo tàng nhỏ để trưng bày các phát hiện này nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Nguồn: time, japan-experience, thenewyorktime,
theculturetrip, theguardian