Khi con người lần đầu tiên đặt chân đến đảo Madagascar cách đây khoảng 1.500 năm, họ gặp hàng loạt loài vật đặc biệt sẽ tuyệt chủng sau này như vượn cáo to bằng khỉ đột, rùa cạn khổng lồ, hà mã tý hon và loài chim không biết bay cổ dài thân hình đồ sộ lang thang trong những khu rừng trên đảo và đẻ trứng có kích thước lớn nhất trong số động vật có xương sống, bao gồm khủng long, theo Smithsonian.com. |
Trứng của Aepyornis, hay chim voi, là nguồn thức ăn có giá trị cao đối với cư dân định cư trên đảo Madagascar. Với khối lượng tương đương 150 quả trứng gà, một quả trứng chim voi có thể nuôi nhiều gia đình. Con người cướp phá tổ chim voi, góp phần đẩy chúng đến bờ tuyệt chủng. Ngày nay, loại trứng chim này còn lưu lại rất ít, có chưa đến 40 quả được bảo quản ở các viện bảo tàng.Do đó, nhân viên ở Bảo tàng Khoa học Buffalo ở New York, Mỹ, rất phấn khởi khi tìm thấy một quả trứng chim voi nguyên vẹn lẫn trong bộ sưu tập quy mô ở đây.
Bảo tàng Khoa học Buffalo tích lũy bộ sưu tập trong hơn một thế kỷ và đang trong qua trình cập nhật danh mục, một số đồ vật triển lãm mới chỉ được lưu tên trên thẻ và sổ cái. Trong khi nhập dữ liệu ở danh mục vào hệ thống máy tính của bảo tàng, Paige Langle, quản lý bộ sưu tập động vật học, mở hộc tủ đã lâu chưa có người xem qua. Bên trong hộc tủ là một quả trứng màu kem khổng lồ. Quả trứng dài 30,5 cm, có chu vi 71 cm và nặng hơn 1,4 kg. Nó được dán nhãn là mô hình.
Tuy nhiên, Langle lập tức nghi ngờ bởi quả trứng trông quá thật so với một mô hình. "Tôi thử nâng nó lên, nhưng càng nhìn kỹ bề mặt vỏ trứng và cảm nhận trọng lượng của nó, tôi càng nghĩ đây chắc chắn là trứng thật", Langle chia sẻ.
Langle đã đúng. Tìm kiếm kỹ hơn trong các bộ sưu tập, Langle phát hiện một bản mô phỏng trứng chim voi là mô hình thực sự. Sau đó, nhân viên bảo tàng xem xét trong kho và tìm thấy ghi chép chỉ ra bảo tàng đã mua một quả trứng chim voi cận hóa thạch từ nhà cung ứng mẫu vật nhồi bông ở London năm 1939. Họ cũng tìm thấy lá thư do quản lý bảo tàng viết lúc đó liệt kê những đồ vật khác nhau mà ông muốn mua để phục vụ triển lãm về các loài chim, trong đó có trứng chim voi.
Nhân viên bảo tàng gửi mẫu vật tới Đại học New York, Buffalo, để chụp X-quang và giám định. Các chuyên gia bảo tồn không chỉ xác nhận quả trứng là thật mà còn nhận định nó đã được thụ tinh. Họ có thể phân biệt túi noãn hoàng và cho biết những mảng màu trắng cho thấy một con chim non đang thành hình.
Kathryn Leacock, giám đốc bảo tàng hy vọng mẫu vật mới tìm thấy sẽ hữu ích đối với các chuyên gia quan tâm đến chim voi. Loài chim to lớn này có một số mẫu vật. Mẫu vật lớn nhất cao ba mét và nặng khoảng 454 kg. Chim voi tuyệt chủng tương đối nhanh sau khi con người tới Madagascar. Con chim voi cuối cùng được trông thấy ở thế kỷ 17.