Sau một đêm mất ngủ, khả năng tập trung của chúng ta sẽ kém đi - dù chỉ là tạm thời nhưng vẫn có thể khiến cho những hoạt động đơn giản như lái xe trên một tuyến đường quen thuộc trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.

Những người bị chứng mất ngủ cảm thấy khó tập trung vào công việc và dễ bị phân tâm hơn so với những người trong nhóm đối chứng. Ảnh: Shutterstock/fizkes

Sau một đêm khó ngủ, sáng ra bạn cảm thấy dường như mình không thể thức dậy nổi. Bạn bấm vào nút Snooze (nút “báo lại”) với mong muốn kéo dài giấc ngủ ‘hồi phục’ của mình thêm một vài phút.

Vào cuối ngày, bạn nhận thấy dường như mình khó tập trung hơn. Những thứ mà thông thường bạn chẳng chú ý – chẳng hạn như tiếng chuông điện thoại ở văn phòng bên cạnh – có thể dễ dàng cắt ngang sự tập trung của bạn.

Nhiều nhiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ không ngon giấc liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và khiến hệ miễn dịch kém hơn. Tuy nhiên, lại không có nhiều nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá tác động của giấc ngủ chất lượng kém đến đời sống sinh hoạt ban ngày, mà cụ thể là quá trình nhận thức, chẳng hạn như khả năng tập trung vào một nhiệm vụ nhất định.

Trong nghiên cứu mới của mình*, chúng tôi đã xem xét tác động của giấc ngủ kém chất lượng đối với khả năng tập trung của người tham gia. Chúng tôi đã khảo sát một nhóm người được chẩn đoán mắc chứng khó ngủ.

Chúng tôi đã hợp tác với các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Úc) để đánh giá 23 người bị mất ngủ mãn tính và 23 người không khó ngủ (đối chứng). Họ ngủ ở phòng thí nghiệm qua đêm, và buổi tối họ sẽ thực hiện bài kiểm tra về khả năng chú ý.

Chúng tôi yêu cầu những người tham gia tập trung vào một vòng tròn các chữ cái ở giữa màn hình máy tính. Họ phải trả lời nhanh và chính xác nhất có thể những chữ cái mục tiêu (được đánh dấu X hoặc N) trong khi gạt qua những chữ cái gây mất tập trung xuất hiện bên ngoài vòng tròn. Chúng tôi đã giao cho họ ba mức nhiệm vụ - dễ, trung bình và khó – để phản ánh các mức độ tập trung khác nhau khi thực hiện những nhiệm vụ vào nhiều thời điểm trong ngày.

Những người bị chứng mất ngủ cảm thấy khó tập trung vào công việc và dễ bị phân tâm hơn so với những người trong nhóm đối chứng. Phát hiện này bổ sung vào kết quả trước đó cho thấy sự suy giảm chức năng vào ban ngày ở những người có giấc ngủ kém chất lượng và ngủ không đủ giấc.

Cơ chế kiểm soát nhận thức của não bộ

Chúng tôi muốn đánh giá xem liệu việc khả năng tập trung của những người bị mất ngủ kém đi có phải do cơ chế chú ý cốt lõi của họ bị suy giảm hay không. Đó là quá trình não bộ cho phép chúng ta tập trung vào một nhiệm vụ và gạt bỏ các yếu tố gây phân tâm. Bài kiểm tra về khả năng tập trung với nhiều mức độ khó/dễ khác nhau mà chúng tôi đã triển khai ở trên chính là công cụ để chúng tôi kiểm tra điều này.

Nghiên cứu cho thấy, khi tập trung vào một nhiệm vụ dễ dàng, bộ não của chúng ta sẽ tự động xử lý những yếu tố gây phân tâm – chúng ta không thể ngăn cản điều đó. Tuy nhiên, với một nhiệm vụ khó, tất cả sức mạnh trong não bộ của chúng ta sẽ được dồn vào để thực hiện nhiệm vụ và các yếu tố phân tâm sẽ bị loại bỏ khỏi nhận thức của ta – chẳng hạn như bạn bỏ lỡ thông báo trên điện thoại trong lúc xem TV. Đây là những gì sẽ xảy ra khi cơ chế chú ý của ta vẫn còn ổn định và hoạt động như bình thường.

Chúng tôi nhận thấy cơ chế chú ý vẫn hoạt động bình thường ở những người mắc chứng mất ngủ. Tuy nhiên, những người mắc chứng bệnh này thể hiện mức độ mất tập trung cao hơn – họ dễ phân tâm bởi những chữ cái ngoài vòng tròn hơn so với nhóm đối chứng.

Bài kiểm tra khả năng tập trung. Ảnh:David Roberston

Do đó, có thể cơ chế kiểm soát nhận thức – quá trình não kiểm soát những gì chúng ta nên dồn sự chú ý vào – đã bị tổn hại. Giấc ngủ kém chất lượng có thể đã gây suy giảm khả năng của não bộ trong việc quyết định chính xác đâu là những kích thích trong đời sống mà ta nên tập trung vào, và điều này dẫn đến việc ta chuyển hướng sự chú ý của mình vào những thứ gây mất tập trung hơn là những thứ cần làm.

Điểm cần lưu ý đó là sự suy giảm như vậy đối với quá trình nhận thức trực diện, dù chỉ là tạm thời, vẫn có thể khiến cho những nhiệm vụ đơn giản như lái xe trên một tuyến đường quen thuộc trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Chẳng hạn, chỉ một khoảnh khắc mải nhìn một bảng quảng cáo mới, cũng có thể khiến người lái xe không phát hiện ra có người đang đi bộ sang đường. Chính vì vậy, tất cả tài xế đều phải nghỉ ngơi đầy đủ trước một chuyến đi.

Cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để biết, liệu điều trị chứng mất ngủ có giúp mọi người tập trung tốt hơn hay không. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị vì các báo cáo trước đây chỉ tìm thấy vài khía cạnh tích cực về hiệu suất làm việc sau khi điều trị chứng mất ngủ.

Nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy những người mất ngủ nghiêm trọng cũng là những người có khả năng tập trung kém nhất vào công việc, và bị sao lãng thường xuyên bởi những thứ ngoài rìa. Thông quá các nghiên cứu sâu hơn, bài kiểm tra của chúng tôi có thể được vận dụng để đánh giá mức độ mà giấc ngủ kém có thể tác động đến khả năng tập trung của mọi người.

(*) Tác giả của bài viết này - David James Robertson (Giảng viên Tâm lý học, Đại học Strathclyde) và Christopher B. Miller (Nghiên cứu viên cao cấp danh dự, Đại học Oxford) - cũng là tác giả của nghiên cứu.

Nguồn: