Nằm bên bờ sông Danube, cách Vienna khoảng 20 dặm (30 km) về hướng Tây Bắc là Zwentendorf – nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước Áo.
Năm 1978, Zwentendorf được hoàn thành, nạp đầy nhiên liệu và sẵn sàng khởi động. Nhưng sau đó, người Áo không còn tin tưởng vào năng lượng hạt nhân nữa và dự án bị hủy bỏ. Cũng vì thế mà nó đã trở thành lò phản ứng hạt nhân duy nhất trên thế giới chưa bao giờ vận hành và phát điện sau khi được hoàn thiện.
Nhà máy điện hạt nhân chưa từng hoạt động bên bờ sông Danube của Áo: Zwentendorf. Ảnh: Isaak/Flickr.
Ban đầu, Zwentendorf được Chính phủ Áo phê duyệt là nhà máy đầu tiên trong số ba dự án điện hạt nhân của nước này vào cuối thập niên 1960. Với công suất thiết kế 700 MW, nó hứa hẹn sẽ đáp ứng khoảng một phần mười nhu cầu điện năng của Áo. Công việc xây dựng được tiến hành từ năm 1972, kết thúc năm 1978 và tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD. Năng lượng hạt nhân là chủ đề thời thượng khi ấy, và niềm tin lại càng được củng cố bởi cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới năm 1973. Chính phủ của Thủ tướng Bruno Kreisky đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này.
Lò phản ứng của Zwentendorf là loại nước sôi (boiling water reactor) với một sơ đồ làm lạnh (cooling circuit) duy nhất. Lò được thiết kế bao gồm phần lõi – nơi xảy ra phản ứng phân hạch, nhiệt lượng sinh ra sẽ đun sôi nước, hơi nước di chuyển khỏi gian đặt lò phản ứng (reactor hall) để làm quay các tuabin. Tuy nhiên, Zwentendorf lại không có tháp làm mát (cooling tower) như những nhà máy điện hạt nhân khác, bởi các kỹ sư khi thiết kế nó đã nghĩ tới ý tưởng tận dụng nguồn nước sông Danube. Mặc dù được xem là tối tân tại thời điểm đó, nhưng thiết kế lò lại mắc không ít lỗi an toàn, chẳng hạn: nguồn điện dự phòng dùng trong trường hợp khẩn cấp được bố trí bên ngoài, dễ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Chính những sự cố liên quan đến máy móc đã khiến hai nhà máy khác có thiết kế tương tự ở Đức phải ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Lõi lò phản ứng rỗng. Ảnh: Raimund Appel/Flickr.
Du khách thăm quan khám phá phòng điều khiển tại nhà máy điện hạt nhân Zwentendorf. Ảnh: Raimund Appel/Flickr.
Zwentendorf thực sự đã có một khởi đầu vô cùng khó khăn. Chỉ hai tuần sau khi động thổ, một trận động đất mạnh xảy ra trong vùng đã làm hỏng phần móng của nhà máy khiến người ta phải phá dỡ và đổ lớp bê-tông mới. Tiếp đó là một trận lụt lớn, nước sông Danube dâng cao thấm vào bể chứa của nhà máy – dấu hiệu cho thấy nguy cơ rò rỉ, điều cực kỳ nguy hiểm trong trường hợp lõi lò tan chảy (meltdown), mạch nước ngầm sẽ rất dễ bị ô nhiễm. Hơn nữa, ban quản lý dự án đã không tính tới phương án hợp lý để xử lý rác thải hạt nhân. Ý tưởng ban đầu là chôn nó xuống sâu bên dưới dãy Alps, nhưng các cộng động xung quanh địa điểm được chọn đã phản đối kịch liệt. Người Áo sau đó đã cố bán rác hạt nhân sang Hungary, Ai Cập, Trung Quốc,... để tái sử dụng, nhưng tất cả đều từ chối.
Mặc dù còn tồn tại một số ý kiến trái chiều nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của điện hạt nhân đối với sự phát triển của nhiều quốc gia. Tại một số nước như Mỹ, Pháp, Nga, Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đài Loan,… điện hạt nhân hiện chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nguồn phát điện. Khác với nhiệt điện than đòi hỏi phải đốt rất nhiều nguyên liệu, thủy điện cần tích trữ nước, hay năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết (cho nên hiệu suất chưa ổn định), điện hạt nhân lại tận dụng phản ứng phân hạch - sản sinh nhiệt mà không cần đốt cháy và phát thải CO2 rất thấp (tính trên 1 kWh điện). Vì vậy, điện hạt nhân được xem là một giải pháp hứa hẹn cho bài toán năng lượng sạch của nhân loại. Một vài tỷ phú giàu nhất thế giới như Bill Gates, Jeff Bezos,… đều có những phát biểu ủng hộ và thậm chí cam kết đầu tư cho năng lượng hạt nhân.
Các ý kiến phản đối điện hạt nhân thường bám vào lý do an toàn. Nhưng theo tính toán, xác xuất của những sự cố như Chernobyl, Three Mile Island hay Fukushima là rất thấp, thậm chí còn nhỏ hơn cả tai nạn hàng không. Phần lớn các nhà máy đã và đang bị tháo bỏ trên thế giới đều thuộc loại cũ, được xây dựng từ thập niên 1960 - 1970 và đã hết thời gian sử dụng. Một số công ty, bao gồm start up chuyên về năng lượng hạt nhân đang theo đuổi những thiết kế lò phản ứng thế hệ mới nhỏ gọn, an toàn và hiệu suất hơn rất nhiều.
Vì lý do đó, Việt Nam nên cân nhắc tái khởi động lại dự án điện hạt nhân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai trung và dài hạn. |
Trước sự phản đối ngày càng gia tăng với năng lượng hạt nhân, Chính phủ Áo buộc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem có nên khởi động nhà máy Zwentendorf hay không. Ngày 5/11/1978, 1,6 triệu người đã bỏ phiếu chống – chiếm 50,5% số cử tri, tỷ lệ rất hẹp song cũng đủ định đoạt số phận của nhà máy.
Đến tận năm 1985, Zwentendorf vẫn được duy trì trong tình trạng sẵn sàng hoạt động nếu người dân đổi ý. Nhưng thảm họa Chernobyl năm 1986 tại Liên Xô đã làm tiêu tan mọi hy vọng. Ngay sau biến cố, chính quyền Áo bắt đầu cho tháo dỡ một phần nhà máy, vài bộ phận được bán cho các công ty năng lượng hạt nhân của Đức. Hiện tại, chủ sở hữu Zwentendorf đang sử dụng khu phức hợp này cho mục đích đào tạo an toàn điện hạt nhân, đôi khi còn cho các đơn vị tổ chức sự kiện và đoàn làm phim thuê để lấy bối cảnh.