Hai ngày trước khi quân Đồng Minh tuyên bố đánh bại Đức Quốc Xã chấm dứt Thế Chiến II, một tàu ngầm công nghệ cao của Đức đã xuất phát từ Đan Mạch để thực hiện một nhiệm vụ bí mật.
Đó là chiếc U-boat XXI, được mệnh danh là tàu ngầm hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ với khả năng vận hành êm ái đến kinh ngạc, di chuyển siêu nhanh và có thể đi từ Châu Âu đến Nam Mỹ mà không cần phải nổi lên. Tuy vậy, tất cả những công nghệ ấy cũng đã không thể cứu con tàu thoát khỏi việc bị nổ tung và chìm xuống dưới đáy biển trong một cuộc đột kích của không quân Anh vào hôm 06/05/1945.
Con tàu mang số hiệu U-3523 đã bị nhấn chìm xuống đáy biển Bắc trong suốt 73 năm qua. Và tuần vừa rồi, các nhà khoa học tại Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Biển Jutland ở Đan Mạch đã phát hiện thấy những mảnh vỡ của nó trong tình trạng bị chôn vùi một nửa. Một số dấu hiệu khác cũng cho thấy con tàu đã bị đạn đại bác bắn theo đường chéo. Phát hiện này là một khám phá đặc biệt hiếm hoi, theo các nhân viên tại bảo tàng.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành quét (scan) đáy khu vực xung quanh biển Bắc và eo biển Skagerrak (nằm giữa Đan Mạch và Na Uy ), và kết quả ghi nhận đã tìm thấy hơn 450 mảnh vỡ – theo tuyên bố của bảo tàng. Trong số đó, 12 mảnh là từ tàu ngầm – 9 do người Đức tạo ra và 3 mảnh còn lại là của người Anh.
“Đó là chiếc tàu ngầm hiện đại nhất mà người Đức từng chế tạo hồi Thế Chiến II”, Gert Normann Anderson – Giám đốc Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Biển – phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với báo Kristeligt Dagblad. Được biết,“chỉ duy nhất 2 trong tổng số 118 chiếc là được đưa vào phục vụ.”
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy U-3523 trong tình trạng bị chôn vùi một nửa và nằm cách Skagen (Đan Mạch) 10 hải lý về hướng bắc. Mũi của con tàu dài khoảng 76 mét đã đâm thẳng xuống đáy biển sâu, nằm cách 120 mét so với mực nước biển, trong khi thân tàu gần như dựng đứng với đuôi nằm cách đáy biển khoảng 20m.
Theo thông tin từ Viện Bảo tàng, con tàu cùng với 58 thủy thủ đã biến mất không rõ tung tích sau vụ oanh tạc. Nhiệm vụ của nó khi ấy, cho đến nay vẫn luôn là điều bí ẩn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu suy đoán rằng quân Đức đã sử dụng nó để đào thoát một cách an toàn sau khi bị buộc phải đầu hàng tại Đan Mạch, Hà Lan và vùng Bắc nước Đức. Chính công nghệ pin hiện đại được trang bị trên con tàu đã giúp nó có khả năng lặn sâu dưới nước trong nhiều ngày liền, và trở thành một phương tiện chạy trốn hoàn hảo – Anderson nhận định.
Sau khi kết thúc chiến tranh, các chỉ huy cao cấp của Đức Quốc Xã (trong đó có Hitler), được cho là đã bỏ trốn tới Nam Mỹ bằng một chiếc tàu ngầm tương tự. Rất nhiều chiếc tàu nguyên bản của loại 118 XXI đã được phát hiện và bị tháo rời sau đó, trong khi vẫn còn vô số chiếc khác mất tích.
Xem Video:
Thế Hải (Theo Live Science)