Việc băm chặt có thể khiến mỗi chiếc thớt thải ra hàng chục triệu vi hạt mỗi năm.
Hầu hết thớt được làm từ cao su, tre, gỗ hoặc nhựa. Theo thời gian, những dụng cụ này bắt đầu có vết cắt và đường rãnh do việc cắt, thái và băm. Gần đây, các nghiên cứu cho thấy một số vật liệu làm thớt, như polypropylene và polyethylene, có thể phát ra các hạt có kích cỡ nano hoặc micro khi dùng dao cắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu đó không tìm hiểu xem hoạt động sơ chế thức ăn thực tế hằng ngày có thể tạo ra bao nhiêu hạt vi nhựa như vậy. Đây có thể là thông tin quan trọng vì các vi hạt này có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe khi ăn vào. Vì thế, các nhà nghiên cứu mới đây đã tìm hiểu về các vi hạt phát ra khi băm rau củ trên thớt nhựa và thớt gỗ.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Bang Bắc Dakota, Mỹ,đã thu thập và đo các hạt cỡ micromet thải ra khi thớt được băm nhiều lần bằng dao. Trong một thí nghiệm, họ đã so sánh cách 5 người băm thớt. Và trong một thí nghiệm khác, họ so sánh việc một người băm trên các chất liệu khác nhau khi có và không có cà rốt.
Các nhà nghiên cứu tính rằng mỗi năm, việc sơ chế thức ăn trên thớt polyethylene tạo ra 14 tới 71 triệu vi hạt, còn thớt polypropylene tạo ra 79 triệu vi hạt. Kết quả thay đổi tùy vào cách mỗi người thái, chất liệu thớt, lực thái, mức độ băm nhỏ và tần suất sử dụng thớt.
Việc dùng thớt gỗ không được ước tính cho cả năm, song các nhà nghiên cứu cho thấy loại thớt này thải ra nhiều vi hạt hơn thớt nhựa từ 4 tới 22 lần trong các thí nghiệm khác nhau.
Nghiên cứu còn cho thấy vi hạt polyethylene và vi hạt gỗ thải ra khi băm cà rốt không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sống sót của tế bào chuột trong phòng thí nghiệm. Tuy thớt nhựa dễ rửa, song các nhà nghiên cứu kết luận có thể sử dụng các lựa chọn khác để làm giảm khả năng nhiễm vi hạt trong thức ăn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS’ Environmental Science & Technology.
Nguồn:
Lê Thành