Ít ai biết rằng, giữa thế kỷ 17, khi nữ giới vẫn luôn phải giữ phép tắc trong hậu trường thì người khởi xướng các Salon – không gian văn hóa đặc trưng của giới trí thức phương Tây là một phụ nữ.

Nữ hầu tước Rambouillet. Ảnh: wikipedia
Nữ hầu tước Rambouillet. Ảnh: wikipedia

Nữ Hầu tước Rambouillet đã khước từ việc đóng vai trò tháp tùng và “trang trí” cho các quý ông như phụ nữ thời ấy và mở ra một không gian văn hóa mới, giới tính nào cũng đều bình đẳng trước tri thức.

Catherine de Vivonne (1588-1665) sinh ra tại Ý trong một gia đình đại quý tộc châu Âu vào giữa thế kỷ thứ 16. Cha bà là Jean de Vivonne, cố vấn cho vua Henri III, và là nhà đại sứ Pháp ở Ý và Tây Ban Nha, còn mẹ là Giulia Savelli thuộc gia tộc lâu đời có liên hệ đến nhiều Hồng Y và Đức Giáo hoàng. Năm 11 tuổi, Catherine đã phải lấy chồng là Charles d'Angennes, người trở thành Hầu tước Rambouillet sau này; bà cũng theo tước hiệu của chồng và thành nữ Hầu tước Rambouillet.

Bà có 7 người con, 5 gái, 2 trai, và một cuộc sống sung túc, xa hoa cả đời. Nhưng thay vì an phận làm một phu nhân giàu có kín đáo, nữ Hầu tước Rambouillet đã từ chối đóng vai trò tháp tùng và “trang trí” cho các quý ông như phụ nữ thời của bà.

Theo phép tắc xã hội ngày ấy, phụ nữ không được đến những nơi hội họp công cộng vốn chỉ dành cho đàn ông, mà nữ Hầu tước Rambouillet lại đam mê tri thức, từ nghệ thuật, văn học, lịch sử cho đến các ngôn ngữ khác; thế nên, bà đã quyết định mở ra một hoạt động hội họp tại nhà riêng của bà - một trong những dinh thự đẹp nhất Paris, nằm không xa Điện Louvre. Phải nói thêm, dinh thự này được thiết kế và trang trí toàn bộ đều theo ý bà, với cảm hứng từ người phụ nữ mà nữ Hầu tước Rambouillet yêu mến là hoàng hậu Marie de Médicis - lúc ấy cũng đang dọn vào Dinh Luxembourg, nơi hoàng hậu đã tự tay đặt viên đá đầu tiên và đưa ý tưởng thiết kế.

Gọi nơi hội họp tại nhà riêng là Căn phòng màu xanh, hay ngắn gọn là Salon, nữ Hầu tước Rambouillet đã tiếp đón cả đàn ông lẫn phụ nữ đến, và theo một cách nào đó, truyền đạt giáo dục và ảnh hưởng lên họ. Như điểm đầu tiên của chuỗi domino, hành động của bà là điểm khởi đầu, tạo ra hàng loạt thay đổi lên đời sống văn hóa của Pháp những năm sau đó. Khoảng những năm 1608, nữ hầu tước Rambouillet khởi xướng Salo lúc ấy không biết rằng đây sẽ là nguồn cảm hứng cho những người khác và thành một hoạt động rất đặc trưng của Pháp sau này.

Nội dung của những buổi trò chuyện tại Salon là những kiến thức về khoa học, văn chương, hay phép tắc hàng ngày trong khung cảnh đẹp đẽ, lộng lẫy của dinh thự Rambouillet. Tại đó, những người đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng trước kiến thức. Nhiều nam quý tộc, nhà văn, nhà thơ, học giả trí thức nổi tiếng thường xuyên lui tới đây như Richelieu, Malherbe, Vaugelas, Guez de Balzac, le Cavalier Marin, Chapelain, l'Abbé Cotin, Boileau,… để chia sẻ kiến thức và ý kiến của mình. Những người phụ nữ lắng nghe, chất vấn họ và trình bày ý kiến của mình. Họ gặp nhau ở không gian tư tưởng và tâm hồn, thoát ra khỏi những định kiến và rào cản xã hội.

Nữ hầu tước Rambouillet đã hỗ trợ toàn diện về mặt tinh thần cũng như vật chất cho những buổi gặp Salon này với không khí bằng hữu và thân thiện, với những lời khuyến khích phụ nữ trau dồi học hỏi và bớt phục tùng tôn giáo, với sự phục vụ ăn uống phủ phê cho đến tận nửa đêm. Trong điều kiện quá thuận lợi ấy, ngày càng nhiều người tìm đến, họ đọc những bài thơ hay, những tác phẩm sáng tác của họ về kịch nghệ, văn chương… Họ hát hò, chơi nhạc, nhảy múa, bày ra các trò chơi, không một ai có thể buồn chán mà ngược lại, Salon của nữ hầu tước Rambouillet là nơi thúc đẩy nhiều tài năng và cảm hứng sáng tạo.

Cách chia sẻ tri thức ở Salon tư dinh như thế này bỗng chốc trở thành một hoạt động tích cực, hiệu quả và được nhiều người yêu thích, tạo thành một mô hình lan tỏa rất nhanh. Theo bước nữ Hầu tước Rambouiller, rất nhiều phụ nữ quý tộc khác cũng đã tạo hoạt động Salon tại nhà riêng. Mỗi người chuyên về một mảng, như ở tư dinh của nữ quý tộc Louise Dupin là những hoạt động đọc sách và bàn luận tư tưởng, ở tư dinh của nữ quý tộc Louis d’Epinay là nơi gặp gỡ của các triết gia nhóm Encyclopédia, còn Salon ở dinh thự Nevers thì nổi danh ở toàn châu Âu.

L’Hôtel de Rambouillet. Ảnh: webmuseo
L’Hôtel de Rambouillet. Ảnh: webmuseo

Giới hội họa, triết học và văn chương nhờ các Salon mà đã được kết nối với nhau, tạo ra những mối quan hệ quan trọng cho đời sống văn hóa-xã hội của Pháp nói riêng và của châu Âu nói chung. Chính từ những Salon này mà nhiều phong trào xã hội-văn hóa và luồng tư tưởng mới đã hình thành, trong đó có thể kể đến phong trào mang tên Préciosité hình thành năm 1626 để định hình sự thanh nhã quý tộc trong ngôn ngữ văn học Pháp (Sau này, vì phong trào trở nên quá kiểu cách trong ngôn ngữ nên không còn phát huy tác dụng như mong muốn, có lúc bị Molière chế giễu; dù vậy, không ai phủ nhận được sự đóng góp ban đầu của phong trào này cho sự phát triển của văn học Pháp).

Nhiều nữ chủ nhân của các Salon này như Hầu tước Rambouiller, quý bà Sévigné, phu nhân La Fayette,… đã đi vào văn học Pháp dưới những cái tên như Arthénice, Rozelinde, Doralise, v.v.

Năm 1635, Viện hàn lâm Pháp ra đời. Nhiều người đàn ông trí thức là thành viên của Viện hàn lâm Pháp đã có một lịch hoạt động dày đặc và khá đối ngược nhau: Ban ngày, họ làm việc và soạn thảo từ điển tại Viện hàn lâm vốn chỉ dành cho nam giới, nhưng chiều tối lại đến các Salon của các bà để trao đổi, trò chuyện học thuật với cả phụ nữ lẫn đàn ông một cách bình đẳng. Đó chính là sự thay đổi đáng kể mà những Salon đã tạo ra: không chỉ là không gian gặp gỡ nhau mà còn tạo ra quyền lực thay đổi xã hội.

Nhờ những cuộc gặp Salon ấy mà những nguyên tắc ứng xử trong xã hội Pháp đã được hình thành dựa trên sự tôn trọng phụ nữ, và trở thành một đặc trưng của nước Pháp gắn liền với hình ảnh người đàn ông “ga-lăng” và hào hoa phong nhã.

Cũng nhờ những cuộc thảo luận trực tiếp tại các Salon ấy mà những nam trí thức, nghệ sĩ, văn sĩ đã tiếp cận và học hỏi được nhiều hơn từ phụ nữ, nhận ra năng lực, tâm hồn lẫn ảnh hưởng quan trọng lẫn chỗ đứng bất công của phụ nữ trong xã hội. Trong số những người đàn ông đó có Nicolas de Condorcet. Ông được xem là ví dụ tiêu biểu cho trường hợp được “khai sáng” từ hoạt động Salon, thoát khỏi định kiến kỳ thị giới tính tồn tại đã lâu cho đến lúc đó. Năm 1770-1771, ông là một trong những người ủng hộ tích cực cho sự bình đẳng giới tính tại Pháp, đề nghị cho nữ giới cũng được đến trường như nam giới vì kiến thức và chân lý là những giá trị phổ quát dành cho tất cả mọi người.

Như vậy, vào thời điểm thế kỷ 17-18, trong khi người phụ nữ tại nhiều nước châu Âu khác vẫn phải kín đáo ở vị trí hậu trường trong xã hội thượng tôn người đàn ông, thì phụ nữ Pháp đã bước ra ánh sáng, được thể hiện mình. Nữ hầu tước Rambouiller đã mất năm 1665 nên bà không thấy được những gì mình đã tạo ra cho nhiều thế hệ phụ nữ đi sau, nhưng chắc chắn bà đã rất hài lòng khi chính mình, con gái mình, và nhiều người bạn chị em khác cùng thời đã được sống cùng niềm đam mê tri thức và sự bình đẳng trong các cuộc thảo luận đa dạng. Hầu tước Catherine de Rambouillet là một biểu tượng của sự giải phóng phụ nữ, mà hơn thế nữa, còn giải phóng cả đàn ông ra khỏi định kiến của họ về phụ nữ.

Nguồn tham khảo:
- Chuyên đề “Des femmes au salon” (Từ những người phụ nữ đến Salon) – ARTE, 2020.
- Đại từ điển: Những người tạo ra khoa học, văn chương và nghệ thuật (La Grande encyclopédie : inventaire raisonné des sciences, des lettres et des arts), Marcellin Berthelot, Hartwig Derenbourg, A. Giry, E. Glasson et Ch. -A. Laisant, Nhà in E. Arrault & Cie, 1886.
- Catherine de Vivonne, marquise de Rambouillet, Romain Vignest, tiến sĩ Đại học Paris-Sorbonne, 2015. (https://francearchives.fr/fr/pages_histoire/39978)
- La fin de l'hôtel de Rambouillet, Gustave Charlier, Tạp chí Triết học và Lịch sử, 1939 (https://www.persee.fr/doc/rbph_0035-0818_1939_num_18_2_1298)
- Từ điển LAROUSSE, mục danh nhân.
- Projet Voltaire, web: https://www.projet-voltaire.fr/culture-generale/salons-litteraires-xviie-siecle-marquise-rambouillet/
- Trang web: https://fr-academic.com/