Một giả thuyết được truyền cảm hứng từ một hiện tượng phổ biến trong huấn luyện AI cho rằng, bộ não của con người đã sử dụng những giấc mơ “siêu thực” trong khi ngủ để “rèn luyện” cho chúng ta khả năng đương đầu tốt hơn với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.

Bạn đã từng trải qua một tình huống nào tương tự với cảnh tượng phổ biến sau đây chưa: bạn đang đi vào siêu thị để mua sữa thì bỗng nhiên, bình sữa biến thành một… chú cá biết nói. Thế rồi, bạn nhớ ra là sáng nay bạn vừa làm bài kiểm tra toán trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng vấn đề là: bạn đã hoàn thành việc học từ 30 năm trước rồi!

Tác phẩm Femmes aux Papillons của họa sỹ Salvador Dalí. Ảnh: Courtesy of Christie’s Images Ltd. 2019
Ảnh minh họa: Tác phẩm "Femmes aux Papillons" của Salvador Dalí - họa sỹ nổi tiếng với các bức tranh thuộc trường phái siêu thực. Nguồn: Courtesy of Christie’s Images Ltd. 2019

Hẳn là rất lạ lùng đúng không? Những giấc mơ có thể kỳ quặc một cách khó hiểu như vậy; tuy nhiên, theo một lý thuyết mới, bằng việc thêm ngẫu nhiên vào cuộc sống bình ổn của chúng ta những tình tiết khác thường, kỳ bí, những giấc mơ đã “rèn luyện” cho chúng ta khả năng đương đầu tốt hơn với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.

Câu hỏi tại sao chúng ta lại mơ từ lâu đã là đề tài gây chia rẽ các nhà khoa học. Bản chất chủ quan của những giấc mơ, cộng với sự thiếu vắng các phương tiện để ghi lại chúng, khiến cho việc chứng minh tại sao những giấc mơ diễn ra, hoặc thậm chí là chúng khác nhau như thế nào giữa mỗi người, trở nên khó khăn khủng khiếp.

“Mặc dù các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về việc nằm mơ, thì nhiều giả thuyết trong số đó lại có sự mâu thuẫn bởi bản chất thưa thớt, huyền ảo và tính 'kể chuyện' của giấc mơ - một bản chất dường như không hề có bất cứ chức năng cụ thể nào”, Erik Hoel, trợ lý giáo sư nghiên cứu về khoa học thần kinh tại Đại học Tufts, Massachusetts (Mỹ), cho biết.

Lấy cảm hứng từ những hiểu biết gần đây về cách huấn luyện mạng lưới thần kinh [một khái niệm liên quan đến deep learning trong trí tuệ nhân tạo], Hoel đã đề xuất một lý thuyết mới về giấc mơ: giả thuyết bộ não “quá khớp” (overfitted). Ông đã mô tả về giả thuyết này trong một bài báo mới công bố trên tạp chí Patterns vào tháng 5.

“Quá khớp” là một hiện tượng phổ biến trong huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI). Vấn đề này xảy ra khi AI trở nên quá quen thuộc với các dữ liệu được huấn luyện và cho rằng, tập dữ liệu huấn luyện ấy chính là đại diện hoàn hảo cho tất cả những tình huống nó có thể gặp phải. Để khắc phục tình trạng “quá khớp”, các nhà khoa học đã đưa thêm thông tin đầu vào lỗi hoặc bị nhiễu để tạo ra một vài sự xáo trộn trong dữ liệu.

Theo nhà nghiên cứu Erik Hoel, bộ não của con người cũng đã làm một điều tương tự như vậy mỗi khi chúng ta nằm mơ. Đặc biệt là càng nhiều tuổi thì mỗi ngày mà chúng ta trải qua lại càng trở nên giống nhau hơn, khiến cho “tập dữ liệu huấn luyện” ngày càng quen thuộc và bị giới hạn. Song, chúng ta lại vẫn cần phải khái quát hóa được khả năng xử lý các tình huống mới mẻ và bất ngờ - cho dù đó là về mặt tinh thần hay vận động thể chất.

Khi tỉnh táo, chúng ta không thể ngẫu nhiên đưa thêm các yếu tố nhiễu vào bộ não bởi ta cần tập trung cao độ vào các công việc hằng ngày và làm chúng một cách chính xác nhất có thể. Thế nhưng, khi chìm vào giấc ngủ, đây lại là một thời điểm tuyệt vời.

Bằng cách tạo ra một phiên bản thế giới kỳ ảo, các giấc mơ có thể giúp chúng ta nhìn nhận cuộc sống theo một cách đầy đủ và ít đơn giản hơn. “Chính sự lạ lùng của những giấc mơ so với những trải nghiệm thực tế của con người trong đời sống thật đã đem lại chức năng sinh học cho chúng”, Hoel nói.

Ông lập luận rằng đã có một số bằng chứng từ nghiên cứu về khoa học thần kinh củng cố giả thuyết mới này. Chẳng hạn, nếu muốn nằm mơ về một thứ gì đó có ngoài đời thực, một trong những cách thức đáng tin cậy nhất để đạt được điều này chính là liên tục thực hiện lặp đi lặp lại một hoạt động bạn chưa từng làm trước đó, ví dụ như học chơi tung hứng hay trượt tuyết trên máy mô phỏng, khi bạn đang còn thức. Việc tập luyện quá mức những hoạt động như vậy sẽ kích thích hiện tượng “quá khớp” xuất hiện, đồng nghĩa với việc khi bạn ngủ, bộ não của bạn sẽ tạo ra những giấc mơ để cố gắng khái quát hóa vượt ra ngoài “tập dữ liệu huấn luyện” (giống như việc thêm thông tin nhiễu vào dữ liệu khi huấn luyện AI).

Giả thuyết của Hoel vẫn chưa được kiểm chứng, tuy nhiên có một ưu điểm là giả thuyết này đã nhìn nhận hiện tượng mơ - đặc biệt là tính chất huyền ảo và tính kể chuyện của nó - một cách nghiêm túc, thay vì chỉ coi đó là một sản phẩm phụ không giải thích được từ các quá trình hoạt động của não bộ. Với giả thuyết này, ngay cả các trải nghiệm dường như không liên quan (trong giấc mơ), nhưng gần giống với hoạt động thể chất nào đó, có thể cũng đem lại lợi ích: chẳng hạn như các giấc mơ bay lượn có thể giúp bạn nâng cao khả năng giữ thăng bằng cũng như sự ổn định khi chạy.

Giáo sư Mark Blagrove, giám đốc phòng thí nghiệm Sleep tại đại học Swansea, người chuyên nghiên cứu về giấc ngủ và giấc mơ, đánh giá: “tất cả đều hợp lý”. “Lý thuyết này cho rằng, trong giấc mơ, chúng ta sẽ khái quát hóa từ những gì chúng ta học được trong ngày. Do đó nó cũng phù hợp với nhiều lý thuyết đã có khác, chẳng hạn như lý thuyết Nextup gần đây - cho rằng những giấc mơ tìm kiếm những liên tưởng mới lạ cho những gì mà chúng ta vừa học được”.

“Tuy nhiên, cũng giống như nhiều giả thuyết khác cho rằng giấc mơ thực sự có một chức năng, hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy việc mơ không phải chỉ là một hiện tượng thứ cấp, một sản phẩm phụ “vô dụng” của hoạt động thần kinh”.

“Ngay cả khi các hoạt động thần kinh như giấc ngủ REM [giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, hay một pha trong giấc ngủ] được chứng minh là có chức năng, thì điều đó cũng không cho thấy giấc mơ [chúng ta thường nằm mơ trong giai đoạn giấc ngủ REM] có vai trò trong chức năng đó”.

Mặc dù vậy, lý thuyết mới này của Erik Hoel có thể khuyến khích các nhà tâm lý học và các nhà khoa học thần kinh thực hiện các thí nghiệm để kiểm chứng xem liệu các giấc mơ có giúp chúng ta khái quát hóa những gì đã học hay không, giáo sư Mark Blagrove nói thêm.

Một số lý thuyết khác về giấc mơ

Câu hỏi tại sao chúng ta lại nằm mơ là một chủ đề đã được các nhà khoa học và triết học say mê tìm hiểu suốt hàng thiên niên kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được một lời giải chắc chắn. Dưới đây là một số giả thuyết nổi bật khác:
  • Lý thuyết của Freud: Sigmund Freud tin rằng, giấc mơ đại diện cho việc “thỏa mãn những mong ước bị kìm nén dưới vỏ bọc ngụy trang”, và nó được tạo thành từ nội dung biểu hiện (manifest content) và nội dung tiềm ẩn (latent content). Theo đó, nội dung biểu hiện là những hình ảnh, âm thành và cốt truyện của giấc mơ, trong khi đó nội dung tiềm ẩn lại là những ý nghĩa biểu tượng đằng sau giấc mơ, thể hiện những ước muốn vô thức của chủ thể.
  • Lý thuyết củng cố trí nhớ: Có thể những giấc mơ chỉ là sự tái hiện các sự kiện trong quá khứ. Theo lý thuyết này, chúng ta sẽ củng cố trí nhớ của mình trong lúc ngủ, và các giấc mơ chính là sự phản ánh của điều đó. Các nhà khoa học đã thu được một số bằng chứng cho thấy các chuỗi hoạt động thần kinh cụ thể trong lúc chúng ta thức thỉnh thoảng lại được “phát lại” trong khi ngủ.
  • Lý thuyết mô phỏng mối đe dọa: Lý thuyết này cho rằng giấc mơ là một cơ chế bảo vệ sinh học, giúp chúng ta rèn luyện khả năng vượt qua những mối nguy. Về cơ bản, chúng cung cấp cho người mơ một môi trường thực tế ảo để luyện tập các kỹ năng sinh tồn quan trọng.
  • Lý thuyết tổng hợp sự kích hoạt: Có thể giấc mơ chỉ là một chuỗi những ký ức được đan cài lại với nhau. Và do vậy, chúng có thể sẽ kích thích để chúng ta tạo ra những liên tưởng mới, hoặc khơi gợi những ý tưởng sáng tạo khi ta đang ngủ.
  • Lý thuyết thấu cảm: Các giấc mơ có thể không có một chức năng nào cả, song khi chúng ta chia sẻ câu chuyện về những giấc mơ này với người khác, có thể giấc mơ sẽ giúp nuôi dưỡng sự thấu cảm giữa người với người.
  • Lý thuyết điều chỉnh cảm xúc: Với lý thuyết này, các nhà khoa học cho rằng giấc mơ được hình thành từ những trải nghiệm cảm xúc trong quá khứ, và do đó nó có thể giúp chúng ta xử lý và điều chỉnh các cảm xúc của mình.

Nguồn: