Sáng 23/04/2018, Công nương Catherine xứ Cambridge đã cùng Hoàng tử William chào đón đứa con thứ ba, một bé trai kháu khỉnh, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Công chúng không chỉ nóng lòng mong chờ hoàng tử bé được đặt tên, mà còn sôi nổi bàn luận về vị trí của cậu trong danh sách kế vị ngai vàng.
“Công nương đã hạ sinh quý tử vào lúc 11:01 (giờ địa phương), cân nặng 8lbs 7oz (khoảng 3,8kg). Công tước William xứ Cambridge đã cùng có mặt để đón sự chào đời của cậu bé. Cả hai mẹ con Công nương đều hoàn toàn khỏe mạnh” - thông cáo trước Cung điện Buckingham.
Từ thuở xa xưa, việc kế vị ngai vàng ở nước Anh, cũng như tại các nước quân chủ lập hiến khác ở châu Âu, thường được dựa trên chế độ trưởng nam – người con trai đầu lòng của vua và hoàng hậu sẽ được chỉ định thừa kế vương vị, đất đai và tất cả các tài sản khác thuộc về hoàng gia. Chế độ này đem lại một số lợi ích cho hoàng tộc, đó là giúp cho đất đai được giữ nguyên vẹn và sinh ra lợi nhuận. Trong nhiều xã hội nông nghiệp, việc chia nhỏ đất đai thành nhiều phần có thể sẽ khiến cho một gia tộc đang ngày càng đông đảo sẽ không được chu cấp đầy đủ, dẫn đến kiệt quệ tài chính.
Đối với hoàng gia Anh hiện thời, ngôi báu sẽ được truyền từ Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị sang Thái tử Charles, và người kế vị tiếp theo sẽ là con trai cả của Charles – hoàng tử William, đương kim Công tước xứ Cambridge.
Do sự phá vỡ truyền thống xa xưa, người con trưởng (sinh năm 2013) của William và Kate sẽ là người kế vị tiếp theo, bất kể đó là nam hay nữ. Kate đã sinh hạ một cậu quý tử – Hoàng tử George, anh trai của Công chúa Charlotte – con thứ hai. Vì vậy, cậu con trai mới sinh sẽ đứng sau cả Charlotte trong danh sách kế vị ngai vàng.
Sự thay đổi này đã được phê chuẩn vào năm 2011 khi lãnh đạo 16 quốc gia thành viên Khối Thịnh vượng chung Anh họp bàn về danh sách kế vị ngai vàng truyền thống tại Perth (Úc). Cuối cùng, các nhà lãnh đạo đã bỏ phiếu chấp thuận việc sửa luật lệ truyền thống để con gái và con trai có quyền kế vị bình đẳng. Trước đây, con gái chỉ được thừa kế ngai vàng khi vua và hoàng hậu không có con trai.
Ngoài ra, một điều luật khác tồn tại từ lâu đời cũng bị bác bỏ trong năm 2011 khi quy định nếu người kế vị ngai vàng lấy một tín đồ Công giáo Roma thì sẽ bị tước quyền thừa kế. Điều luật này đã bắt nguồn từ cuộc xung đột tôn giáo kéo dài hàng thế kỷ, từ thời vua Henry VIII. Ông này đã ly khai khỏi Giáo hội Công giáo La Mã (Roma) vì muốn ly dị vợ mình – Hoàng hậu Catherine, và cưới Anne Boleyn. Nhưng vì Quốc vương còn có nhiệm vụ dẫn dắt giáo hội Anh, cho nên đến tận hôm nay, người theo Công giáo La Mã không thể lên làm vua.
Trong 1 cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 1994, Thái tử Charles đã gây náo động hoàng tộc khi tuyên bố ông muốn được mọi người coi như là một “người bảo vệ đức tin”, không phân biệt Công giáo hay các tôn giáo khác.
Bên cạnh đó, nước Anh cũng từng duy trì chế độ con trai út được thừa kế đất đai và tước vị của cha mẹ. Chế độ này đôi khi được xem như một sự bù đắp đối với người con út khi phải giành thời gian tại gia lâu nhất để phụng dưỡng cha mẹ lúc về già – thường được áp dụng ở các nước Châu Âu thời Trung Cổ và một số triều đại tại Nhật Bản.
Nhìn chung, chế độ trưởng nam và chế độ con trai út kế vị thường hiếm gặp vì tương đối hà khắc. Trong hầu hết các trường hợp, tất cả mọi người thừa kế, cả nam lẫn nữ đều được chia đất đai, tước vị và các tài sản khác, ngay cả khi họ không thể nắm giữ vương miện hoàng gia.