Trong “Phúc âm của loài cá chình”, Patrik Svensson mở ra cánh cửa bước vào thế giới của một giống loài xuất hiện cách đây 40 triệu năm, được coi là “Chén Thánh” của khoa học, nhưng những gì ta biết về chúng chỉ là phần nhỏ và mới được khám phá trong thế kỷ qua.

Cuốn sách tập trung vào loài cá chình châu Âu (Anguilla Anguilla) mà những hoài nghi về việc nó xuất phát từ đâu cũng như sinh sản bằng hình thức nào đã ám ảnh nhiều nhà khoa học và các vĩ nhân từ hàng nghìn năm nay.

Bằng các dẫn chứng có sự liên kết đa ngành và đa lĩnh vực, Svensson dắt người đọc vào lịch sử khám phá cá chình, từ lúc Aristotle và Linnaeus nghĩ rằng cá chình là loài tự sinh (spontaneous generation) từ bùn, cho đến khi có bằng chứng giải phẫu của nhà khoa học người Ý Carlo Mondini về trứng và các cơ quan sinh sản của cá chình cái. Sigmund Freud lúc đang là thực tập sinh của ngành y khoa và chưa đến với ngành phân tâm học, cũng từng cố gắng mở “hộp Pandora” về loài cá chình nhưng thất bại. Mọi thứ chỉ thật rõ ràng cho đến khi Johannes Schmidt, một nhà khoa học Thụy Điển, tìm ra địa điểm sinh sản cũng như giao phối của giống loài này chính là vùng biển Sargasso, gần phía đông bắc Cuba và Bahamas.

Theo những gì đã phát hiện được đến nay, cá chình có bốn quá trình biến thái (metamorphosis) trong vòng đời của mình. Những con trưởng thành đến một thời điểm nhất định sẽ từ những vùng nước ngọt trở lại vùng biển Sargasso để tiến hành sinh sản ra những sinh vật chỉ dài vài milimet với cơ thể dẹt, gần như trong suốt, và đôi mắt kém - được gọi là ấu trùng Leptocephalus.

Sau khi vượt Đại Tây Dương để đến vùng biển châu Âu, chúng sẽ từ từ lớn lên rồi trở thành dạng thức thứ hai, được gọi là “cá chình thủy tinh”. Trong giai đoạn này, thân mình của chúng vẫn gần như trong suốt và dài từ 5 đến 7 cm, có phần trơn nhẵn. Khi đến được đây, chúng thường ngược lên thượng nguồn sông suối, dần dần thích nghi môi trường nước ngọt, và trải qua quá trình thứ ba, để trở thành loài “cá chình vàng” với thân giờ dài như rắn với đầy cơ bắp cường tráng, mạnh mẽ.

Dù vậy, đến một lúc nào đó, thường là khi đã sống khoảng 15 đến 30 năm, cá chình hoang dã thình lình quyết định sinh sản. Ở giai đoạn này, nó bắt đầu tìm đường trở lại biển cả, và cùng lúc, trải qua lần biến thái cuối cùng trong cuộc đời, để trở thành “cá chình bạc”. Đây là giai đoạn các cơ quan chuyên về sinh sản bắt đầu xuất hiện. Dễ thấy, quá trình từ một ấu trùng đến khi bắt đầu sinh sản của loài cá chình hoàn toàn ngược lại với loài cá hồi.

Từ những điều trên có thể khẳng định cá chình châu Âu không sinh ra từ bùn như Aristotle từng nghi ngờ; và Freud sở dĩ thất bại vì những con cá mà ông tìm thấy mới chỉ ở dạng biến thái thứ ba, chưa đến thời điểm chúng sinh sản, vì vậy ông không thể thấy được tinh hoàn hay các đặc trưng của con đực.

“Phúc âm của loài cá chình” được xuất bản lần đầu ở Thụy Điển vào năm 2019 và vừa được xuất bản ở Việt Nam vào đầu năm nay. Ảnh: ĐTA
“Phúc âm của loài cá chình” được xuất bản lần đầu ở Thụy Điển vào năm 2019 và vừa được xuất bản ở Việt Nam vào đầu năm nay. Ảnh: ĐTA

Một số câu hỏi cơ bản về cá chình đã được lý giải, thế nhưng câu hỏi vì sao chúng lại chọn vùng biển Sargasso để tiến hành sinh sản, vì sao chúng lại nhớ được quãng đường di chuyển gần 8.000 km từ các dòng sông ngọn suối của châu Âu để đến bờ kia của Đại Tây Dương, cũng như thời điểm trở về biển cả… vẫn còn thách thức và chờ thêm lý giải hợp lý.

Cá chình châu Âu được ví như “Chén Thánh” của ngành khoa học. Bản thân Johannes Schmidt - người đặt nền móng cho việc giải mã loài cá chình - cũng từng nói rằng, “Tôi nghĩ, nhìn từ góc độ của sự thú vị thì lịch sử cuộc đời của loài cá chình khó có thể bị vượt qua bởi loài nào khác trong Vương quốc Động vật” (tr.106). Thực vậy, sinh vật này đóng một vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh liên quan đến đức tin, tôn giáo và cả lịch sử.

Đào sâu vào một số nền văn hóa, Svensson cho ta thấy nhiều niềm tin có phần đối nghịch tồn tại xung quanh cá chình. Nếu Ai Cập cổ coi đây là loài ác quỷ có nhiều quyền năng sánh ngang các vị Thần và cấm kỵ ăn bởi là hiện thân của Thần Atum nửa người nửa cá, là cha của các vị Thần và Pharaoh; thì người La Mã lại coi cá chình có phần dơ bẩn và gớm ghiếc vì nó được tìm thấy gần các cống thải.

Sử sách cũng ghi lại rằng dưới triều vua Augustus, cá chình được nuôi như một biện pháp mang tính tra tấn: người bị phạt sẽ bị quăng vào bể chứa những con cá đói và chúng sẽ dần rỉa xác nạn nhân. Ngược lại, trong The Story of Food (Câu chuyện thực phẩm) của Nhà xuất bản DK, có một chi tiết đề cập việc cá chình châu Âu từng được nuôi dưỡng để làm thực phẩm cho các bữa tiệc của Julius Caesar!

Ngoài ra, bởi thức ăn của cá chình bao gồm cả xác chết, đôi khi nó được gắn với điềm gở. Dù văn hóa Địa Trung Hải coi nó đại diện cho sự hồi sinh vì sức sống bền bỉ, thì trong văn chương, nó là điềm báo cho cái chết hay vận xui - như có thể thấy trong tác phẩm của nhà văn Đức Günter Grass và nhà văn Pháp Boris Vian.

Không chỉ gắn những quan niệm, niềm tin hoàn toàn đối lập, cá chình còn đóng vai trò như một di sản văn hóa của vùng Bắc Âu, thể hiện bản sắc địa phương thông qua ẩm thực cũng như kiến thức về nghề đánh bắt được truyền qua nhiều thế hệ.

Về mặt lịch sử, đối với những người Thanh giáo Thế kỷ 17 khi đi từ Cựu Thế giới sang Tân thế giới, thì “món quà” đầu tiên mà Tisquantum – thành viên bộ lạc Patuxet bản xứ - ban cho những người mới đến cũng là cá chình. Vì thế trong thời gian dài, đây là linh vật trong các câu chuyện thần thoại nước Mỹ. Nhưng do ngoại hình có phần trơn trượt khó mà được xem là biểu tượng oai hùng, cũng như vị thịt của nó không ngon, mà kể từ thế kỷ 19, cá chình không còn được ăn và linh vật trong Lễ tạ ơn cũng chưa khi nào là loài cá này.

Là một ký giả của tờ nhật báo Sydsvenskan (Thụy Điển), Svensson trong cuốn sách này không cố đưa ra những kiến giải mới. Bởi ông lập luận nếu hiểu biết khoa học về loài sinh vật đã tồn tại 40 triệu năm này mới chỉ được khám phá trong thế kỷ qua, thì những bí ẩn chưa thể giải đáp chính là điều mà loài cá này mong muốn giấu khỏi con người, vì thế nên được trân trọng.

Thay vì “đuổi cùng giết tận” những con cá chình với nhiều mục đích, từ nhân giống, nghiên cứu hay là thưởng thức một loài sinh vật được "thần thoại hóa” qua nhiều thế kỷ…, thì theo Svensson, điều nên làm là đứng nhìn chúng ở khoảng cách xa, coi những bí ẩn về chúng là bất khả lý giải, và chấp nhận những bí ẩn đó như một phần bản chất của sinh vật này.

Bên cạnh tổng hợp những nguồn thông tin vô cùng dồi dào, Svensson chọn cách khám phá lại những con cá chình bằng chính ký ức học đánh bắt với cha mình. Đó là những buổi đi câu khuya, những ngày leo trèo bờ suối nhiều lần… hay những trò trẻ con như câu cá trộm và nhổ nước bọt lên mồi câu để lấy may. Và trong hành trình tìm lại ký ức, tác giả đã “tìm thấy” người cha giấu mình sau sự im lặng, giải mã được và thấu hiểu ông.

Cũng nhờ lối viết xen kẽ giữa tổng hợp thông tin và các hồi ức mà Phúc âm của loài cá chình có được nét độc đáo khác lạ trong dòng sách khám phá thế giới tự nhiên.