Biệt danh của vua Harald Gormsson - Bluetooth - đã được dùng để đặt tên cho công nghệ không dây kết nối các thiết bị, giống như cách mà ông đã hợp nhất Scandinavia.

Hằng ngày, nhờ công nghệ Bluetooth, mọi người trên khắp thế giới có thể kết nối không dây để nghe nhạc hoặc xem phim. Vào giữa những năm 1990, nhà phát triển Bluetooth - Jim Kardach, kỹ sư của Intel, đang nghĩ tên cho công nghệ mới. Khi đọc về lịch sử Viking, ông chú ý đến một tảng đá khắc chữ rune (loại chữ chỉ dùng nét thẳng, được người Viking ở Scandinavia sử dụng) ca ngợi chiến công của vị vua Đan Mạch thế kỷ thứ 10 tên là Harald Bluetooth.

Nội dung trên tảng đá kể lại Bluetooth đã gắn kết các bộ lạc ở Đan Mạch trở thành một dân tộc và chinh phục Na Uy. “Tôi nhận ra [tên của vị vua này] sẽ phù hợp với chương trình”, Jim Kardach viết. Sau khi xem xét những cái tên khác, cuối cùng họ vẫn chọn biệt danh của vị vua người Viking. Mục tiêu của công nghệ Bluetooth là chinh phục và kết nối thế giới, tương tự vua Bluetooth đã chinh phục và thống nhất vùng Scandinavia hơn một nghìn năm trước đây.

Hai tảng đá ở Jelling, Đan Mạch, tảng đá lớn hơn bên trái do Bluetooth xây dựng. Nguồn: National Geographic
Hai tảng đá ở Jelling, Đan Mạch, tảng đá lớn hơn bên trái do Bluetooth xây dựng. Nguồn: National Geographic

Bluetooth còn có tên khác là Harald Gormsson, hay con trai của Gorm. Người ta vẫn chưa biết rõ cha ông - Gorm lên nắm quyền như thế nào. Có vẻ Gorm là một người Jutlander bản địa. Vào năm 936, Gorm nắm quyền kiểm soát miền Bắc Jutland từ tay người Thụy Điển, xây dựng một vương quốc với trung tâm là Jelling.

Chuyện kể về Bluetooth

Hai tảng đá khắc chữ rune nổi tiếng ở Jelling là di tích quan trọng cho thấy một phong cách cai trị mới. Tảng đá nhỏ hơn, cũ hơn do Gorm xây dựng để tưởng nhớ vợ mình là Thyra - mẹ của Bluetooth. Tảng đá lớn hơn do Bluetooth xây dựng, một mặt có hình Chúa Kitô treo trên cây thập tự, hình ảnh mô tả trực quan sớm nhất về Chúa Jesus ở Đan Mạch. Trên mặt còn lại là dòng chữ rune đã truyền cảm hứng cho người sáng tạo ra công nghệ Bluetooth ở nhiều thế kỷ sau: “Harald đã giành được toàn bộ Đan Mạch và Na Uy, và biến người Đan Mạch thành tín đồ Kitô giáo”.

Ở phía Nam, Đan Mạch giáp với một quốc gia hùng mạnh hơn nhiều so với vương quốc của người Viking: Đế quốc La Mã thần thánh. Các hoàng đế La Mã đã chiến đấu với các dân tộc Germanic và Slavic trong nhiều thập kỷ với lý do đây là những người ngoại giáo cần phải cải đạo. Hoàng đế Otto II cũng sử dụng lý lẽ trên khi phản công Bluetooth vào năm 974, một năm sau khi Bluetooth tấn công vùng đất của ông ở Sachsen.

Một bức chân dung của vua Harald Bluetooth tại nhà thờ Roskilde, được cho là nơi chôn cất ông.
Một bức chân dung của vua Harald Bluetooth tại nhà thờ Roskilde, được cho là nơi chôn cất ông.

Trong tác phẩm “Knýtlinga Saga” ở Iceland vào thế kỷ 13 của tác giả Óláfr Þórðar-son, cháu trai của Snorri Sturluson, một nhà sử học nổi tiếng người Viking, Otto “đã tấn công vua Đan Mạch và cố gắng cải đạo người Đan Mạch sang Kitô giáo, nhưng vua Đan Mạch không có ý định theo đạo Kitô và đã đối đầu với ông ta [Otto]”. Với sự hỗ trợ của quân tiếp viện từ Na Uy, Bluetooth không chỉ ngăn chặn được cuộc tấn công của Otto mà còn chiếm được lãnh thổ phía Nam biên giới. Nhưng sau khi Na Uy rút quân, Otto đã lấy lại vùng đất đã mất và di chuyển lên phía Bắc Danewirk, một phòng tuyến gồm các bức tường và chiến hào từng là biên giới giữa vùng đất của người theo đạo Kitô và ngoại giáo.

Câu chuyện khiến người ta bối rối về thời điểm Bluetooth theo đạo Kitô, và nghi ngờ về động cơ tôn giáo trong cuộc tấn công của Otto. Có lẽ việc cải đạo đã diễn ra vào năm 965, vài năm trước cuộc tấn công của Otto. Tài liệu chi tiết nhất còn tồn tại là tác phẩm “Res gestae Saxonicae” (Những chiến công của người Saxon) do Widukind xứ Corvey - nhà sử học người Saxon sáng tác vào cuối thế kỷ thứ 10. Theo Widukind, trước khi Bluetooth cải đạo, người Đan Mạch đã chấp nhận Chúa Kitô là một vị thần trong khi vẫn tôn thờ các vị thần khác mà họ tin là mạnh hơn.

Một phần khác trong Knýtlinga Saga cho thấy, bản thân Bluetooth vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ đức tin cũ. Khi cân nhắc về việc tấn công Iceland, ông không cầu xin Chúa Kitô chỉ đường dẫn lối, mà “mời một thầy phù thủy du hành đến Iceland để tìm hiểu”. Sau đó, thầy phù thủy cho biết hòn đảo ở quá xa và có nhiều sinh vật kỳ quái, Bluetooth đã gác lại kế hoạch xâm lược của mình.

Nội chiến ở Đan Mạch

Bluetooth nổi tiếng với các biện pháp an ninh bảo vệ lãnh thổ. Sau những mối đe dọa từ các cuộc xâm lược của Đế quốc La Mã thần thánh, Bluetooth đã xây dựng rất nhiều công sự hình tròn (ngày nay được gọi là pháo đài vòng tròn thời Viking, hay pháo đài kiểu Trelleborg). Việc xây dựng các công trình phòng thủ trên quy mô lớn như vậy đòi hỏi sức lao động của các chiến binh - thường nằm trong đoàn tùy tùng của các jarl (quý tộc, gốc của từ “earl - bá tước” trong tiếng Anh).

Trước tình trạng này, giới quý tộc trở nên bất mãn vì cho rằng Bluetooth đang lạm dụng quyền lực. Đây là tiền đề dẫn đến sự kết thúc giai đoạn trị vì của Harald Bluetooth. Khi con trai của Bluetooth, Sweyn muốn được chia một phần vương quốc, ông đã từ chối trao bất kỳ vùng đất nào cho Sweyn. Đến tuổi trưởng thành, Sweyn đã chiêu mộ lực lượng và phát động các cuộc viễn chinh tấn công ở Đan Mạch và nước ngoài.

Bluetooth đã huy động quân đội để chống lại Sweyn. Sau đó, tình hình leo thang thành nội chiến. Trong một trận chiến, quân của Bluetooth đánh bại quân của Sweyn, nhưng Harald đã bị thương và qua đời sau đó không lâu, vào tháng 11 năm 987.

Khi Sweyn I lên ngôi, mối thù với các quý tộc đã lắng xuống. Trong các giai đoạn sau, những pháo đài của Bluetooth bị bỏ hoang vì chi phí bảo trì rất tốn kém. Là một vị vua hiếu chiến, Sweyn Forkbeard dành phần lớn thời gian trị vì để tấn công nước Anh.

Thế giới mà Harald Bluetooth đã gây dựng tiếp tục hình thành dưới thời cai trị của Sweyn I, những vị vua ở Na Uy và Thụy Điển lúc đó đều theo đạo Kitô. Thế giới Bắc Âu, bao gồm cả Iceland - quốc gia đã cải đạo sang Kitô giáo vào khoảng năm 1000, đã được tích hợp vào bản đồ tôn giáo của châu Âu.

Nguồn: nationalgeographic.com