Michiaki Takahashi, nhà virus học người Nhật Bản, đã phát triển thành công loại vaccine đầu tiên giúp ngăn ngừa an toàn và hiệu quả bệnh thủy đậu, một trong những căn bệnh đáng sợ có khả năng lây lan nhanh chóng ở trẻ nhỏ.

Michiaki Takahashi (1928 - 2013) | Ảnh: The New York Times
Michiaki Takahashi (1928 - 2013) | Ảnh: The New York Times

Michiaki Takahashi sinh ra tại Osaka, Nhật Bản vào năm 1928. Ông tốt nghiệp ngành y khoa tại Đại học Osaka năm 1954. Sau đó, ông bắt đầu làm việc tại Viện Nghiên cứu Bệnh do vi sinh vật thuộc Đại học Osaka. Trong thời gian này, ông đã tham gia nghiên cứu và phát triển các loại vaccine phòng bệnh sởi và bại liệt. Năm 1963, ông chuyển đến Mỹ cùng vợ và hai con sau khi nhận học bổng nghiên cứu của Đại học Y khoa Baylor (BCM).

Năm 1964, cậu con trai ba tuổi của ông mắc bệnh thủy đậu do tiếp xúc với con gái của một gia đình láng giềng ở Houston. “Bé gái này xuất hiện vết phát ban và phồng rộp giống như mụn nước trên đầu. Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và không có cách nào điều trị vào thời điểm đó”, Takahashi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times vào năm 2011.

“Con trai tôi cũng biểu hiện các triệu chứng tương tự, với mụn nước trên toàn bộ cơ thể và sốt cao. Các triệu chứng tiến triển nhanh chóng và nghiêm trọng. Nhiệt độ của bé tăng vọt và bắt đầu khó thở. Tất cả những gì vợ tôi và tôi có thể làm là theo dõi bé cả ngày lẫn đêm”, Takahashi cho biết.

“Nhưng theo thời gian, các triệu chứng dần cải thiện và con trai tôi đã bình phục. Tôi chợt nhận ra rằng, tôi nên sử dụng kiến thức của mình về virus để phát triển một loại vaccine thủy đậu”, Takahashi chia sẻ.

Năm 1965, Takahashi quay trở lại Nhật Bản để nghiên cứu về virus sinh khối u (tumour virus). Tuy nhiên, sự quan tâm của ông đối với việc phát triển vaccine thủy đậu không hề giảm đi, và ông bắt đầu dự án của mình vào năm 1970.

Thử nghiệm đầu tiên của Takahashi liên quan đến việc nuôi cấy virus varicella-zoster (VZV) còn sống nhưng đã suy yếu trong mô động vật và người. Virus varicella-zoster là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu. Virus lây truyền qua đường hô hấp trên hoặc tiếp xúc với dịch mụn nước của người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc tiêm chủng vaccine sẽ tạo ra các biến chứng sức khỏe khác, dẫn đến sự phản đối gay gắt đối với sự phát triển của phương pháp phòng bệnh này.

“Vào thời điểm đó, người ta lo sợ virus thủy đậu có thể liên quan đến bệnh ung thư nên một loại vaccine có thể trở thành chất gây ung thư”, Takahashi cho biết. “Một số nhà nghiên cứu cũng lo ngại rằng mặc dù vaccine có khả năng ngăn ngừa bệnh thủy đậu, nhưng nó có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh zona. Nếu tôi phát triển vaccine, tôi cần chứng minh cả hai nỗi sợ hãi trên đều không đúng”.

Trong bối cảnh này, Takahashi vẫn tin rằng vaccine là giải pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả và an toàn nhất nên đã tiếp tục nghiên cứu của mình. “Việc phát triển thành công vaccine thủy đậu sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại”, Takahashi nói.

Takahashi điều chế vaccine thủy đậu từ virus varicella-zoster được phân lập từ dịch mụn nước của một đứa trẻ mắc bệnh thủy đậu với các triệu chứng điển hình. Họ của đứa trẻ này là Oka, vì vậy virus được đặt tên là chủng Oka. Sau khi các nghiên cứu về tính an toàn của vaccine kết thúc, Takahashi bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Thử nghiệm vaccine đầu tiên đã diễn ra trên 23 bệnh nhi chưa nhiễm thủy đậu trong một bệnh viện dành cho trẻ em để ngăn chặn sự lây lan của virus. Kết quả rất khả quan, không có ca nhiễm nào khác được phát hiện trong số những người tiêm chủng. Sau đó, vaccine đã trải qua quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt với những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và mang lại kết quả đầy hứa hẹn.

Năm 1974, một thập kỷ sau khi con trai của Takahashi mắc căn bệnh này, lần đầu tiên tạp chí y khoa Lancet đã công bố những dữ liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine thủy đậu chủng Oka. Báo cáo cho biết “vaccine không gây ra bất kỳ phản ứng lâm sàng nghiêm trọng nào và sự lây lan của bệnh thủy đậu đã được ngăn chặn, ngoại trừ một trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nặng do chưa chủng ngừa vaccine”.

Ngày 16/2/2022, Google đã tạo hình vẽ doodle vinh danh Michiaki Takahashi, người tạo ra vắc-xin thủy đậu Nhật Bản
Ngày 16/2/2022, Google đã tạo hình vẽ doodle vinh danh Michiaki Takahashi, người tạo ra vắc-xin thủy đậu Nhật Bản

“Vaccine đánh lừa hệ thống miễn dịch, làm cho nó nghĩ rằng đó là mầm bệnh đã từng xâm nhập vào cơ thể trước đây. Từ đó, cơ thể có khả năng sản xuất kháng thể phù hợp chống lại mầm bệnh”, Anne A Gershon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia, cho biết.

Năm 1984, tám quốc gia châu Âu đã chấp thuận sử dụng vaccine thủy đậu của Takahashi. Năm 1985, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận rằng chủng virus Oka là chủng tốt nhất để sản xuất vaccine thủy đậu. Đến năm 1986, Nhật Bản cũng phê duyệt loại vaccine này.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã không phê duyệt vaccine thủy đậu cho đến năm 1995. Sự chậm trễ này là do một số yếu tố gây ra, bao gồm lo ngại rằng khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra có thể không tồn tại đủ lâu, vaccine có khả năng gây ra tác dụng phụ không mong muốn, hoặc bệnh thủy đậu không phải là một căn bệnh đủ nghiêm trọng để triển khai một chương trình tiêm chủng.

“Trước khi cấp phép cho vaccine thủy đậu vào năm 1995, hầu hết người dân Mỹ đều mắc bệnh thủy đậu trước khi đến tuổi trưởng thành. Chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm virus varicella-zoster gây ra khoảng 4 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu, trong đó có 11.000 trường hợp nhập viện và 100-150 trường hợp tử vong ”, CDC cho biết. Sau khi tiêm vaccine, tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu đã giảm xuống 85%.

Năm 2006, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đề xuất tiêm liều thứ hai của vaccine thủy đậu. CDC khuyến cáo trẻ em nên tiêm liều đầu tiên vào thời điểm từ 12 đến 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 đến 6 tuổi. Kể từ khi trẻ em Mỹ tiêm liều vaccine thứ hai, tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu đã giảm 97% so với thời điểm trẻ chưa tiêm bất kỳ liều vaccine nào.

Sau khi điều chế thành công vaccine thủy đậu, Takahashi trở thành giám đốc Nhóm nghiên cứu bệnh do vi sinh vật của Đại học Osaka vào năm 1994, một vị trí mà ông đảm nhiệm cho đến khi nghỉ hưu. Nhờ công trình nghiên cứu ​​của ông, hàng triệu ca bệnh thủy đậu đã được ngăn chặn mỗi năm trên toàn thế giới.