Công trình do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thực hiện trong chín năm nhằm làm sáng tỏ những vấn đề khúc mắc về một thể loại ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất trong nền âm nhạc dân tộc.

abc
Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền. Ảnh: nhandan.vn

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, cái tên Ả đào từng được đề cập sớm nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư cách nay nghìn năm, và theo thời gian, thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp này còn có nhiều tên gọi khác: Ca trù, Hát cửa quyền, Hát cửa đình, Hát nhà trò, Hát nhà tơ, Ca công, Cô đầu…

Từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, Ả đào bao phủ từ miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang nửa sau thế kỷ 20, khi lịch sử sang trang, giáo phường Ả đào khắp các vùng miền giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thị thành đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích. Và Ả đào gần như biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội, ngoài vài cuộc chơi “khép kín” tại tư gia của những văn sĩ danh tiếng, có khả năng bảo trợ đào kép ở Hà Nội.

Phải đến khi được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào năm 2009, Ả đào hay Ca trù mới được nhắc đến nhiều hơn, những cuộc liên hoan của nhiều câu lạc bộ Ca trù trên mười mấy tỉnh thành bắt đầu xuất hiện trở lại. Đáng buồn thay, đây cũng là lúc những nghệ nhân cao tuổi của loại hình này thường xuyên phải lo lắng về việc đào kép trẻ “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”. Nhưng thế nào là đàn hát đúng chuẩn mực cổ điển của Ả đào thì chưa có sách vở nào làm sáng tỏ. Tàng thư nghiên cứu phần lớn đều tiếp cận Ả đào dưới góc độ lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm, thay vì nghiên cứu chuyên sâu về âm luật của nó.

Từng là người tham gia dự án xây dựng hồ sơ về Ca trù để trình UNESCO và có cơ hội tiếp xúc với những đào kép nhà nghề cuối cùng, đến năm 2014, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bắt đầu cuộc điền dã dài kỳ về nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ “với quyết tâm đào sâu tới tận cùng, giải mã bằng được mọi bí ẩn của hệ âm luật Ả đào để đưa ra ánh sáng khoa học”.

Những khám phá mới

abc
Cuốn sách khảo cứu của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vừa được xuất bản mới đây. Ảnh: Omega+

Kết quả, sau chín năm, công trình Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật gồm bảy phần của ông đã ra đời, làm sáng tỏ “những khuôn thước trong bài bản bấy lâu nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề”. Trong đó, mỗi bài bản Ả đào được nhận diện như một sơ đồ cấu trúc lắp ghép các mô hình khổ phách - khổ đàn. Hơn nữa, cấu trúc lắp ghép khổ phách - khổ đàn cũng như sự luân chuyển cung điệu trong từng bài bản Ả đào đều được sơ đồ hóa chi tiết. Đây thực chất là việc văn bản hóa hệ thống bài bản cổ truyền, điều mà chưa có tài liệu nghiên cứu nào trước đó thực hiện.

Cấu trúc lắp ghép được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phát hiện trong nhạc Ả đào cũng bổ sung thêm cho lý thuyết cấu trúc bài bản và làn điệu nhạc cổ truyền Việt Nam mà bấy lâu nay vốn được biết đến với ba loại cơ bản là cấu trúc làn điệu, cấu trúc ca khúc dân gian, và cấu trúc lòng bản (bản xướng âm đơn giản và cố định về một bài bản).

Một kết quả nổi bật khác của khảo cứu là hệ thống cung điệu nhạc Ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc để từ đó xác định có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản Ả đào như thế nào...

Bên cạnh đó, tác giả đã xác định Ả đào là thể loại nhạc có nghệ thuật chuyển đi (giai điệu chuyển từ giọng này sang giọng khác và kết thúc ở giọng mới đó) ở tầng bậc cao nhất trong nền âm nhạc dân tộc. Trong tổng số 28 bài Ả đào thì có tới quá nửa số bài được chuyển điệu. Đây là một trong những phát hiện mới, quan trọng của công trình. Hay như thông qua việc giải mã cung điệu cổ xưa của Ả đào, tác giả đã tìm thấy mối quan hệ / sự ảnh hưởng của Ả đào với nhiều thể loại khác như Hát chầu văn, Tuồng, nhạc Cung đình Huế, nhạc thính phòng Huế... Từ đó, có thể cho rằng Ả đào như một sự khởi nguồn của những âm điệu thuần Việt, theo dòng người di cư mở đất về phương Nam mà hình thành nên nhiều giá trị khác nhau.

Đặc biệt, tác giả đã phát hiện một thể cách Ả đào cổ xưa, chưa từng có tài liệu nào nhắc đến, tưởng chừng đã thất truyền, góp thêm vào biểu mục bài bản được bảo tồn.

Bên cạnh việc nghiên cứu sâu về khổ đàn, khổ phách, cuốn sách của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền còn đề cập không gian của Ả đào, nghệ thuật trống chầu, và góc nhìn lịch sử - văn hóa về nhà hát Cô đầu.

Được biết, công trình khảo cứu có sự đóng góp tư liệu âm thanh của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, bên cạnh nhiều tư liệu quý hiếm, được lưu trữ ở Pháp hay Mỹ, trong đó có những bản nhạc Ả đào thu âm từ giai đoạn 1926-1930 do tác giả sưu tầm, mua lại và được bè bạn trao tặng.


Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền (1966) nguyên là giảng viên dạy các môn Nhạc lý cơ bản và âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ năm 1996 đến nay, ông chuyển công tác về Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Ông là người có nhiều đóng góp cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là đối với Ả đào và Cồng chiêng Tây Nguyên – cả hai loại hình đều được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.