Dương Tường! Trước đó và bây giờ chỉ một cái tên, bằng chứng vững vàng cho sự uy tín của mỗi bản dịch. Cầm một cuốn sách, nhìn vào tên ông đã đủ để người đọc an tâm về chất lượng dịch thuật cũng như độ bay, sự phóng tưởng của ngôn ngữ Việt trong cách dịch.
Thành quả lao động của Dương Tường là điều không cần bàn cãi, và Chỉ tại con chích chòe vừa được tái bản là hợp tuyển một đời chữ nghĩa miệt mài của ông trên thư viện-phố-nhà.
Cuốn tạp luận này được Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành lần đầu vào năm 2003 và trong lần tái bản sau 20 năm đã được bổ sung, tổng hợp nhiều chuyên đề khác nhau - từ lời bạt của cuốn Mình nói chuyện gì khi nói chuyện tình, Cái trống thiếc; cho đến những bản phỏng vấn quý báu với Thụy Khuê, Lê Hồng Sâm; hồi ức giữa Dương Tường và những cố nhân; hay những bản điếu văn viết như để vã cơn đau, được đọc trong tang lễ của Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân, Trần Dần, thư gửi về bên bia mộ trong giỗ đầu Văn Cao….
Sách được chia làm ba phần - văn học, ngôn ngữ, mỹ thuật cùng phụ bản Dương Tường trong tranh của họa sỹ và bạn bè. Ở đó, người đọc có thể gặp Trần Dần, Hoàng Cầm, cái cười hồ hởi và dễ lây của Văn Cao, sự ra đi của Bùi Xuân Phái khiến Hà Nội góa đi một người Hà Nội tinh tuyển,…
Nghệ thuật, nói cách nào đó, là sự sáng tạo ra những hiện thực khác. Trong tranh Văn Cao, cũng như trong nhạc và thơ anh, ta rất ít, thậm chí không hề gặp những màu u tối, tuyệt vọng, yếm thế, mặc dầu đời sống riêng của anh không phải là ít bất hạnh. Thực ra, cái trong sáng, thuần khiết của nghệ thuật anh, phân tích đến cùng, chính là chặng chót của một quá trình vượt lên những dằn vặt, chua xót, vượt lên bản thân (tr.251) - Dương Tường viết như thế về Văn Cao.
Tôi hình dung anh đã kiệt sức dựa trên chiếc gối, trong tịch lặng phòng bệnh, tay run rẩy ghi lại hình ảnh đôi bàn chân của chính mình giơ lên ngang tầm chiếc bình tiếp huyết thanh và nguệch ngoạc dòng chữ giận dữ vì bất lực: Trong lúc ốm đau, thời gian đi cực kỳ chậm. Nhất là đêm gần về sáng… Khi nghe tiếng cây bút chạm xuống sàn đánh “cạch”, Phương tưởng bố gọi chạy đến thì mắt anh đã đờ dại. Cũng trong cuốn sổ đó, anh đã tự họa chân dung lần cuối với dòng chữ: Bây giờ cần nhất là sức khỏe và không bệnh tật gì (tr 237) - Dương Tường viết về những phút cuối cùng của Bùi Xuân Phái, người lẫy lừng một đời, đến lúc chết cũng không buông cây bút. Bản viết tay những dòng này từng được Dương Tường hóa trước mộ Bùi Xuân Phái, và bây giờ bản ghi lại theo trí nhớ bức thư tri tình được kẹp trong cuốn sách Chỉ tại con chích chòe.
Cách viết của Dương Tường ngắn, gọn, cô đúc, kỹ chữ, vừa giống tùy bút, vừa giống nhật ký độc thoại, lại rất thơ. Cầm cuốn sách, lật ngẫu nhiên, người đọc có thể lần thấy mối giao cảm giữa con người và nghệ thuật ở bất cứ trang nào, bất cứ chủ đề nào. Các chương sách tùy ý, hoạt biến theo dòng ý thức, bạn có thể nhìn thấy một số nhân vật nhiều lần. Như Văn Cao mỗi lần xuất hiện là một dáng dấp, vừa hư vừa thực lại gần gũi như được gọi hồn.
Dịch thuật, viết văn, làm thơ, vừa làm vừa rong chơi nhưng vẫn nghiêm cẩn, tôi cho Dương Tường là người ham hố, chính nhờ tính ham, thích ôm đồm, không chịu ở yên một địa hạt mà ông làm được rất nhiều việc, không chỉ chuyện chữ chuyện nghề mà cuộc đời ông còn giao cảm được với nhiều văn sỹ, thi nhân, cả già lẫn trẻ, bất chấp giới hạn về tuổi tác. Có lần, ông nói trong cuộc café ở phố Lê Thánh Tông, “Mình thấy may mắn vì có thể chơi được với nhiều thế hệ! Cùng thời thì có Trần Dần, Lê Đạt, thằng Toàn, thằng Khánh. Lứa sau thì có Hoàng Hưng, Ý Nhi rồi Nguyễn Bình Phương, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyệt Cầm. Lớp trẻ bây giờ cũng có vài người!” Ông cười hiền, tỏ vẻ tâm đắc lắm, mắt ông mờ hết mặt người nhưng vẫn nhận ra dáng dấp lơ đãng, nhận người qua giọng nói và hơi ấm của những cái bắt tay. Thực sự, Dương Tường còn chơi cả với Nguyễn Du, Gunter Grass, Claude Simon, Emily Bronte, Celine… Bằng chứng là ông luôn dịch với sự trân trọng, tìm hiểu kỹ về chữ người qua hàng trăm tài liệu, dịch như một người đồng sáng tạo. Lúc nghiêm cẩn, thận trọng trên những bản dịch, khi lại nhấn nhá la cà phố xá, ghi chép thơ.
Chỉ tại con chích chòe cũng ghi lại suy nghiệm của Dương Tường về quá trình tìm hiểu, tham thấu mỗi khi dịch những kiệt tác như Anna Karenina, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất... Ông luôn chọn tác phẩm khó, vượt quá tầm như cách tự thử thách bản thân, nhào mình ra biển lớn để học cách trưởng thành, đi xa hơn một chặng núi.
Cuốn hợp tuyển dày 454 trang, giấy khổ to, là món quà tri âm của Dương Tường dành cho bạn bè, độc giả yêu quý và cho chính cuộc đời cần mẫn không ăn gian của trời một ngày sống nào.