Cuộc khủng hoảng khí hậu và chiến sự tại Ukraine đang đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh đổi với toàn bộ ngành nông nghiệp. Nhưng ở Anh, một trang trại độc đáo đang âm thầm dẫn dắt sự chuyển đổi.

Các cây rau diếp đang mọc mầm, những bông hoa dại nở rộ và một con ó đang bay lượn trên khu vực đồng cỏ trong một ngày xuân đầy nắng tại Trang trại Huxhams Cross, gần làng Dartington ở ngoại ô Devon. Từ trên đỉnh đồi, Marina O’Connell có thể bao quát gần như toàn bộ 15 ha trang trại mà bà đã bỏ rất nhiều tâm huyết trong suốt 6 năm qua để cải tạo. Bà nhớ lại khi mới tiếp quản trang trại vào năm 2015, người chủ cũ đã gọi nơi đây là “mảnh đất khốn cùng”. Giờ đây, các khoảng ruộng và hàng giậu đã trở nên náo nhiệt bởi sự xuất hiện của nhiều loài động vật hoang dã; những nhân công trẻ tuổi vui vẻ chuyện trò khi gieo hạt cà- rốt và rau bina vụ sớm; bên dưới sườn đồi là đàn gà đang mải mê kiếm ăn tại một khoảng đất có rất nhiều rau và trái cây. Nơi này thực sự đã được tái sinh.

Regenerative farmer Marina O'Connell says the rise in the cost of nitrogen fertilisers has made farmers respond to the urgency of climate change. Photograph: Karen Robinson/The Observer

Marina O'Connell theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp bền vững từ thập niên 1980. Ảnh: Karen Robinson/The Observer.

Canh tác tái sinh (regenerative farming) là một hướng tiếp cận khác trong nông nghiệp nhằm cải tạo sức khỏe đất, nước, hạn chế cày xới, khuyến khích trồng nhiều loại cây và nông sản đa dạng, đồng thời bảo tồn các chất hữu cơ trong đất để giúp cây trồng phát triển tốt. Trong khi những trang trại như vậy hãy còn khá hiếm thì ngày càng nhiều nhà sản xuất thực phẩm đang cân nhắc xem liệu đó có phải là một ý tưởng phù hợp, trong bối cảnh khó khăn khi chi phí leo thang và một số khoản trợ cấp bị cắt giảm. 3 F, bao gồm phân bón, thức ăn gia súc và nhiên liệu, đều tăng giá chóng mặt do chiến sự Ukraine.

Khác với canh tác tái sinh, các hệ thống sản xuất hiện đại thường dựa dẫm vào phân bón tổng hợp để phục hồi dưỡng chất trong đất và thuốc trừ sâu để loại bỏ bệnh hại trên cây trồng. Nông dân sẽ phải chi trả nhiều hơn cho những đầu vào này, trong bối cảnh nền nông nghiệp đang bị xáo trộn lớn, khi kế hoạch trợ cấp nông nghiệp của EU – hay còn gọi là chính sách nông nghiệp chung – phải sửa đổi vì Brexit. Các chương trình mới do chính phủ ban hành sẽ tập trung nhiều hơn vào tác động môi trường của ngành nông nghiệp, khi nông dân ngày càng được khuyến khích quan tâm tới vấn đề khí hậu, đa dạng sinh học cùng trách nhiệm đối với tự nhiên.

“Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến rõ rệt. Sự tích tụ nitơ trong phân bón càng khiến vấn đề trở nên cấp thiết. Vì thế mà quá trình chuyển đổi đã diễn ra suốt 10 năm qua bỗng chốc được quan tâm và đẩy mạnh,” O’Connell cho biết.

Trước năm 2015, Huxhams Cross trên danh nghĩa là một phần của trang trại bò sữa do Dartington Hall Trust sở hữu, chuyên trồng lúa mạch để làm thức ăn cho gia súc và bỏ hoang một diện tích lớn đồng cỏ ngập nước. Các chủ sở hữu mới của nó đã kêu gọi O’Connell, người tham vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững từ thập niên 1980, giúp kiến tạo một mô hình trang trại độc lập về tài chính và chăm sóc để đất đai khỏe mạnh trở lại. Bà cùng gia đình đã chuyển từ Essex tới để theo đuổi dự án. “Đất ở nơi này về cơ bản đã chết do lạm dụng hóa chất. Chúng tôi đã mất gần 2 năm để phục hồi quần thể sinh vật, bao gồm các loài động, thực vật và vi sinh vật sống bên dưới bề mặt đất”, O’Connell nói và đưa ra 2 chiếc hộp nhựa để minh họa; một đựng mẫu đất (dạng viên) khô, cứng, nhạt màu mà bà thu thập ngay khi vừa đến trang trại; hộp còn lại chứa mẫu đất mới – có màu nâu sẫm, xuất hiện nhiều bọt khí,…

The soil at Huxhams Cross. It took two years to restore the soil biome at the farm through regenerative methods. Photograph: Karen Robinson/The Observer

Đất tại Huxhams Cross sau 2 năm cải tạo. Ảnh: Karen Robinson/The Observer.

Những việc đầu tiên mà O’Connell và nhóm của bà đã làm là lập kế hoạch cho quy trình canh tác ở trang trại, lựa chọn và trồng các hàng cây trên khu vực đất dốc, lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa,… Họ cũng trồng những cây họ đậu và cỏ ba lá, giúp cố định nitơ và kích thích sự phục hồi của đất, bên cạnh tận dụng phân xanh của các loài động vật chăn thả. Tại Huxhams Cross, những chuồng gà được di chuyển khắp cánh đồng mỗi tuần, trong khi 2 chú bò do trang trại nuôi: Daffodil và Daisy, đóng vai trò như “chiếc máy cắt cỏ khổng lồ”.

Quy trình tốn kém thời gian như vậy có thể làm nản lòng những người đang muốn nhanh chóng tìm cách thoát khỏi tình cảnh giá phân bón leo thang. “Từ kinh nghiệm của bản thân tôi, quá trình cải tạo thường phải mất khoảng 2 năm,” O’Connell lý giải. “Bạn phải lập kế hoạch tốt. Nếu sở hữu một trang trại quy mô lớn thì bạn có thể thực hiện chuyển đổi từng phần thay vì toàn bộ để tránh nguy cơ về dòng tiền”. Bà cũng thừa nhận một thực tế thường được viện dẫn bởi các quan điểm chỉ trích canh tác tái sinh: Năng suất tại những trang trại mà ruộng đất bị bỏ trống khoảng 1 – 3 năm sẽ thấp hơn nhiều so với các trang trại hoạt động theo phương thức công nghiệp, sử dụng phân bón tổng hợp. Họ nói, nếu tất cả thực phẩm đều được sản xuất theo phương thức canh tác tái sinh, nhân loại rất có thể sẽ bị đói. Thật vậy, nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu lại một lần nữa nổi lên, đặc biệt là khi chiến sự Ukraine bùng phát.

Lettuces grow at Huxhams Cross. Photograph: Karen Robinson/The Observer

Rau diếp trồng tại Huxhams Cross. Ảnh: Karen Robinson/The Observer.

Những rủi ro từ quá trình chuyển đổi nôn nóng đã được thấy rõ ở Sri Lanka, khi tổng thống nước này tuyên bố cấm toàn bộ các loại phân bón hóa học, dẫn tới việc nền sản xuất bị hủy hoại và đất nước ngày càng phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu (Sri Lanka vừa vỡ nợ). Giáo sư Jules Pretty, chuyên ngành môi trường và xã hội tại Đại học Essex, nhân định: “Việc thay đổi đột ngột từ hệ thống hoặc phương thức này sang hệ thống hoặc phương thức khác sẽ làm phát sinh rất nhiều vấn đề”. Mặc dù vậy, ông vẫn tin nhân loại cần áp dụng canh tác tái sinh một cách nghiêm túc: “Kết hợp các nguyên tắc có từ lâu đời với những tiến bộ hiện đại, trong một hệ thống sáng tạo, đa dạng và thú vị có lẽ sẽ mang lại hiệu quả tốt.”

Trái cây, rau, trứng và lúa mì từ Huxham Cross hiện đang đủ để đáp ứng nhu cầu hàng tuần của khoảng 300 hộ gia đình, và hầu hết đều được bán ngay tại chợ nông sản Totnes ở địa phương. Trang trại đã đạt được mục tiêu tự chủ tài chính, mang lại công ăn việc làm cho 6 lao động cùng 3 người học việc,… đồng thời cộng tác chặt chẽ với một trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em do chồng của O’Connell – một nhà tâm lý học – điều hành. Những người ủng hộ nông nghiệp tái sinh tin tưởng các mô hình như vậy hoàn toàn có thể nuôi sống Vương quốc Anh mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì nếu mọi người chuyển sang ăn nhiều rau, trái cây và ít thịt hơn, đặc biệt là loại bò ăn ngũ cốc thay cho cỏ,… Liên minh Nông dân Anh Quốc cũng đang có tham vọng đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2040; họ cho biết các thành viên đang rất nỗ lực nhằm tìm cách sử dụng đất theo cách thân thiện nhất với môi trường. Theo ước tính, hiện mới chỉ có khoảng 2.000 nông dân theo đuổi hướng tiếp cận này – Pretty cho biết.

Regenerative farm workers at Huxhams Cross in Dartington, Devon. Photograph: Karen Robinson/The Observer

Công nhân tại Huxhams Cross. Ảnh: Karen Robinson/The Observer.

Trở lại Huxhams Cross, O’Connell đang tổng kết lại tất cả những gì mà trang trại đã đạt được trong 5 năm qua. “Chúng tôi đã đạt được cái gọi là carbon âm khi cô lập tới 5 tấn carbon mỗi năm, nhiều hơn lượng phát thải, bên cạnh sự cải thiện rõ rệt đối với đa dạng sinh học khi có thêm 400% các loài sâu, 30% chim chóc,... ”. Hiện tại, bà đang đang tổ chức những khóa học nhằm phổ biến, hướng dẫn phương thức canh tác tái sinh và rất tự hào về câu chuyện chuyển đổi thành công của một nông dân chuyên nuôi bò sữa đã 50 tuổi. “Vấn đề nằm ở sự tin tưởng và hiểu biết để có thể tạo nên những bước nhảy vọt,” O’Connell nói.