Ảnh quét cho thấy, trong bộ não của một số người, bộ phận xử lý âm thanh liên kết chặt chẽ hơn với bộ phận điều khiển miệng và cổ họng so với những người khác. Điều này khiến họ dễ cảm thấy bứt rứt khi nghe phải các âm thanh gây kích động - dù đó là những âm thanh vô cùng bình thường với hầu hết mọi người.

Nghiên cứu cho thấy âm thanh khi ăn có thể kích hoạt các vùng vận động của miệng và cổ họng ở những người nhạy cảm với các âm thanh đó. Ảnh: Tony Tallec / Alamy Stock Photo

Các nhà khoa học gần đây đã làm sáng tỏ lý do tại sao những âm thanh thường nhật như nhai, nuốt và thở lại có thể khiến một số người phát điên, cáu bẩn.

Misophonia, hay còn gọi là chứng ghét âm thanh hay dị ứng tiếng ồn. Người mắc thường có phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực ở mức thái quá với những âm thanh đối với người khác là rất bình thường. Những người mắc chứng misophonia có thể cực kỳ cáu kỉnh – đến mức cảm thấy ghê tởm, bứt rứt, tức giận và thậm chí là dẫn đến hành vi bạo lực – khi nghe như những âm thanh quen thuộc như nhai và húp xì xụp trên bàn ăn tối.

Mới đây, thông qua các lần quét não những người mắc chứng misophonia, các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle đã nhận ra rằng phần não xử lý âm thanh của những người này kết nối chặt chẽ hơn với phần vỏ não trước – có chức năng kiểm soát vận động cơ miệng và cổ họng – so với người bình thường.

Khi những người mắc chứng misophonia nghe thấy âm thanh “gây kích động”, kết quả quét cho thấy vùng não liên quan đến cử động miệng và cổ họng bị kích hoạt quá mức so với nhóm tình nguyện viên không mắc chứng này.

“Chúng tôi cho rằng với những người mắc chứng misophonia, âm thanh gây khó chịu sẽ kích hoạt vùng vỏ não”, Tiến sĩ Sukhbinder Kumar, nhà thần kinh học tại Đại học Newcastle, cho biết. “Dù người đó mới chỉ nghe thấy âm thanh này, nhưng nó cũng đủ để khiến họ cảm thấy như âm thanh đang len lỏi xâm nhập vào bên trong”.

Phần não xử lý âm thanh của những người này kết nối chặt chẽ hơn với phần vỏ não trước (premotor cortex - phần màu tím trong ảnh) – có chức năng kiểm soát vận động cơ miệng và cổ họng – so với người bình thường. Ảnh:neuroscientificallychallenged

Kumar và các đồng nghiệp của ông tin rằng những âm thanh đó đã kích hoạt cái được gọi là hệ thống tế bào thần kinh gương của não (là những tế bào đảm nhiệm chức năng phản chiếu những gì chúng ta nghe, nhìn, ngửi, cảm giác…). Các tế bào thần kinh gương dường như không chỉ ‘phát hỏa’ khi một người thực hiện một hành động, mà còn khi người đó nhìn thấy những người khác thực hiện các hành động cụ thể.

Dù vậy, việc kích hoạt hệ thống tế bào thần kinh gương bằng những âm thanh khó chịu không khiến những người mắc chứng misophonia vô tình nhai hoặc nuốt theo. Nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể tạo ra sự thôi thúc thông qua cái mà họ gọi là “siêu-phản chiếu”. Tiến sĩ Kumar cho hay một số người mắc chứng này đã bắt chước những âm thanh khiến họ cảm thấy thoải mái, vì nó mang lại cho họ sự nhẹ nhõm nhất định, có lẽ bởi họ được tái kiểm soát khả năng cảm nhận của mình.

Phát hiện này đã được công bố trên Journal of Neuroscience, mở đường cho các liệu pháp điều trị hiệu quả hơn đối với chứng misophonia – vốn đã khiến những bệnh nhân vô cùng khốn khổ. Tiến sĩ Kumar cho biết chúng ta có thể ‘huấn luyện’ hệ thống tế bào thần kinh gương, từ đó phá vỡ mối liên hệ giữa một âm thanh cụ thể khiến một người phát điên với những tác động tiêu cực mà người đó đã trải qua. Một nghiên cứu vào năm 2020 do các nhà khoa học thuộc Đại học Nottingham tiến hành, tiết lộ trong số 336 người tham gia khảo sát, có 12% người mắc misophonia ở mức độ vừa phải, và 0,3% gặp phải những tình trạng nghiêm trọng của chứng này.

Tim Griffiths, giáo sư thần kinh học nhận thức tại Newcastle - và cũng là tác giả chính của nghiên cứu, lưu ý rằng, công trình đã cho chúng ta thấy việc điều trị chứng misophonia không chỉ liên quan đến các vùng xử lý âm thanh của não, mà còn phải xem xét đến vỏ não, hoặc sự vận động, và cả những khu vực khác trong não.

Nguồn: