Một khu vườn sạch sẽ với đủ loại cây hoa, một khoảng sân trong lành nhìn ra hướng sông nơi trẻ em vui đùa, người già tản bộ. Thật khó để tin rằng chỉ ba tháng trước, nơi đây còn là một bãi rác bốc mùi hôi thối, cây dại mọc chen chúc lối đi. Điều gì đã làm nên sự đổi thay này?


r
Nhìn từ trên cao, khó mà tin rằng khoảng xanh ít ỏi của thành phố lại chứa một lượng rác thải khổng lồ đến mức cần khoảng 20 lượt xe tải mới gom hết. Ảnh: ECUE

Tiếng nói trung gian

Cách hồ Hoàn Kiếm hơn 2km, khu vực Bờ vở sông Hồng - khoảng xanh ít ỏi giữa trung tâm thủ đô - mang một diện mạo vô cùng nhếch nhác. Nếu đứng từ cầu Long Biên nhìn xuống, không quá khó để chúng ta nhìn thấy các khu đất ô nhiễm ngập trong rác, phế thải xây dựng, những căn nhà lụp xụp cất tạm, nước thải đen ngòm sủi bọt.

Thực chất, đây không phải là chuyện ở riêng khu vực này mà là chuyện chung của rất nhiều nơi trong Hà Nội nhiều năm qua. Để góp phần hạn chế rác thải, thành phố đã đề ra phương án xử lý rác tại nguồn, tuyên truyền cổ động nhưng giải pháp này chưa bao giờ thành công. Cùng với lượng rác thải dồn ứ từng ngày, sự bất mãn của người dân cùng tăng lên. Lâu dần, giữa người dân và chính quyền đã nảy sinh ‘độ vênh’: người dân dù muốn sạch sẽ nhưng lại vứt rác lung tung; chính quyền dù đã nhắc nhở, tổ chức dọn rác nhưng lại chưa tìm ra được phương án giải quyết rốt ráo.

Bản thân chính quyền phường Chương Dương dù đã tổ chức rất nhiều buổi ra quân dọn rác Bờ vở sông Hồng, nhưng rồi mọi thứ ‘đâu lại vào đấy’ - hôm trước vừa dọn sạch sẽ thì hôm sau những bao rác lớn lại xuất hiện. Chính quyền hoàn toàn bất lực, họ không có kinh phí, không có giải pháp nào đủ dứt điểm, và không biết làm thế nào để thuyết phục người dân cùng phối hợp với mình.

Chẳng lẽ lại bất lực? “Chúng tôi tự hỏi: ‘Điểm chung giữa hai bên là gì?’ Đó là người dân và chính quyền đều có cùng một mục tiêu dọn sạch sẽ Bờ vở, chỉ là họ không biết bắt đầu từ đâu mà thôi”, anh Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS) chia sẻ những suy ngẫm của mình khi quyết định đề xuất dự án cải tạo từ bãi đất ô nhiễm do rác thải ở khu vực này. “Chúng tôi nghĩ mình đã tìm được sợi dây liên kết giữa hai bên, và chúng tôi có thể trở thành trung gian nối kết điểm chung đó”.

Được thành lập vào năm 2019, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống là mạng lưới gồm các cá nhân, tổ chức đang sống, làm việc tại Hà Nội và muốn đóng góp công sức của mình để giúp Hà Nội trở thành thành phố đáng sống cho tất cả mọi người. Nhờ kinh nghiệm tổ chức thành công những dự án xây dựng sân chơi công cộng, cải tổ các khu vực ô nhiễm, nên “khi chúng tôi đề xuất ý kiến cải tạo khu vực Bờ vở sông Hồng, phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm lập tức ủng hộ và đồng ý cho thử nghiệm 1.500 m2 tại phường Chương Dương”, anh Bình kể lại quá trình thuyết phục của mình.

Tưởng việc dọn sạch môi trường sẽ được người dân ủng hộ ngay, nhưng thực tế lại không thuận lợi như vậy. Người dân có nhiều bức xúc và hồ nghi về động cơ của mạng lưới VMHNĐS khi đến khu vực này khảo sát. Họ sợ lại “ném đá ao bèo” giống các lần dọn rác theo phong trào trước đây. Là những người có phương pháp làm việc với cộng đồng, các thành viên mạng lưới trình bày phương án cải tạo và lợi ích chung để thuyết phục người dân tham gia. “Người dân cũng dần dần tin, điều thú vị là họ đều đồng cảm với vấn đề môi trường và sẵn sàng tham gia để giải quyết nó, chỉ là họ sợ có một bên nào đó không đàng hoàng đến lấn chiếm đất thôi”, anh Lê Quang Bình lưu ý.

Tuy vậy, anh Bình thừa nhận, chính quyền và người dân đang có cách nhìn khác nhau về nguyên nhân ô nhiễm, cách tiếp cận để cải tạo môi trường bền vững. Với vai trò đứng giữa kết nối cộng đồng và chính quyền, mạng lưới VMHNĐS trở thành trung gian để các bên thảo luận và bắt tay cùng nhau. Hơn nữa, VMHNĐS còn trở thành nơi điều phối các bên như các tổ chức NGO, doanh nghiệp, chuyên gia khoa học, nhà tài trợ, các tình nguyện viên tham gia vào tiến trình này. “Chúng tôi cung cấp nền tảng để tất cả mọi người cùng tham gia, đó mới thực sự là những gì mọi người đang cần”.

Tháng 9/2021, dự án đã bắt đầu được triển khai, đó cũng là lúc nhóm tổ chức dự án nhận ra tình trạng ô nhiễm của khu vực Bờ Vở còn trầm trọng hơn những gì họ hình dung.


Tiếp cận từ nhiều phía

“Như một bãi chiến trường”, nhận xét vắn tắt của ông Phúc Minh Tuấn (cựu chiến binh phường Chương Dương) đã gói gọn cảm nhận chung của rất nhiều người dân khi tận mắt chứng kiến và đến dọn rác khu Bờ vở sông Hồng vào ngày đầu tiên của dự án.

Dù đã có những ước lượng ban đầu, nhưng đến khi bắt tay vào dọn rác ở Bờ vở, cả nhóm mới nhận thấy đây là thách thức không nhỏ bởi lượng rác quá khủng khiếp. “Các tầng rác ăn sâu xuống đất, có chỗ phải tới 3m nên chúng tôi phải thuê máy đào cả ngày lẫn đêm để khai quật rác lên với tổng số lượng rác khoảng 20 xe tải”, anh Douglas Lee Snyder, Giám đốc của Keep Hanoi Clean, tổ chức chịu trách nhiệm cho hoạt động dọn rác và tập huấn về quản lý rác thải trong dự án lần này, sửng sốt.

r
Các tình nguyện viên cùng nhau dọn rác. Ảnh: ECUE

Điều may mắn là đã có hàng trăm người dân trong khu vực cùng các tình nguyện viên ở Hà Nội cùng nhau dọn sạch hơn 200 tấn rác suốt nhiều ngày. “Urenco Hoàn Kiếm đồng thời cũng tham gia vận chuyển một phần rác và cam kết xây dựng lại hệ thống thu gom rác, Keep Hanoi Clean thì tổ chức tập huấn cho cộng đồng về quản lý và giảm thải rác”, anh Bình liệt kê những cách thức mà dự án đề ra nhằm đảm bảo giữ vững quy trình xử lý rác về lâu dài.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng Bờ vở sông Hồng không chỉ là không gian của người dân, nơi đây từ lâu bị xem là ‘bãi rác chung’ để nhiều người đến đổ trộm các phế thải xây dựng, đậu xe, lấn chiếm. Do đó, dự án đã quyết định xây dựng một khu vườn rừng sinh thái để biến vùng đất ven sông bị bỏ hoang, ô nhiễm môi trường, thành một không gian công cộng đa chức năng cho người dân phường Chương Dương. Với sự hỗ trợ của Think Playgrounds - tổ chức phụ trách hoạt động xây dựng vườn rừng và khu vui chơi trong dự án lần này, người dân đã trực tiếp cày cuốc, làm việc, trồng các loại cây thuốc nam, rau, hoa và cả cây lưu niên như cây bơ hay cây trứng gà.

y

r
Người dân tham gia cày cuốc, trồng cây. Ảnh: ECUE

Điểm thú vị ở dự án này đó là những thành viên của mạng lưới VMHNĐS không chỉ tiếp cận từ sự sạch sẽ ‘trên bề mặt’, mà còn quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải, bởi khác với những khu vực dân cư khác, nước thải sinh hoạt tại đây trực tiếp bị đổ xuống sông. Để tìm ra hướng giải quyết cho thực trạng này, mạng lưới đã phối hợp với ​​Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) - đơn vị có kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ quản lý nước thải và rác thải - khảo sát địa hình, điều tra hiện trạng nước tại Bờ Vở. “Thực chất, nước thải ở khu vực Bờ Vở chủ yếu là nước thải phát sinh từ các hoạt động nấu ăn, tắm giặt, cũng như vệ sinh hằng ngày của các hộ gia đình, do đó thành phần chính trong nước thải là các hợp chất hữu cơ chứ không chứa các hóa chất độc hại hay kim loại nặng. Hơn nữa, nước thải từ nhà vệ sinh đã được xử lý qua hệ thống bể phốt của các gia đình, do đó tải lượng các chất hữu cơ trong nước thải tuy vượt ngưỡng xả thải (so với các tiêu chuẩn hiện hành) nhưng tải lượng không cao”, ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia kỹ thuật (CECR) phân tích. Vì vậy, CECR đã đề xuất giải pháp lắp bể tự hoại composite kết hợp bãi lọc trồng cây để xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nước thải.

​​Nước sau khi được xử lý bởi hệ thống bể tự hoại sẽ được chảy qua rãnh có trồng một số cây thủy sinh (thủy trúc, môn). Đây là phương án mà ban quản lý nhiều nơi ô nhiễm đã áp dụng, các loại cây này vừa có khả năng ngăn xói mòn, vừa có thể sử dụng trực tiếp các chất hữu cơ có trong nước thải để làm chất dinh dưỡng, do đó nước thải sẽ được xử lý thêm một bước trước khi đưa vào dòng chảy sông Hồng.

Theo ThS. Quỳnh, dù các hệ thống xử lý nước thải bằng biện pháp sinh học như bể tự hoại và bãi lọc trồng cây đã được áp dụng ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực (xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất chế biến nông sản, nước thải chăn nuôi…) tuy nhiên đây là lần đầu tiên nhóm đưa vào kết hợp hệ thống xử lý nước thải tích hợp trong chương trình cải thiện không gian cộng đồng với mục đích vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường vừa cải thiện cảnh quan. “Mặc dù thành phố đang xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên đối với những địa điểm xa khu xử lý như Bờ vở thì việc thu gom nước thải đưa về xử lý tập trung sẽ khá khó khăn và tốn kém. Mô hình xử lý nước mà chúng tôi vừa triển khai là phương án khả thi và phù hợp để áp dụng cho các khu dân cư không quá đông đúc, mức độ ô nhiễm không quá cao và quá xa các khu xử lý nước thải tập trung của thành phố”.

Tương lai của 3,8km Bờ vở

Trong ngày Tết Nhâm Dần vừa qua, người dân phường Chương Dương đã có một khu đất những tưởng chỉ có trong mơ với sân chơi, vườn cây, những lối đi xanh mát để chụp ảnh. “Chúng tôi đã mong mỏi khu vực này được cải tạo cả chục năm rồi và bây giờ nó đã trở thành hiện thực”, ông Ngô Như Ý, Tổ trưởng tổ 5, khu dân cư Bạch Đằng 1, phường Chương Dương, chia sẻ niềm vui của mình.

r
Từ một bãi đất hoang ô nhiễm, nơi đây đã biến thành sân chơi cho trẻ em trong khu vực. Ảnh: ECUE

Không chỉ mang lại cho người dân tại ngách 43/32 đường Bạch Đằng một không gian xanh, 1.500 m2 được cải tạo còn mở ra cơ hội để mạng lưới VMHNĐS triển khai những dự án cải tạo khác ven Bờ vở sông Hồng. Đâu là điều làm nên thành công của dự án này? “Nó đã cung cấp một nền tảng để nhiều bên bắt tay vào làm cùng nhau, và quan trọng là nó giúp người dân cảm nhận được mình có sợi dây liên kết với một vùng đất”, anh Lê Quang Bình cười, “tôi xem đấy là thành công”.

“Tất nhiên, để thay đổi hành vi của mọi người thì cần phải có thời gian”, anh nói thêm, “nhưng tôi tin là chúng ta sớm thôi sẽ thấy sự đổi khác”, bởi không giống những chương trình dọn rác trước đây, “dự án lần này giúp cộng đồng - những người trực tiếp hưởng lợi - tham gia ngay từ đầu và chứng kiến quá trình thay da đổi thịt. Khi họ đã nhận thấy đây là không gian mà họ thuộc về, họ sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm quản lý và bảo vệ nó”, anh giải thích lý do dự án tập trung vào sự tham gia của người dân.

Hiện tại, mạng lưới VMHNĐS đang phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch tiếp tục cải tạo các diện tích ô nhiễm của 3,8 km Bờ vở sông Hồng. Với anh Bình, quá trình cải tạo các khu vực đất bỏ hoang là một tiến trình phức tạp, sẽ còn rất nhiều thứ phải làm để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. “Quan trọng là chúng ta phải vì mục đích chung, đảm bảo có sự tham gia của chính quyền và đặc biệt là của người dân. Đồng thời, phải tạo ra được sự đối thoại giữa hai bên, họ đều có cùng mong muốn làm sạch môi trường, chỉ là họ chưa hiểu nhau thôi”, anh Bình bày tỏ.