Trước nay, phần lớn các nhà khoa học đều công nhận học thuyết “Ra khỏi châu Phi” với luận điểm chính là loài người di cư 1 lần duy nhất khỏi châu lục này từ 50.000 - 70.000 năm trước.

Tuy nhiên, học thuyết này có nguy cơ sụp đổ khi các nhà khảo cổ tìm được47 chiếc răng của người hiện đại (Homo sapiens) có niên đại từ 80.000 - 120.000 năm tuổi ở Trung Quốc.

Tiến sỹ maria martinon-Torres tại một khu vực phát hiện răng người homo sapiens. Ảnh: Investigacionyciencia
Những chiếc răng của người hiện đại vừa được phát hiện.

Khám phá làm thay đổi lịch sử

47 chiếc răng người trong tình trạng bảo quản tốt đã được phát hiện ở hang động Fuyan tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013. Tuy nhiên, phải đến giữa tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học mới chính thức công bố phát hiện này trên tạp chí Nature.

Các nhà khảo cổ học mô tả những chiếc răng này nhỏ hơn so với răng của các loài thuộc giai đoạn Pleistocen muộn ở châu Á và châu Phi nhưng lại mang nhiều nét tương đồng với răng của người châu Âu thuộc giai đoạn Pleistocen muộn và người Homo sapiens. Những hóa thạch động vật được tìm thấy bên cạnh răng người cũng rất điển hình cho giai đoạn Pleistocen muộn.

“Rõ ràng những răng này là của người hiện đại Homo sapiens. Điều gây ngạc nhiên là niên đại của chúng. Toàn bộ các hóa thạch đều được vùi kín dưới một nền có chứa calcit, giống như là trong mộ đá vậy. Bằng các phương pháp khoa học, chúng tôi nhận thấy những lớp đá có tuổi đời đến 80.000 năm. Những cái răng này phải có tuổi đời cao hơn lớp che phủ đó, tức là có niên đại hơn 80.000 năm” - Tiến sỹ Maria Martinon-Torres thuộc Đại học London (UCL), người tham gia vào cuộc khảo cổ - tiết lộ.

Kết hợp với những kết quả nghiên cứu khác, các nhà khoa học thậm chí còn cho rằng những chiếc răng này có thể đã có từ 120.000 năm trước. Phát hiện này gây chấn động giới khoa học. Bởi lẽ, trước nay học thuyết di cư của người hiện đại nhận được nhiều sự tán đồng nhất đến thời điểm này có tên “Ra khỏi châu Phi”. Học thuyết này khẳng định loài người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi khoảng 200.000 năm trước, sau đó di cư tới các châu lục khác trong một làn sóng di cư duy nhất khoảng 50.000 tới 70.000 năm trước. Đặc biệt, học thuyết này cũng cho rằng người hiện đại chỉ xuất hiện châu Á vào khoảng 50.000 năm trước.

“47 chiếc răng có niên đại từ 80.000 đến 120.000 năm là bằng chứng về việc những người hiện đại đầu tiên từng xuất hiện ở miền nam Trung Quốc. Đây là điều rất quan trọng, vì trước nay phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng người Homo sapiens không xuất hiện ở châu Á cho đến thời điểm 50.000 năm trước. Chúng tôi tin rằng, miền nam Trung Quốc từng là trung tâm của quá trình tiến hóa của người hiện đại” - tiến sĩ Liu Wu, nhà nhân chủng học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và là tác giả nghiên cứu - cho biết.

Vì sao người Homo sapiens “trễ hẹn” với châu Âu?

Không có bằng chứng cho thấy người Homo sapiens xuất hiện tại châu Âu từ 45.000 năm trước. Trong khi đó, họ lại có mặt ở miền nam Trung Quốc ít nhất từ 80.000 năm trước đây.
Tại sao người Homo sapiens lại trễ hẹn với châu Âu lâu đến như vậy khi mà xét về mặt địa lý, khoảng cách từ châu Phi đến châu Á rõ ràng là cách xa hơn rất nhiều so với châu Âu?

Tiến sỹ maria martinon-Torres tại một khu vực phát hiện răng người homo sapiens. Ảnh: Investigacionyciencia

Tiến sĩ Martinon-Torres lý giải: “Có thể sự hiện diện, thống trị hàng trăm nghìn năm của người Neanderthals khiến loài người chúng ta không xâm nhập được vào khu vực phía Tây của đại lục Âu - Á. Người hiện đại buộc phải chờ tới khi người Neanderthals bắt đầu suy giảm dân số do tình trạng bị cô lập và mùa đông khắc nghiệt nơi đây để nắm quyền kiểm soát châu Âu”.

Giáo sư khảo cổ Robin Dennell thuộc Đại học Exeter (Anh) trong một bài viết trên tạp chí khoa học Nature nêu một giả thuyết rất đáng chú ý. Theo ông, người hiện đại rời châu Phi và di cư theo phía đông (châu Á), thay vì phía bắc (châu Âu) bởi mùa đông ở châu Âu nhiệt độ hạ tới mức đóng băng nhanh chóng.

Theo giáo sư Robin Dennell, người hiện đại - vốn khởi đầu là giống người sống ở vùng nhiệt đới - đã không thích nghi được với môi trường có khí hậu băng giá ở châu Âu như người Neanderthals - nên họ đã không dừng chân tại đây.

Giả thuyết này được củng cố khi tiến sĩ Martinon-Torres khẳng định giống người hiện đại đã chiếm lĩnh vùng miền nam ấm áp của Trung Quốc từ 80.000 năm trước. Trong khi đó, các vùng lạnh lẽo hơn ở miền trung và bắc Trung Quốc là địa bàn của các nhóm người tiền sử khác - có thể là những họ hàng châu Á của giống người Neanderthals.