Dầu cọ là loại dầu thực vật phổ biến nhất thế giới được chiết xuất từ quả của cây cọ dầu. Nó có mặt trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng thường ngày bao gồm các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu sinh học.
Cây cọ dầu có nguồn gốc ở Tây Phi nhưng hiện nay người ta trồng nó nhiều nhất tại các vùng nhiệt đới thuộc khu vực Đông Nam Á. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng dầu cọ hằng năm trên toàn thế giới đạt gần 71 triệu tấn trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019, và dự kiến sẽ đạt 240 triệu tấn vào năm 2050. Để so sánh, sản lượng toàn cầu hằng năm của dầu đậu nành [loại dầu được sản xuất nhiều thứ hai thế giới] chỉ khoảng 57 triệu tấn từ năm 2018 đến năm 2019.
Dầu cọ được chiết xuất từ phần thịt (cùi) của quả cây cọ dầu. Ảnh: Freepik
Thị trường dầu cọ toàn cầu tăng trưởng theo từng năm. Đến năm 2022, giá trị của dầu cọ ước tính đạt 88 tỷ USD, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Quốc gia cung cấp dầu cọ lớn nhất là Indonesia, tiếp theo là Malaysia. Hai quốc gia này sản xuất khoảng 85% lượng dầu cọ trên thế giới.
Tại sao dầu cọ trở nên phổ biến?
Các chuyên gia ước tính dầu cọ có mặt trong khoảng 50% các mặt hàng đóng gói trong siêu thị, từ chất tẩy rửa cho đến các loại thực phẩm, mỹ phẩm và kẹo, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Sức hấp dẫn của dầu cọ đối với các nhà sản xuất không chỉ nằm ở giá thành rẻ mà còn ở nhiều đặc tính nổi trội, chẳng hạn như khả năng chịu nhiệt cao, thời gian sử dụng lâu dài. Sản lượng dầu cọ trên mỗi ha cao hơn nhiều so với bất kỳ loại dầu thực vật nào khác. Quá trình sản xuất không cần nhiều năng lượng, phân bón và thuốc trừ sâu. Cụ thể, cây cọ dầu tạo ra khoảng 35% tổng lượng dầu thực vật từ ít hơn 10% diện tích đất canh tác phân bổ cho các loại cây lấy dầu.
“Để tạo ra cùng một lượng dầu thành phẩm, quá trình sản xuất dầu đậu nành hoặc dầu dừa sẽ cần nhiều đất hơn từ 4 đến 10 lần”, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) cho biết.
Dầu cọ là loại dầu ăn phổ biến nhất ở châu Á. Các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia tiêu thụ gần 40% tổng lượng dầu cọ trên toàn thế giới.
Dầu cọ có hại cho môi trường?
Sản xuất dầu cọ được coi là một trong những con đường thoát nghèo cho người dân tại các nước đang phát triển, bởi vì nó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương. Xu hướng này đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều đồn điền trồng cây cọ dầu đang bắt đầu mọc lên ở khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Theo báo cáo của tổ chức Humanity United, ngành công nghiệp dầu cọ sử dụng tới 3,5 triệu người lao động ở hai quốc gia Indonesia và Malaysia. Nó đã góp phần tạo ra việc làm ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của các đồn điền trồng cây cọ dầu đang trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng trên quy mô lớn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các đồn điền cọ dầu gây ra 56% vụ phá rừng trên đảo Borneo trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015.
“Diện tích rừng nhiệt đới ngày càng thu hẹp trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học. Việc mở rộng các đồn điền đã dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của đười ươi, voi lùn Borneo, tê giác Sumatra, và ít nhất 193 loài khác bị đe dọa”, theo Sách đỏ của IUCN.
Các đồn điền trồng cây cọ dầu cũng là một nguồn phát thải khí nhà kính khổng lồ. Bởi vì chúng thường được thành lập trên đất chuyển đổi từ rừng đầm lầy. Quá trình phát quang, đốt phá rừng và làm sạch đất sẽ giải phóng một lượng lớn khí nhà kính carbon dioxide (CO2), methane (CH4) vào khí quyển và gây ô nhiễm nguồn nước.
Nước thải từ các nhà máy lọc dầu cọ là một nguồn phát thải khí methane khổng lồ khác. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, khí methane thoát ra từ một ao nước thải của nhà máy lọc dầu cọ có tác động đến khí hậu hằng năm tương đương với 22.000 chiếc ô tô.
Sản xuất dầu cọ bền vững
Người tiêu dùng có ý thức về môi trường có thể nghĩ rằng tẩy chay các sản phẩm chứa dầu cọ là con đường tốt nhất để loại bỏ tác hại môi trường do các đồn điền trồng cây cọ dầu gây ra. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Nếu việc sử dụng dầu cọ bị hạn chế, con người sẽ thay thế nó bằng các loại dầu thực vật khác để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta không có giải pháp thay thế tương đương. Các loại dầu khác chiết xuất từ hạt cải, hướng dương và đậu nành không có hiệu quả sản xuất như cây cọ. Năm 2018, IUCN đã phát hành một báo cáo mô tả việc tẩy chay dầu cọ sẽ chỉ đơn giản là chuyển tác động đa dạng sinh học đến các vùng sản xuất dầu thay thế, chẳng hạn như rừng nhiệt đới và savan ở Nam Mỹ.
“Nếu chuyển nhu cầu sang một loại dầu kém hiệu quả hơn, chúng ta sẽ cần nhiều đất hơn và những tác động xấu đến môi trường tự nhiên cũng tăng lên”, Matthew Struebig, nhà nghiên cứu tại Đại học Kent (Anh), nhận định. “Vì vậy, giải pháp tốt nhất là chúng ta nên cố gắng sản xuất bền vững”.
Tính đến năm 2020, ít hơn 20% sản lượng dầu cọ trên toàn thế giới đến từ hoạt động sản xuất bền vững, theo Hội nghị bàn tròn về Dầu cọ bền vững (RSPO) – một sáng kiến toàn cầu được thành lập vào năm 2004 nhằm xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá sản phẩm dầu cọ có nguồn gốc bền vững hay không. Các tiêu chí này bao gồm nạn phá rừng, tính hợp pháp, tính minh bạch và tác động xã hội. Hiện nay, một số công ty như PepsiCo, Unilever, Nestlé và General Mills đã cam kết sử dụng 100% dầu cọ được RSPO cấp giấy chứng nhận là có nguồn gốc bền vững.
Một số nhóm phi lợi nhuận cũng đang nỗ lực hướng tới một ngành công nghiệp dầu cọ bền vững hơn ở các quốc gia có hàng triệu người phụ thuộc vào sự tồn tại của nó. Ví dụ, một sáng kiến có trụ sở tại Malaysia gọi là Wild Asia đang hỗ trợ hàng trăm nông dân thành lập các nhóm lớn hơn để được cấp giấy chứng nhận đáp ứng các tiêu tiêu chuẩn Sản xuất Dầu cọ Bền vững của Malaysia (MSPO) và RSPO. Vì vậy, Wild Asia đã góp phần mang lại lợi ích cho cả nông dân và môi trường.