Bạn có bật dậy khỏi giường từ sáng sớm với tinh thần phấn chấn và sẵn sàng ra khỏi nhà? Hay bạn sẽ tắt báo thức cho đến phút cuối cùng mới lết dậy làm việc?
Thật tuyệt nếu bạn là người thích buổi sáng, vì nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể bạn phù hợp với khung làm việc tiêu chuẩn từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng sẽ không tốt lắm nếu bạn là một “cú đêm” - hoạt động tốt hơn vào chiều tối và thức khuya.
Bởi theo một nghiên cứu do Đại học Exeter dẫn đầu và công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng đáng tin nhất từ trước đến nay cho thấy những người có nhịp sinh học “buổi sáng” có khả năng chống trầm cảm và có sức khỏe tốt hơn những người có nhịp sinh học “buổi tối”. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là do xã hội được thiết lập để phù hợp với những người dậy sớm, thông qua khung giờ làm việc tiêu chuẩn 9 giờ sáng - 5 giờ chiều.
Những người có giờ giấc ngủ lệch nhịp với đồng hồ sinh học cơ thể sẽ dễ bị trầm cảm và có sức khỏe yếu hơn. Nguồn: Live science
Đại dịch COVID-19 đã khiến khung giờ làm việc của mỗi người linh hoạt hơn, do đó, nghiên cứu này có thể góp phần thiết kế giờ làm việc phù hợp với đồng hồ sinh học của mỗi người.
Dựa trên nền tảng các nghiên cứu trước đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ 351 gene có mối liên hệ với những người dậy sớm hoặc có thói quen thức khuya. Họ đã sử dụng phương pháp thống kê Mendelian Randomisation để kiểm tra xem các gene này có phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần hay không, trong đó bao gồm chứng trầm cảm nặng. Họ đã sử dụng dữ liệu di truyền của hơn 450.000 người trưởng thành ở Anh trong cơ sở dữ liệu y sinh của Biobank (Anh) và các nguồn tài liệu nghiên cứu. Ngoài thông tin di truyền, người tham gia nghiên cứu phải hoàn thành một bảng hỏi khảo sát xác định họ là người có nhịp sinh học “buổi sáng” hay “buổi tối”.
Nhóm nghiên cứu cũng phát triển một phương pháp đo lường mới về “rối loạn giấc ngủ xã hội” (social jetlag) nhằm đo lường sự thay đổi mô hình giấc ngủ giữa những ngày đi làm và ngày nghỉ. Họ đã áp dụng phương pháp này trên 85.000 người, thu thập dữ liệu giấc ngủ của các ứng viên thông qua máy theo dõi hoạt động đeo ở cổ tay.
“Rối loạn giấc ngủ xã hội” xảy ra khi chúng ta đi ngủ muộn và dậy muộn hơn vào các ngày cuối tuần được nghỉ. Đây là thuật ngữ vay mượn từ “rối loạn giấc ngủ tạm thời” (jetlag) khi đi máy bay - hiện tượng thường gặp phải khi di chuyển qua lại giữa nhiều múi giờ. Còn rối loạn giấc ngủ xã hội là “hệ quả của sự khác biệt giữa nhịp sinh học cá nhân và thời gian biểu hằng ngày được hình thành do ràng buộc về mặt xã hội”, TS. Jessica Tyrrell ở Đại học Exeter, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Sau khi so sánh dữ liệu giấc ngủ thu thập được với những báo cáo về sức khỏe và tâm trạng thực tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có chu kì giấc ngủ bị lệch so với nhịp sinh học của cơ thể thường dễ bị trầm cảm, lo âu và có sức khỏe kém hơn.
Ngược lại, “nếu bạn là người thích buổi sáng, bạn sẽ ít bị trầm cảm hơn và thường sẽ cảm thấy vui vẻ hơn. Điều này một phần là do ‘người buổi sáng’ ít có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ xã hội”, TS. Tyrell giải thích.
Như vậy, việc đi ngược lại đồng hồ sinh học cơ thể có liên hệ mật thiết với mức độ trầm: “mức độ sai lệch càng cao thì tỷ lệ trầm cảm càng tăng”, TS. Tyrrell cho biết.
"Các vấn đề sức khỏe của một ‘cú đêm’ có thể bắt nguồn từ việc một ‘người buổi tối’ lại sống trong thế giới của ‘người buổi sáng’, dẫn đến sự gián đoạn trong nhịp sinh học của cơ thể họ”, chuyên gia về giấc ngủ Kristen Knutson, phó giáo sư thần kinh học và y tế dự phòng tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét.
“Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều mô hình làm việc linh hoạt hơn. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng việc sắp xếp lịch làm việc phù hợp với đồng hồ cơ thể tự nhiên của mỗi người có thể góp phần cải thiện sức khỏe tâm thần cho những ‘cú đêm’”, TS. Tyrrell nhận xét.
Nguồn: